Người tiên phong đưa rau An Khê ra khỏi "ao làng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây hơn 25 năm, trăn trở trước tình trạng rau quả sau thu hoạch thiếu đầu ra phải bỏ thối, không tiêu thụ được tại địa phương, ông Nguyễn Văn Ngọ (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai) đã đánh liều ngỏ lời với một người… bán dép Lào ngay tại chợ An Khê để mang nông sản ra thị trường Đà Nẵng. Điều đáng nói là quyết định “chẳng còn gì để mất” đó của ông đã giúp người trồng rau An Khê khi ấy tìm ra lối thoát.
Từ TP. Pleiku xuôi theo quốc lộ 19 chừng 80 km, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngọ-người đầu tiên góp công lớn trong việc đưa rau quả vùng Hiệp An, An Sơn (nay thuộc xã Cư An và xã Tân An, huyện Đak Pơ) ra khỏi “ao làng” để đến với các thị trường ngoài tỉnh. Nhấp ngụm cà phê, ông Ngọ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về quá trình gắn bó với vườn rau của gia đình mình và bà con vùng An Sơn.
Từ “tự cung tự cấp” đến rau thương phẩm
Theo lời ông Ngọ, năm 1957, trước cái đói nghèo đeo bám dai dẳng, bố mẹ ông quyết định rời quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình) để vào Tây Nguyên mưu sinh. Ông Ngọ lúc đó vừa tròn 5 tuổi, được bố mẹ đưa đi cùng vào đất Cư An (nằm ở phía Tây huyện An Khê cũ, nay thuộc huyện Đak Pơ) sinh sống và gắn bó cho đến tận bây giờ. Những năm đầu, gia đình ông chủ yếu trồng lúa và các loại cây nông nghiệp ngắn ngày. Mãi đến năm 1977, gia đình ông mới chuyển sang trồng rau. “Hồi đó, đất của chúng tôi gần như đều giao hết cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp An quản lý, tổ chức sản xuất chung. Mỗi nhà chỉ còn lại một ít đất trong vườn nên toàn trồng rau để ăn là chính chứ chưa buôn bán gì”-ông Ngọ hồi tưởng.
1 Cây rau Đak Pơ giờ đã rời “ao làng” để đến với các tỉnh miền Trung và TPHồ Chí Minh- Ảnh Hồng Thi
Cây rau Đak Pơ giờ đã rời “ao làng” để đến với các tỉnh miền Trung và TPHồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Thi
Những năm 1988-1989, khi đất nước đang trên đà đổi mới, Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp An giải thể, trả tư liệu sản xuất về cho dân. Bà con Cư An, Tân An xác định lấy cây rau làm chủ lực kinh tế nên dần mở rộng diện tích trồng trọt lên gần 50 ha. Gia đình ông Ngọ cũng bắt đầu chuyên canh 1 ha cà chua, sau đó còn thu mua thêm rau củ quả của các hộ khác để đưa đi tiêu thụ. Rau thu hoạch, ông Ngọ cùng bà con trong vùng nhập cho Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5) đóng quân tại địa phương và đem xuống chợ An Khê bán hàng ngày; sau này mới bỏ sỉ cho các chợ, quán cơm lớn nhỏ tại một số địa bàn lân cận và thị xã Pleiku.
Thấy đầu ra ổn định, nhiều người dân quanh vùng đua nhau trồng rau dẫn đến cung vượt cầu, giá rau trong tỉnh tụt dốc không phanh. Ông Ngọ nhớ lại: “Đỉnh điểm là cuối năm 1992 đầu năm 1993, rau không có người mua, phải cắt bỏ quanh bờ hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhiều người còn chẳng buồn thu hoạch mà để khô héo luôn trên ruộng. Riêng gia đình tôi, ngoài 10 tấn cà chua thu hoạch được, 40 tấn cà chua và các loại rau thu mua khác cũng đành chất đống cho đến lúc hư thối rồi đem vứt chứ chẳng ai ngó ngàng. Người trồng rau chúng tôi khi đó rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào mỗi vườn rau”.
Quyết định “để đời”
Một buổi sáng đầu năm 1993, dù lòng nặng như chì song ông Ngọ vẫn quyết tâm chất 4 tạ rau cải bẹ dưa lên xe đem xuống chợ An Khê bán để vớt vát vài đồng. Thế nhưng, đứng từ sáng sớm tới hơn 10 giờ trưa, 2 chân mỏi nhừ, miệng khô khát vì rao mời, ông vẫn không bán được ký rau nào. Trong lúc buồn bã, ông Ngọ chợt nhớ đến người phụ nữ gốc Quảng Nam tên Đào hay lên chợ An Khê bỏ sỉ dép Lào mà vợ mình từng nhắc đến. Rồi ông thầm nghĩ, hay là mình cứ thử nhờ bà ấy đem số rau này về quê bán xem thế nào, nếu tiêu thụ được thì quá tốt, không thì thôi. “Khi nghe tôi đề nghị, chị Đào không nhận lời vì hồi giờ chỉ quen bán dép Lào chứ đã biết buôn rau thế nào đâu. Mặc chị xua tay, tôi vẫn cứ đi theo thuyết phục, rằng nếu bán được thì chị muốn đưa cho tôi bao nhiêu tiền cũng được, còn ngược lại tôi sẽ không lấy của chị đồng nào. Một hồi thì chị ấy xiêu lòng. Rất may, số rau này khi chị Đào mang ra chợ Hàn ngoài Đà Nẵng bán thì nhanh chóng hết sạch”-ông Ngọ vui vẻ kể.
Ông Ngọ cẩn thận kiểm tra từng bao bí chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Ngọ cẩn thận kiểm tra từng bao bí chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Ngọc Minh
Thế là lời đề nghị liều lĩnh của ông Ngọ đã trở thành một quyết định đáng nhớ trong đời, để rồi sau này, ông được xem là người đầu tiên góp công lớn đưa rau An Khê đến với thị trường Đà Nẵng, giúp bà con trồng rau địa phương vượt qua cơn bĩ cực. Không chỉ thế, từ sau chuyến hàng không hẹn trước ấy, người phụ nữ nhận lời giúp ông cũng bỏ luôn mặt hàng dép Lào để chuyển hẳn sang thu mua, buôn bán rau củ quả, rồi trở thành một trong những đại lý rau lớn ở Đak Pơ từ đó đến nay.
Nhớ lại giai đoạn ấy, bà Nguyễn Thị Đào (thôn An Sơn, xã Cư An, huyện Đak Pơ) cho biết: Quê ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) nhưng từ năm 1982 bà đã lặn lội lên An Khê để bán buôn dép Lào và một số mặt hàng quần áo xổ. Buôn bán các mặt hàng này mang lại nguồn thu nhập ổn định nhưng lúc nào bà cũng thấp thỏm vì toàn hàng nhập chui ở Thái Lan về. “Khi ông Ngọ đến ngỏ lời nhờ tôi mang rau về Đà Nẵng bán, tôi phân vân lắm. Trước nay cũng chưa thấy ai đi bảo bà bán dép như tôi đi bán rau bao giờ. Rồi một hồi sau tôi nghĩ, đường nào cũng cất công đi về, tiền xe chẳng đáng là bao, cũng không mất vốn mất lãi gì nên tôi nhận. Ai ngờ, vừa đem ra chợ đầu mối vèo cái đã hết, nhiều người còn dặn tôi lấy thêm về bán cho họ nên tôi phấn khởi lắm. Tôi liền lên lại An Khê, đem tin vui này báo cho anh Ngọ rồi nhập thêm cải bẹ dưa và đậu ve của anh ra Đà Nẵng bán tiếp”-bà Đào hồi tưởng. Sau đó, cứ 3 ngày bà lại xuất 1 chuyến tầm 4-5 tạ rau củ quả. Để thuận tiện cho việc buôn bán, đầu năm 1997, bà bán nhà ở quê vào thôn An Sơn thuê một ngôi nhà sát quốc lộ 19 để ở và làm nơi thu mua rau quả cho người dân trong vùng; mỗi ngày xuất đi các tỉnh khoảng 1,2 tấn rau các loại.
Về phần ông Ngọ, sau khi nhận được tin tốt từ bà Đào, ông liền thông tin rộng rãi cho người dân quanh vùng tiếp tục an tâm canh tác vườn rau; đồng thời bản thân quyết định không trồng rau nữa mà chỉ tập trung vào thu mua nông sản để cùng bà Đào thực hiện thành công các chuyến hàng khác. Bà Nguyễn Thị Điền (thôn An Sơn, xã Cư An) chia sẻ: “Hồi đó, rau củ tự dưng tụt giá, cái gì cũng rẻ như cho, cả xóm mặt mày rầu rĩ. Hơn 5 sào la ghim trồng đậu ve, khổ qua, dưa leo và cà chua của gia đình tôi cũng chuẩn bị phá bỏ. May sao vừa kịp nghe tin từ anh Ngọ, rằng đã tìm được nơi tiêu thụ ở Đà Nẵng nên chúng tôi giữ lại được một phần để gom cho anh ấy, thu về phần nào chi phí trang trải cuộc sống”.
Kinh doanh rau bền vững
Đầu năm 1994, cơ sở của bà Đào quá tải thu mua. Trước khi tách ra hoạt động riêng, ông Ngọ đã đích thân ra Đà Nẵng và tìm kiếm thêm được các đầu mối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ rau tới tận Huế, Quảng Trị, Phú Yên… Lúc bấy giờ, mỗi ngày ông xuất 1 chuyến hàng gồm 3 tấn rau củ quả các loại với giá trung bình khoảng 700 ngàn đồng/tấn, cao gần gấp đôi so với năm 1988. Thậm chí có thời điểm miền Trung gặp bão lũ, thị trường trong nước thiếu hụt rau mạnh nên ngày nào An Khê cũng xuất đi tầm 60 tấn rau các loại, riêng đại lý của ông cũng xuất 12-15 tấn/ngày.
Dù đã tách ra làm ăn riêng từ lâu nhưng ông Ngọ và bà Đào vẫn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm buôn bán.                        Ảnh: Hồng Thi
Dù đã tách ra làm ăn riêng từ lâu nhưng ông Ngọ và bà Đào vẫn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm buôn bán. Ảnh: Hồng Thi

Ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Tân An: “Gia đình ông Ngọ là một trong những đại lý thu mua rau đầu tiên trên địa bàn xã. Các đại lý như ông Ngọ không chỉ thu mua nông sản của bà con mà còn là kênh phân phối rau ra các thị trường bên ngoài, tạm ứng vốn cho người dân khi cần. Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 800 ha chuyên trồng rau. Ngoài cung cấp cho các địa phương trong tỉnh, rau được các đại lý xuất bán tại các tỉnh Bình Định, Nha Trang, Phú Yên, Thừa Thiên-Huế, TP. Đà Nẵng...”.

Để vận tải rau đi tiêu thụ dễ dàng hơn, tháng 9-1994, ông Ngọ cùng một số hộ dân liên kết thành tổ vận tải với 5 chiếc xe chở rau đi bán, dừng hẳn việc gửi hàng theo xe khách. Đến năm 2016, ông Ngọ là một trong những cổ đông sáng lập nên Công ty TNHH Ngọ Mùi Gia Lai chuyên thu mua, buôn bán, vận tải nông sản. Bình quân mỗi ngày, 11 chiếc xe tải của Công ty thực hiện vận chuyển 2-3 chuyến hàng với khối lượng tầm 30 tấn rau các loại đi bỏ mối dọc các tỉnh miền Trung và TP. Hồ Chí Minh. Tại địa phương, ông Ngọ còn trực tiếp giải quyết việc làm thường xuyên cho 16 lao động bốc xếp với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng và 2-3 lao động sơ chế rau (thù lao 3 triệu đồng/tháng). Công ty của ông đã tạo điều kiện việc làm cho 40-60 lao động tại địa phương. Nhờ kinh doanh cây rau với mức thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí, ông Ngọ đã xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi 7 người con ăn học nên người.
Từ 2 đại lý thu mua rau của ông Ngọ và bà Đào, hiện nay, trên địa bàn huyện Đak Pơ đã có 10 cơ sở thu mua rau lớn nhỏ. Sự cạnh tranh vì thế là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng uy tín của mình, ông Ngọ vẫn duy trì được các mối lái thân thiết từ những năm đầu xuất rau đi bán. Bà Ngô Thị Thu Thủy-chủ cửa hàng rau tại Chợ đầu mối Hòa Cường (TP. Đà Nẵng) cho biết: “Năm 1994, ông Ngọ có mang đậu cô ve, rau cải, cà chua… đến cửa hàng của tôi chào hàng. Rau củ quả rất tươi ngon, giá cả lại phải chăng nên tôi mua mỗi thứ mấy chục ký, đồng thời giới thiệu thêm cho ông Ngọ vài cửa hàng nữa. Kể từ đó đến nay, hầu như ngày nào tôi cũng nhập rau của ông Ngọ. Chúng tôi đã trở thành bạn hàng của nhau suốt 26 năm qua”. Cũng theo bà Thủy, khi ấy các chợ đầu mối của TP. Đà Nẵng chủ yếu nhập rau từ Đà Lạt. Việc ông Ngọ đến chào hàng đã tạo thêm nguồn cung cấp rau cho nơi đây.
Hiện nay, dù không mở rộng quy mô kinh doanh song ông Ngọ vẫn tiếp tục hành trình đưa cây rau Đak Pơ đến với các thị trường trong nước. Không chỉ đơn thuần tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình, công việc này còn mang lại niềm vui cho bản thân ông khi được góp phần nhỏ công sức hỗ trợ bà con và công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
 HỒNG THI-NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.