Khát vọng ầu ơ: Xóm... hiếm muộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần Bệnh viện Từ Dũ, có một con hẻm tập trung nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn thuê trọ. Trong đó, có những người mới đến nhưng có những người đã ở tới 10 năm. Họ cùng chờ đợi một cơ hội...
Trong vai người hiếm muộn, tác giả thuê một phòng trọ khoảng 4 m2 ở xóm hiếm muộn (đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) với giá 150.000 đồng/ngày H.K
Trong vai người hiếm muộn, tác giả thuê một phòng trọ khoảng 4 m2 ở xóm hiếm muộn (đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) với giá 150.000 đồng/ngày Ảnh: H.K
Nhiều người nói vui rằng ở xóm hiếm muộn, phụ nữ là bà hoàng bởi họ không phải đi chợ, nấu cơm, rửa chén, giặt giũ… Nhưng họ vẫn là những “chiến binh” bởi phải trải qua những đau đớn đến rùng mình. Mỗi lần nhận kết quả báo phôi hay thăm khám là một lần họ nín thở, bấm môi đến bật máu để ngăn tiếng khóc khi bác sĩ báo... hỏng phôi.
Đổi trọ, tìm phong thủy tốt
Với lý do chờ ngày chọc trứng, tôi xách hành lý tới hẻm 7A (đường Cống Quỳnh, Q.1) tìm phòng trọ. Phòng trọ này nằm trong một ngôi nhà cấp 4 ở giữa hẻm, xung quanh là rất nhiều tiệm gội đầu, massage chân, cơm phần và chi chít bảng giá cho thuê trọ với giá trung bình dao động từ 3 - 6 triệu đồng/phòng/tháng.
Tôi dễ dàng nắm bắt thông tin các nhà trọ trong xóm từ một chị nhân viên tiệm gội đầu: “Muốn tiết kiệm thì vào nhà bà Nga, giá thuê 3 triệu rưỡi/tháng nhưng ở đấy chỗ nấu ăn nhỏ xíu và sinh hoạt cũng bí bách. Muốn thoải mái chút thì qua nhà chị Lan, chị Nhung, giá thuê nhỉnh hơn nhưng có không gian "thở" và chỗ nấu ăn rộng rãi”.
Chị tiết lộ, hầu hết những cặp vợ chồng hiếm muộn tới xóm này đều rất duy tâm. Họ đổi trọ thường xuyên để tìm nơi có phong thủy hợp giúp đậu thai suôn sẻ. Chị hướng dẫn: "Cái xóm hiếm muộn này có hàng ngàn nhà cho thuê trọ nhưng chỉ có vài điểm là hên thấy sợ. Có người trọ vòng vòng cả mấy năm không đậu được thai nhưng vừa đổi trọ là có kết quả đậu ngay".
Ở xóm hiếm muộn, đàn ông thường phụ trách việc nấu nướng  ẢNH: TRUNG DU
Ở xóm hiếm muộn, đàn ông thường phụ trách việc nấu nướng ẢNH: TRUNG DU
Theo lời chị, tôi nên vào thuê nhà A17 vì hầu hết những người chuyển tới xóm trọ này đều chỉ ở một thời gian ngắn là đậu thai. Lúc đầu tôi khá hoài nghi lời chị nói và đoán rằng có lẽ chị là “chim mồi” của những bà chủ trọ này. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn thử xem sao. Nhưng khi đã vào ở được vài ngày, nghe chuyện từ những anh chị thuê trọ trước mình thì quả là thật. Khẽ khàng nhấc từng bước chân, chị Trần Thị Minh (36 tuổi, quê Nghệ An) mỉm cười chào tôi: “Chờ chọc trứng hả em?”. Tôi gật đầu, chị tiếp ngay: “Ráng ăn nhiều hải sản cho trứng chất lượng để đậu phôi”. Rồi chị nói như động viên: “Hành trình này còn dài lắm. Chị ở đây đã bốn năm, thất bại đã mấy lần nhưng tới xóm trọ này thì hên hẳn”.
Chị kể, chị chuyển trọ tới nhà A17 sáu tháng trước. Chỉ sau khi chị chuyển tới đây một tháng thì được kết quả đậu. Từ đó, chị rủ thêm mấy chị quen ở xóm trọ cũ qua. Một điều đặc biệt là, bốn cặp chị rủ qua đã có ba cặp đậu, còn một cặp đang chờ kết quả beta (một giai đoạn thụ tinh trong ống nghiệm). Dứt vài câu chào hỏi, chị Minh rỉ tai tôi: “Em vào thắp hương đi. Khấn xin cho con một cơ hội để được có con”. Vừa nói, chị liền chỉ tay về phía chiếc bàn thờ nhỏ xíu nhưng ngăn nắp, trái cây đèn nước tinh tươm phía cuối hành lang.
Vừa tiến tới bàn thờ định thắp một nén hương thì tôi giật mình khi bắt gặp bóng một người phụ nữ đang nhắm mắt quỳ gối trong phòng qua cái cửa bé xíu. Chị là Trần Thị Tuyết (39 tuổi, quê Bình Định), ở cùng xóm trọ cũ với chị Minh. Nghe chị Minh đậu thai, chị lật đật chuyển trọ theo với hy vọng gặp hên. Chị Tuyết bảo khi chị qua trọ nhà A17, ở đây vẫn còn ba phòng trống. Trong đó có hai phòng phía ngoài có cửa sổ khá thoáng nhưng chị lại chọn phòng trong cùng không có cửa sổ và bí bách nhất: “Nhìn căn phòng bên cạnh cái bàn thờ nhỏ, tôi bỗng thấy an tâm”, chị Tuyết tâm sự.
Tính năm nay nữa là tròn 14 năm vợ chồng chị Tuyết đi chữa hiếm muộn. Đôi lúc chị thấy mình tuyệt vọng muốn bỏ cuộc nhưng rồi lại gắng. Khi chỉ còn một tuổi nữa là chạm ngõ tứ tuần thì anh chị được tin đậu thai. Chị Tuyết tin rằng, việc chị có thai là nhờ đổi phong thủy qua nhà trọ mới. Suốt ba tháng nay, ngày nào chị cũng quỳ ở trong phòng hướng ra chiếc bàn thờ cạnh cửa phòng như một cách làm chị thấy an lòng.
Với chị giờ này: "Tất cả là ý trời. Tôi chỉ cầu con, không cầu tài sản".
Nơi đàn ông làm… nội trợ
Người ta nói vui rằng ở xóm hiếm muộn, phụ nữ là những bà hoàng bởi họ không phải đụng tay nấu cơm, rửa chén, giặt giũ hay chợ búa… Mới vào, nhìn cảnh các anh chồng tất bật lo từng miếng ăn, ngụm nước chín cho vợ, tôi thấy người ta nói cũng có lý.
Một số nhà trong con hẻm đường Cống Quỳnh trở thành ngôi nhà thứ hai của những cặp vợ chồng hiếm muộn  ẢNH: TRUNG DU
Một số nhà trong con hẻm đường Cống Quỳnh trở thành ngôi nhà thứ hai của những cặp vợ chồng hiếm muộn ẢNH: TRUNG DU
Có thâm niên nuôi vợ chữa hiếm muộn ở thành phố đã nhiều năm, anh Tùng (chồng chị Minh) tỏ ra thông thuộc từng nơi bán thực phẩm. Anh bảo, vào những ngày nuôi trứng, dưỡng tinh trùng thì vợ chồng phải chăm ăn sò huyết, hải sản. Kinh nghiệm này được các anh trong xóm truyền tai nhau để chăm cho vợ. Anh Tùng bảo: “Sò huyết muốn bổ thì chỉ cần nhúng nước sôi rồi ăn liền, còn các loại nghêu, sò khác thì có thể chế biến thành nhiều món để ăn đỡ ngán”.
Phụ nữ ở đây ngoài việc nằm dưỡng sức thì chỉ cần nghĩ xem muốn ăn món gì và chồng sẽ là những người thực hiện. Mang thai ở tháng thứ ba, chị Tuyết đã có nhiều biểu hiện nghén. Sau bữa cơm trưa, anh Hòa chồng chị bồi thêm cho chị một củ khoai lang và hai quả trứng gà. “Không được trứng gà ta nhưng trứng này tôi mua ở siêu thị. Khoai cũng mua ở siêu thị, tuyệt đối an toàn”. Theo cách nói của anh Hòa thì ở giữa thành phố xa lạ này, anh chị tin tưởng tuyệt đối vào thực phẩm ở siêu thị. Bởi vậy từ cái tăm, hạt gạo, muối cho đến ngọn rau, anh đều vào siêu thị mua.
Không chỉ cẩn thận với từng loại thực phẩm mua về, anh Hòa còn được các anh chị cùng xóm gắn biệt danh là bác sĩ tâm lý bởi chỉ cần nhìn mắt vợ là anh biết chị đang nghĩ gì. Anh Hòa tâm sự: Mấy năm đầu chữa hiếm muộn, anh chị chỉ tới viện khám rồi lấy thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, mấy năm nay thì ở lại nhà trọ gần bệnh viện. Nhà có cửa hàng nên anh chị quản lý từ xa. Lâu lâu, anh Hòa về nhà thăm nom quán xá, thu vén tiền bạc rồi vào lại với vợ. Lần nào về quê cũng chỉ dăm ba ngày là người ta thấy anh có mặt.
Mỗi lần báo phôi thất bại thay vì về quê, anh Hòa lại đưa chị Tuyết đi du lịch bởi anh sợ về quê, lời ra tiếng vào khiến chị buồn. “Mỗi lần về quê, hàng xóm thường qua hỏi thăm. Người tốt miệng thì động viên nhưng những người độc miệng lại bóng gió: “Cây độc không trái, gái độc không con”. Có người còn bảo vợ tôi như cây đu đủ đực cứ thẳng đuột không thể có con nên nghĩ chuyện mà kiếm vợ khác. Tôi sợ những câu này đến tai vợ nên không ủng hộ việc về quê”.
Mấy năm nay, anh chị đi chữa hiếm muộn nhưng phải đánh tiếng họ hàng, làng xóm là vào TP.HCM làm ăn. “Dù biết không thể che mắt thế gian nhưng nói thế để tết hay khi nhà có giỗ chạp, anh chị dễ ăn nói”, chị Tuyết nhìn chồng rưng rưng. 
(còn tiếp)
Theo Lam Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.