Niềm tin tất thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo chu trình thời gian, mùa nào cũng ấn tượng, cũng có nét đẹp riêng tùy vào cảm nhận mỗi người. Nhưng 2 năm nay, nhất là năm Tân Sửu, bánh xe thời gian hòa nhịp với cuộc sống của những mùa đầy sóng gió phong ba trải dài qua từng tháng ngày vội vã và lo âu. 

Rồi từ đó tự nó ẩn chìm vào vòng xoáy cuộc đời và những mùa của thời gian ấy cứ trôi qua trong một triền nhớ vô định không sao tả nổi. Để rồi hôm nay khi ngồi một mình nhìn lại cả bốn mùa xuân-hạ-thu-đông lần lượt trôi qua trong nỗi nhớ và cách xa. Một năm, 2 năm và có thể chưa có điểm dừng khi cả nước chìm trong những nỗi đau mất mát quá lớn. Một cuộc chiến đối với một kẻ thù vô hình mà phải huy động cả một dân tộc vào cuộc đầy cam go và rủi ro trong từng phút, từng giây.

Vẫn ngày tháng ấy, vẫn mùa sang mùa như thường lệ, vẫn cái nắng vàng rực rỡ, vẫn những cơn mưa lúc nặng, lúc vơi, vẫn những làn gió cuốn mây theo về tạo nên một sắc màu huyền ảo của bầu trời. Và còn đó sắc xanh của biển, còn đó cảnh bình minh rực sáng, cảnh hoàng hôn sắc tím trên quê hương ta đó. Nhưng lạ thay, guồng quay cuộc sống như chậm lại, đôi lúc nghe cả những âm thanh nặng nề, trĩu nặng bao trùm không gian cả nước. 63 tỉnh, thành đang vận hành một guồng máy sống với vận tốc nhanh để hòa nhập vào nguồn tăng trưởng chung của nhân loại, tìm đến đỉnh cao văn minh loài người. Thủ đô Hà Nội, rồi TP. Hồ Chí Minh phải oằn mình trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Và cả miền Nam thân yêu, miền Bắc nghĩa tình đâu đâu cũng gióng lên hồi chuông “Chống dịch như chống giặc”.

Vẫn còn đó ấm lòng nhân nghĩa, một ngày nhớ, một mùa thương cho hàng vạn con người tha hương cầu thực mong được đổi đời để rồi hôm nay thấm đẫm một nỗi buồn khôn tả, một nỗi đau thổn thức anh ách qua mỗi ngày mà trái tim chưa thể thốt nên lời. Với nghĩa đồng bào, với chung dòng máu, với tình đồng loại, không ai có thể làm ngơ, vô cảm trước nỗi đau chung của cả nước khi mà dịch giã mỗi ngày mỗi tăng về ca nhiễm và ca tử vong... “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, đằng này hàng trăm ngàn người đau chẳng lẽ gần 100 triệu dân phải “bỏ ăn” cả sao! Không, với tinh thần đoàn kết, với truyền thống nhân văn “Lá lành đùm lá rách”, không ai thương mình bằng mình thương mình, tình yêu thương lại được nhân lên và mở rộng, lan tỏa khắp nơi trở thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ: làm từ thiện. Cả hệ thống chính trị ra tay chống dịch, toàn dân phòng dịch. Những tấn hàng nhu yếu phẩm, từng củ mì, cân gạo, từng con cá, ký thịt, từng lọn rau, chén mắm cứ thế mà “chạy” về các tâm dịch mang theo cả tấm lòng vàng và tình người nhân ái. Đường phố vắng tanh, nhà nhà đóng cửa “ai ở đâu ở yên đó” nhưng không vắng bước chân người canh giữ sự bình yên, lại suốt ngày đêm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để cứu trợ cho qua cơn hoạn nạn. Đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh hỗ trợ lương thực cho người dân về từ các tỉnh phía Nam tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh). Ảnh: Lê Anh
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh hỗ trợ lương thực cho người dân về từ các tỉnh phía Nam tại chốt kiểm soát phòng-chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 (huyện Chư Pưh). Ảnh: Lê Anh
Trong cơn hoạn nạn mới thấy hết tình người. Những người trên tuyến đầu chống dịch, những chiến binh áo blouse vất vả chăm sóc bệnh nhân, đôi khi gục ngã nhưng rồi gắng đứng dậy để cứu người. Đúng là “Lương y như từ mẫu”. Rồi cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội ngày đêm không quản ngại nắng mưa để canh giữ bình yên và lo cái ăn cho những người khốn khó. Tình quân dân như cá với nước thể hiện thật đúng nghĩa nhất lúc này đây. Thế mà vẫn có những kẻ đang tâm xuyên tạc về công tác phòng-chống dịch của Đảng và Nhà nước ta.
Những ngày này, tôi ngồi nghe vọng tiếng còi xe cứu thương đang réo lên ở các nơi mà lòng quặn thắt. Còn đó những con người gồng mình chống lại bệnh tật, nỗi đau mất mát tính bằng ngày bằng giờ mà lòng không khỏi bùi ngùi trắc ẩn. Còn đó bao người vọng về quê cha đất tổ để được che chở bởi người thân, cha mẹ, ông bà nhưng nào dễ dàng như ước nguyện. Thương lắm những mảnh đời cơ cực đang trông ngóng quê nhà, đang thổn thức lo toan ngày đêm giữa sự bình an và bệnh tật, giữa sự sống và cái chết trong ranh giới mỏng manh. Cái ăn và giấc ngủ còn bồng bềnh mà bão tố vẫn đe dọa để bao người thấp thỏm lo âu.
Biết vậy, nhưng với bản lĩnh của con người Việt Nam anh dũng kiên cường thì trong cuộc chiến chống đại dịch hôm nay, dù kẻ thù không thấy mặt len lỏi khắp nơi, tinh thần quả cảm ấy được nhân lên gấp bội để vững vàng đánh trả một cách ngoan cường. Bao người chấp nhận xa cách và nhớ nhung để đồng lòng chung tay dập dịch. Việt Nam ơi! Một tương lai gần sẽ bình yên và tỏa sáng. Niềm tin tất thắng sẽ thuộc về chúng ta.
NGUYỄN TẤN HỶ

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).