Đình An Thuận có nhiều sắc thần độc đáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo kết quả khảo sát điều tra thực địa của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 địa điểm còn giữ được 26 đạo sắc thần, gồm 7 đình tại thị xã An Khê và 4 đình tại huyện Đak Pơ. Trong đó, đình An Thuận (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ số lượng sắc thần lớn nhất tỉnh, với 4 đạo, đều là những bảo vật độc đáo ở Gia Lai chưa từng được công bố.
Các ghi chép được viết ngay trên vách tường đình cho biết: Đình An Thuận ra đời từ năm 1907 thời Vua Duy Tân. Năm 1947, dân làng tản cư, đình bị bỏ hoang sụp đổ, Năm 1954 đình chiến, dân làng trở về dựng lại đình bằng tre lá. Đến năm 1967, đình được trùng tu bằng các vật liệu kiên cố hơn là vách vôi vữa, mái tôn. Năm 1999 thì được tu sửa phần móng, vách, nhà âm linh, dinh cô.
Với 12 vị thần chính thức được thờ tự và ghi danh trong 4 đạo sắc, đình An Thuận thờ nhiều thần linh nhất tại Gia Lai được triều đình nhà Nguyễn công nhận. Đặc biệt, trong số 12 vị thần này, có nhiều vị không thấy ở nơi khác, xét trong toàn bộ hệ thống 26 đạo sắc thần còn lại của tỉnh. Đó là các vị: Cao Các, Quan Thánh, Cửu Thiên Huyền Nữ. Điều này khiến cho đình An Thuận càng trở nên độc đáo với những giá trị đặc sắc riêng biệt. Để bảo vệ các đạo sắc thần, chống lại sự phá hủy của mối mọt, nhiệt độ và thời gian, Ban Quản lý đình An Thuận đã quyết định ép plastic tất cả số sắc, xén bớt một phần sắc để tiện việc bảo quản. Hiện nay, nội dung các sắc vẫn còn nguyên vẹn.
Đạo sắc thứ nhất hợp phong cho 4 vị thần: “Sắc cho thôn An Thuận, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định thờ phụng các vị: Cao Các tôn thần, Thái giám Bạch Mã tôn thần, Bản xứ Thành Hoàng, Bản xứ Thổ Địa chánh thần. Các thần đã có công giúp nước che dân mà trước đây chưa được ban cấp sắc chỉ. Nay ta nối mệnh lớn, gia tặng danh hiệu cho các ngài. Phong tặng thần Cao Các mỹ hiệu: Hoằng mô Vĩ lược Đôn hậu Phù hựu Trạc dương Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, bậc Thượng đẳng thần; phong tặng thần Thái giám Bạch Mã mỹ hiệu: Dương uy Ngự hối Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Dực bảo Trung hưng, bậc Thượng đẳng thần; phong tặng thần Bản xứ Thành Hoàng, Bản xứ Thổ Địa Chánh thần mỹ hiệu: Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng, bậc Chi thần. Chuẩn cho thờ phụng theo lệ cũ. Mong các thần hãy giúp đỡ che chở cho con dân của ta. Nay sắc”.
Đình An Thuận (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Nguyễn Hiền
Đình An Thuận (thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Nguyễn Hiền
Đạo sắc thứ hai phong riêng cho Quan Thánh Đế Quân: “Sắc cho thôn An Thuận, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định thờ phụng Quan Thánh Đế Quân. Ngài có công giúp nước che dân mà trước đây chưa được ban cấp sắc chỉ. Nay ta nối mệnh lớn, gia tặng danh hiệu cho ngài mỹ hiệu: Dực bảo Trung hưng. Chuẩn cho thờ phụng theo lệ cũ để đáp tạ công lao của ngài. Mong ngài hãy giúp đỡ che chở cho con dân của ta. Nay sắc”.
Đạo sắc thứ ba phong cho các vị nữ thần: “Sắc cho thôn An Thuận, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định phụng thờ tôn thần Ngũ Hành Tiên Nương, tôn thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Các thần có công giúp nước che dân, linh hiển đã lâu mà trước đây chưa được ban cấp sắc văn. Nay ta nối nghiệp lớn theo mệnh trời, nghĩ đến công lao các thần, phong tặng Ngũ Hành Tiên Nương mỹ hiệu: Tán hóa Mặc vận Thuận thành Hòa tự Tư nguyên Trang huy Dực bảo Trung hưng, bậc Thượng đẳng thần; phong tặng thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi mỹ tự: Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Dực bảo Trung hưng, bậc Thượng đẳng thần. Chuẩn cho thờ phụng theo lệ cũ. Mong các thần hãy bảo vệ che chở cho con dân của ta. Nay sắc”.
Đạo sắc thứ tư phong riêng cho Cửu Thiên Huyền Nữ: “Sắc cho thôn An Thuận, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định thờ phụng Cửu Thiên Huyền Nữ. Thần có công giúp nước che dân mà trước đây chưa được ban cấp sắc chỉ. Nay ta nối mệnh lớn, gia tặng danh hiệu cho thần mỹ hiệu: Dực bảo Trung hưng. Chuẩn cho thờ phụng theo lệ cũ để đáp tạ công lao của thần. Mong thần hãy giúp đỡ che chở cho con dân của ta. Nay sắc”.
Tất cả 4 sắc đều được phong tặng cùng một thời điểm “Ngày mùng 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân 5” (tức năm 1911) và đóng triện son “Sắc Mệnh Chi Bảo” của hoàng đế.
Trong số các vị thần kể trên, Thành Hoàng, Thổ Địa và Thiên Y A Na là những tên tuổi phổ biến tại thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Hầu hết các ngôi đình đều có 2 sắc phong, một cho Thành Hoàng (nhiều khi đi chung với Thổ Địa), một cho Thiên Y A Na. Tại Gia Lai, thần Bạch Mã với quyền năng bảo trợ sức khỏe và tài lộc xuất hiện nhiều trong các bài văn tế tại các đình miếu, nhưng trong sắc phong, hiện ngoài đình An Thuận, chỉ thấy thêm ở một đạo sắc thuộc đình An Khê. “Ngũ Hành Tiên Nương” được dân gian gọi là “Bà Ngũ Hành”, “Ngũ Hành” chỉ 5 yếu tố tạo nên sự sống hài hòa là kim-mộc-thủy-hỏa-thổ, trong sắc phong đình Tân An (phường An Bình, thị xã An Khê) gọi bằng danh xưng khác là “Ngũ Đức Tôn Thần”; nhờ sắc thần hợp phong Ngũ Hành Tiên Nương và Thiên Y A Na tại đình An Thuận này, chúng ta có thể đủ điều kiện để phục chế đạo sắc đã mất phần nội dung ở đình An Khê.
Ngoài những vị thần có tên trong các sắc phong khác tại Gia Lai kể trên, đình An Thuận còn một số vị thần đặc biệt. Thứ nhất là thần Cao Các. Đây là danh hiệu tôn xưng của sơn thần nói chung, thường được thờ cúng tại những vùng có nhiều đồi núi, vì thế tên gọi “Cao Các” xuất hiện không ít văn tế trong các đình miếu tại thị xã An Khê và huyện Đak Pơ, tuy nhiên được đưa vào sắc thần chính thức thì chỉ thấy ở đình An Thuận. Thứ hai là Quan Thánh Đế Quân, vị thần bảo hộ thương nghiệp, trừ tà. Thần có nguồn gốc bên Trung Quốc từ cách đây khoảng 2.000 năm, được thờ cúng ở nhiều quốc gia, thường gắn liền với sự hiện diện của người Hoa và nghề buôn bán. Ở Việt Nam, nơi thờ Quan Thánh thường được gọi là “Chùa Ông”. Tại Gia Lai, trước năm 1975, tín ngưỡng Quan Thánh khá thịnh hành trong dân gian, như hiện còn thấy rõ ở đình An Mỹ (xã An Phú, TP. Pleiku), chùa Hai Ngựa (phường Hội Thương, TP. Pleiku), các thánh thất Cao Đài ở thị xã An Khê, TP. Pleiku. Thứ ba là Cửu Thiên Huyền Nữ. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đây là vị nữ thần giáng trần giúp dân xây dựng nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải may áo, thường được gọi là “Bà Cửu Thiên”.
Với những sắc thần có giá trị cổ vật, bảo vật đặc biệt như thế, đình An Thuận là nơi giữ một di sản vô cùng quý báu giúp chúng ta có căn cứ, điều kiện để hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của người xưa tại vùng đất này.
LƯU HỒNG SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.