Người Campuchia bán tóc giá rẻ mạt, dân Mỹ chi bộn tiền mua về làm đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghèo đói đang đẩy những người phụ nữ thuộc thế giới thứ ba ở Campuchia bán đi mái tóc của mình để thỏa mãn sự phù phiếm của phái đẹp ở thế giới thứ nhất.
Pheng Sreyvy, 39 tuổi, từng có một mái tóc đẹp dài đến thắt lưng trước khi bán nó lấy 15 USD. Chia sẻ với phóng viên NBC News, cô thú thực mình rất hối tiếc vì đã cắt tóc và cảm thấy số tiền đó không xứng đáng.
Sreyvy sống ở Ponhea Leu, Campuchia, cách Phnom Penh, thủ đô của đất nước, khoảng 90 phút lái xe. Đây là một thị trấn nghèo, đường sá tĩnh mịch và bụi bặm, đầy bùn đất, ruồi và rác. Trẻ con đi chân trần lê la chơi ngoài đường với chó mèo và gà vịt thả rông.
 
Pheng Sreyvy và con trai 13 tháng tuổi và con gái đang tắm trong chậu. Ảnh: Paula Bronstein/NBC News
Khung cảnh ở đây trái ngược với chợ Orussey ở Phnom Penh rộng lớn, ồn ào, đông người với vô số loại trái cây, rau củ, bánh kẹo, thịt cá, vải vóc, trang sức mạ vàng và, treo ở hàng trên cùng, tóc.
Phụ nữ địa phương và cả những diễn viên mua tóc từ quầy hàng ở Orussey của Keo Vorleak gần như hàng ngày. Vorleak cũng là một thợ làm tóc và quản lý một số tiệm làm tóc nhỏ, tất cả đều luôn nhộn nhịp, đông khách. Khách đến cửa hàng được gội đầu và cắt tỉa trước khi nhân viên hoặc đích thân Vorleak gắn những bộ tóc kẹp giả lên đầu.
Tóc Sreyvy có thể đang được treo đâu đó trên bức tường cửa hàng của Vorleak, hay đã được nối vào tóc của một người phụ nữ nào đó ở chợ hoặc thậm chí đã được gắn vào bộ tóc giả trên đầu một người Mỹ ở thành phố New York.
 
Một thợ làm tóc đang đội tóc cho khách trong hiệu làm đầu ở chợ Orussey. Ảnh: Paula Bronstein/NBC News.
Janice Wilson, một người Mỹ gốc Phi, điều hành một công ty chuyên thu mua tóc từ những người phụ nữ ở Campuchia để bán lại ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, cho biết tóc nhập từ Campuchia đặc biệt hấp dẫn phụ nữ da đen vì nhiều mẫu mã, từ thẳng đến cuộn chặt, và đặc biệt là kết cấu tóc đa dạng hơn hẳn so với tóc nhập từ Ấn Độ, nước đứng đầu thế giới trong việc xuất khẩu tóc người và thậm chí ở đây người ta thường được cho tặng tóc vì mục đích tôn giáo.
Ở Campuchia, người nước ngoài có thể thu mua tóc từ các chợ đầu mối như Orussey với mức giá bắt đầu từ 120 đôla cho 16 inch tóc dệt lớp hoặc 50 đôla cho một bó tóc để thô.
Từ Phnom Penh, các lọn tóc được đưa đi bán dưới dạng tép để nối hay làm thành tóc dệt, tóc giả trên khắp thế giới. Tóc Campuchia, khi bán lại, dù mới chỉ để thô trong bó cũng đã có giá thấp nhất là 100 USD cho 30 cm đến hơn 300 USD nếu dài hơn.
Con số này vượt xa so với số tiền những phụ nữ như Sreyvy nhận được khi bán đi mái tóc của mình. Cô cho biết những người buôn tóc thường xuyên thăm làng, tìm mọi cách cắt và mua tóc dài từ phụ nữ. Sreyvy đã bán tóc ba lần từ năm 2012, lần đầu tiên là khi cô còn đang sống trong một cái lều ở Phnom Penh. Cô cũng đã bán tóc sáu tháng trước để có tiền mua thuốc khi con ốm.
“Của để dành” phòng khi cùng đường
Van Sariem, 33 tuổi, cùng làng với Sreyvy, từng có mái tóc dài ngang eo. Khi những người buôn tóc ra giá 25 USD cho lần bán tóc đầu tiên, cô đồng ý để có tiền cho con út đi học.
Số tiền này không cầm cự được lâu. Các con cô vẫn phải lên chùa mỗi khi tan học để xin tiền khách du lịch. Sariem chỉ là một người nhặt rác, khổ sở kiếm tiền nuôi ba đứa con kể từ khi chuyển đến vùng này. Tiền học mỗi đứa trẻ khoảng 8 USD một tháng.
 
Van Sariem ở làng Srah Por. Ảnh: Paula Bronstein/NBC News
Sariem đã bán tóc lần thứ hai với giá 15 USD khi ngắn hơn. Mái tóc của cô bây giờ đã đủ dài để búi được. “Có hôm, một người muốn mua tóc của tôi nhưng khi đó nó vẫn còn ngắn. Họ ra giá chỉ 8 USD nhưng tôi không bán vì quá rẻ mạt”, Sariem nói.
Cô kể lại đã gặp một cặp vợ và chồng buôn tóc, người chồng ra giá và người vợ dùng kéo cắt tóc “nhanh như chớp”, nắm lấy những lọn dài nhất. Phần đuôi tóc của Sariem giờ đã mỏng và chẻ ngọn như rễ tre. Cô phải dùng bã cây Kapok pha với nước gội đầu để tóc bóng và dài nhanh.
Đối với phụ nữ ở đây chỉ có những kế sinh nhai nghèo nàn, ít ỏi, đôi khi tóc của họ đóng vai trò như một thứ bảo hiểm, dự phòng hay “của để dành” phòng khi khó khăn.
“Tôi sẽ lại phải bán tóc nếu không có tiền”, Sariem nói.
Ở vùng này, dầu gội và dầu xả, cũng như thực phẩm, nước bơm, điện, phương tiện vệ sinh, y tế, thu nhập và cơ hội việc làm, đều rất khan hiếm.
Một phụ nữ khác trong làng là Lim Khim cũng vừa bán đi mái tóc của mình với giá 30 USD.
“Tôi cần tiền nên phải bán tóc. Họ nắm lấy tóc tôi rồi cắt từ phía sau. Cứ xoẹt, xoẹt, xoẹt”, Khim nói.
 
Lim Khim đã bán tóc 3 lần, lần gần đây nhất vào tháng bảy. Ảnh: Paula Bronstein/NBC News
Sariem, Sreyvy và Khim là hàng xóm từ khi còn ở Phnom Penh trước khi họ bị cưỡng chế di dời do xung đột đất đai lâu đời dưới chế độ Khmer Đỏ và thu hồi đất năm 2012. Những người như họ thường làm công việc dọn phòng và thu gom rác trong thành phố. Đàn ông thường làm thợ xây. Mại dâm đôi khi là cách duy nhất để phụ nữ kiếm tiền ở đó.
Ông Soeng Sen Karuna, thuộc Hiệp hội Nhân quyền và Phát triển Campuchia, cho biết giá đất tăng cao là một trong những lý do chính khiến người dân phải di dời.
“Việc ưu tiên cấp đất làm kinh tế cho các công ty tư nhân đầu tư vào Campuchia cũng là một nguyên nhân gây ra tranh chấp đất đai”, ông nói.
Hơi cay và dùi cui điện được sử dụng để cưỡng chế hàng trăm gia đình di dời từ Phnom Penh đến các khu vực tái định cư ở ngoại ô thành phố. Họ dựng lều sống trong các khu ổ chuột ven những con đường đất bụi mù, gập ghềnh, thiếu thốn mọi thứ từ nước sạch đến cơ hội việc làm.
Theo Ngân hàng Thế giới, Campuchia có 4,5 triệu người nghèo, 90% trong số đó sống ở nông thôn, nghèo đói và bị chế độ bỏ rơi.
Việc di dời tạo nên các khu vực nghèo tập trung. Không có kế sinh nhai, người ta buộc phải bán tóc. Bởi vậy, các thương nhân nhắm tới các khu vực này để thu mua tóc từ những người nghèo tuyệt vọng.
Lang Heang Khim, 22 tuổi, sống ở Kampong Chan cách Phnom Penh khoảng hai tiếng lái xe. Cô bị tàn tật và đi khập khiễng. Cô cho biết gia đình mình có gen ung thư. Heang Khim bán tóc không chỉ vì tiền mà còn vì sự tiện lợi, bởi cô bị liệt một bên.
“Ba tháng trước, tóc của tôi rất dài và đẹp”, Heang Khim nói, “họ đến nhà và hỏi tôi có muốn bán tóc không. Tôi nói có. Dù sao tôi cũng chỉ có thể làm tóc bằng một tay”.
Họ trả 45 USD nhưng để lại cho cô một mái tóc cụt lủn, nham nhở. “Tôi sẽ vẫn bán tóc, nhưng sẽ không để họ cắt đến mức này. Họ phải thỏa thuận cắt cho tôi một kiểu tóc tử tế dài đến cổ. Nếu không thì tôi sẽ không bán”.
 
Lang Heang Khim chỉ có thể dùng 1 tay để chải tóc. Ảnh: Paula Bronstein/NBC News
Sen Karuna cho biết những người phụ nữ nông thôn này không biết cách thỏa thuận giá tóc trước khi bán. Họ quyết định bán tóc vì nghèo, và họ không biết bán tóc ở đâu với giá cao như thị trường quốc tế. Chỉ có dân buôn mới biết nơi bán tóc giá cao. Dân làng không có lựa chọn nào khác ngoài đồng ý bán tóc khi gặp người thu mua.
Tóc Campuchia trên thị trường Mỹ
Janice Wilson, điều hành một công ty buôn bán tóc có trụ sở tại Seattle, cho biết nhân viên của cô cắt và thu mua tóc từ phụ nữ Campuchia, đảm bảo “khi cắt tóc người bán đều để lại cho họ những kiểu đầu bob dễ thương”. Wilson thú thật, mặc dù kinh doanh có đạo đức, cô cũng vẫn phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn khi buôn bán tóc của những người thuộc “thế giới thứ ba” để thỏa mãn sự phù phiếm của “thế giới thứ nhất”.
“Mặt khác, để công ty hoạt động, cũng cần phải có một bộ phận dân số nhất định có thu nhập thấp và ở trong vị trí mà họ phải bán tóc. Điều đó luôn làm tôi cảm thấy thật tệ”, cô nói, “bạn nhận ra tiền bán tóc đang giúp đỡ họ trang trải cuộc sống, nhưng dù gì thì có phụ nữ nào lại không yêu mái tóc của mình”.
 
Những bộ tóc dệt làm từ tóc thật bày bán tại một quầy hàng trong chợ Orussey. Ảnh: Paula Bronstein/NBC News
Wilson tuyên bố rằng ngoài việc cắt giảm các giao dịch tiền mặt, công ty của cô cũng tạo cơ hội việc làm cho những phụ nữ trẻ là nạn nhân của nạn buôn bán tình dục trong nước.
“Một số đối tác phi chính phủ của chúng tôi đưa phụ nữ thoát khỏi nạn buôn bán tình dục”, cô nói.
Sau khi những phụ nữ đó kết thúc trị liệu những chấn thương hay sang chấn do thời gian bị lạm dụng tình dục, các cửa hàng trước đây của Wilson đã dạy họ cách làm ra những sản phẩm từ tóc thu mua được. Cô cho biết họ cũng đã tham gia các lớp học tiếng Anh và Toán cũng như có cơ hội trở thành quản lý.
Am Sam Ath, Giám đốc Điều tra kỹ thuật của một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền tên là Licadho, cho biết tình trạng buôn bán tình dục vẫn đang gia tăng.
“Vấn đề vẫn còn là mối quan tâm của Chính phủ và đặc biệt nhiều khách du lịch tìm cách mua dâm ở Campuchia”, ông cho biết nhiều nạn nhân chưa đến 18 tuổi và công nghệ đang ảnh hưởng đến việc buôn bán tình dục.
Có thể những điều thảm khốc mà nhiều phụ nữ Campuchia đã trải qua thể hiện qua từng sợi tóc đang được đưa đến khắp nơi trên thế giới, cài lên mái đầu của nhiều phụ nữ khác phía bên kia địa cầu.
Nhập khẩu của Mỹ chiếm phần lớn thị trường thế giới trong các sản phẩm tóc của con người.
Phụ nữ da đen ở Mỹ là đối tượng khách hàng chính của Wilson. Theo Báo cáo nghiên cứu người tiêu dùng năm 2019 của Mintel, người tiêu dùng da đen, đặc biệt là phụ nữ, rất chuộng sản phẩm tóc, bao gồm tóc thắt bím có đuôi dài, tóc dệt và tóc giả, dẫn tới nhu cầu cao về tóc, cả tự nhiên lẫn tổng hợp.
Theo Mintel, vì mặt hàng không có mã UPC nên việc theo dõi nguồn gốc của tóc là rất khó khăn.
Thương mại công bằng và minh bạch vẫn không đủ để chống lại nghèo đói ở Campuchia.
“Tôi không muốn thấy người dân của mình nghèo tới mức phải bán tóc. Tôi muốn chính phủ nhanh chóng bắt đầu suy nghĩ về mức sống của người dân”, ông Sen Karuna nói. “Tuy nhiên, nếu việc buôn bán tóc này vẫn tiếp diễn, Chính phủ nên nghĩ cho người dân. Chúng ta không nên cho phép khai thác quá mức”.
Về tương lai của ngành công nghiệp tóc, Wilson dự đoán rằng công nghệ sản xuất sợi tóc tổng hợp sẽ sớm hoàn thiện, làm nên những bộ tóc giả không thể phân biệt được với tóc thật. “Đối với những người một mực ưa chuộng tóc thật, vẫn sẽ có nguồn cung, nhưng bạn sẽ trả một cái giá rất cao cho nó”, cô nói.
Khánh Linh (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.