Để chương trình OCOP tại Gia Lai đi vào thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Học tập trực tiếp từ Nhật Bản, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong cả nước về triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bây giờ, Gia Lai cũng đang mạnh mẽ triển khai chương trình này.
Tôi còn nhớ, cách đây hơn 40 năm, trong một dịp về nói chuyện thơ với bà con tỉnh Gia Lai, nhà thơ Xuân Diệu đã được vợ chồng một nhà thơ ở địa phương, mà Xuân Diệu gọi là “vợ chồng anh giáo Huế” mời cơm thân mật tại nhà. Mâm cơm có nhiều món ngon, dù “vợ chồng anh giáo Huế” khá nghèo, nhưng nhà thơ Xuân Diệu chỉ đặc biệt quan tâm tới đĩa khoai lang luộc. Ông ăn thử, thấy rất ngon và khen chân thành: “Khoai lang này ở đâu mà ngon quá!”. Vợ chồng anh giáo Huế mới thưa, đây là giống khoai Lệ Cần của Gia Lai, với những đặc trưng như ruột vàng, mùi thơm, lại dẻo. Nhà thơ lớn Xuân Diệu, trong niềm hứng khởi về đặc sản khoai lang Lệ Cần, đã làm tặng cặp vợ chồng này bài thơ tứ tuyệt, trong đó có 2 câu: “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai”. 
Sản phẩm các HTX tham gia trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sản phẩm các HTX tham gia trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Diệp
“Lệ Cần khoai” chính là khoai Lệ Cần. Nhưng khi vào thơ Xuân Diệu, củ khoai lang mộc mạc này có tên gọi rất trân trọng, rất “chữ nghĩa”. Và, điều thú vị là bài thơ giản dị, nhẹ nhàng này tự nhiên được lan truyền khắp nước ta hồi ấy, ai đọc cũng hỏi nhau: “Khoai Lệ Cần ở đâu ta?”. Xin thưa, khoai Lệ Cần ở xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đấy ạ! Thương hiệu nhiều khi bắt đầu từ… thơ, bất ngờ như thế.
Đak Đoa giờ đây đã có 4 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có khoai Lệ Cần. Nếu Gia Lai làm tốt khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm thì khoai Lệ Cần vốn đã nổi tiếng sẽ càng nổi tiếng hơn nữa và sẽ vào các hệ thống siêu thị trong toàn quốc. Con đường để một sản phẩm đi từ xã lên tỉnh, từ tỉnh lên quốc gia và từ quốc gia ra quốc tế nhiều khi được chuẩn bị công phu chu đáo, nhưng có khi cũng khá bất ngờ đến ngạc nhiên.
Nếu sản phẩm đã có thương hiệu, nó sẽ tìm được chỗ đứng của mình trong bộ nhớ người tiêu dùng. Khi có chương trình OCOP là chúng ta đã chọn những sản phẩm có xuất xứ từ… xã, tức từ một địa phương nhỏ bé. Nhưng sản phẩm ấy có thể đã được dân gian truyền tụng, dân gian “duyệt” từ lâu. Nó chưa nổi tiếng để vượt khỏi địa phương mình vì chưa có cơ hội mà thôi.
Vậy thì chương trình OCOP trước hết là phải tạo cơ hội cho những sản phẩm địa phương vươn ra khỏi địa phương mình, nghĩa là những sản phẩm đã sẵn có, trước khi chúng ta tạo được những sản phẩm mới. Chỉ cần mỗi tỉnh có được vài chục sản phẩm vươn ra khỏi “lũy tre làng”, đến được với người tiêu dùng ở vùng miền hay cả nước là chương trình OCOP đã khẳng định được vị thế của nó trong chủ trương đưa hàng Việt tới người tiêu dùng Việt và đưa hàng Việt ra thế giới.
Những sản phẩm của chương trình OCOP có thể rất giản dị nhưng phải tạo được sự khác biệt và nói theo ngôn ngữ bây giờ là phải “độc và lạ”.
Hướng tới sự khác biệt của sản phẩm chính là hướng tới sự độc đáo, sáng tạo, tới sự tự tin của chủ nhân sản phẩm, tới khát vọng muốn quảng bá sản phẩm của một địa phương, một vùng đất. Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi cho sự khác biệt về địa lý, về khí hậu, về thổ nhưỡng để từ đó có được những sản phẩm “độc và lạ”. Tỉnh hoàn toàn có thể tìm được cách đưa những sản phẩm đặc sản mà bình dị của mình vào các hệ thống siêu thị. Và đó chính là con đường quảng bá bền vững cho sản phẩm tới người tiêu dùng toàn quốc.
Nói mỗi xã một sản phẩm, nhưng nhiều khi một xã lại có hơn một sản phẩm và cũng có xã chưa có sản phẩm nào. Chưa có thì sáng tạo để có và chương trình này có khả năng kích thích để có những sáng tạo sản phẩm mới như vậy. Với nông nghiệp công nghệ cao bây giờ, việc đưa một sản phẩm từ bình dị lên thành đặc sản là khả thi. Dĩ nhiên, điều kiện tự nhiên của từng vùng đất sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự khác biệt của sản phẩm, nhưng sự sáng tạo mang dấu ấn của chủ nhân sản phẩm cũng rất lớn. Một sản phẩm được định danh, được công nhận, nổi tiếng bao giờ cũng là sự kết hợp của nhiều yếu tố tạo thành, nhưng đường ra “biển lớn” của những sản phẩm đã hoàn thiện cũng không hề đơn giản. Đó là con đường quảng bá, tiếp thị, làm thương hiệu cho sản phẩm, con đường cả thế giới thương mại đang đi và đạt được nhiều thành tựu. Con đường này có thể bắt đầu từ xã, nhưng rồi cấp huyện, cấp tỉnh phải vào cuộc rất chuyên nghiệp thì mới kết nối được với những nơi mà sản phẩm cần đến, có thể đến.
Tất cả đều phải từ những việc làm, những hành động cụ thể chứ không hề lý thuyết.      
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).