Bãi cọc cổ Hải Phòng có thể thay đổi nhận thức về trận đánh Bạch Đằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
GS-TSKH Vũ Minh Giang (bên phải) đang trả lời báo chí chiều ngày 20.12. Ảnh PV
Với việc phát hiện bãi cọc cổ tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có thể làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Hôm qua (20.12), các nhà nghiên cứu, các nhà sử học và các đại biểu dự Hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích Quỳ Cao, Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng đã có buổi thực địa tại điểm phát lộ bãi cọc cổ được cho là thuộc trận đánh Bạch Đằng năm 1288.
Ngay tại khu vực khai quật được bãi cọc, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - nhận định: “Việc phát hiện bãi cọc mới tại Quỳ Cao, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, với tư cách là nhà nghiên cứu, chúng tôi sẽ phải hình dung, sắp xếp lại về chiến thắng Bạch Đằng”.
Việc phát hiện bãi cọc gỗ tại Hải Phòng sẽ thay đổi nhận thức của các nhà nghiên cứu về trận đánh Bạch Đằng năm 1288.
Trước đây, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa vào đọc sách và mô tả, nên hình dung chiến trận một cách trừu tượng. Khi phát hiện bãi cọc bên Quảng Yên (Quảng Ninh), thì mọi nghiên cứu hầu như chỉ xoay quanh bãi cọc này.
Nay lại phát hiện thêm bãi cọc bên huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, mà theo nhận định, có thể bãi cọc này còn lớn hơn bãi cọc bên Quảng Ninh, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một vấn đề khá quan trọng đó là ông cha ta không cắm cọc dưới lòng sông Bạch Đằng vì sông quá rộng, tới hàng km vì đó là việc không khả thi.
Trong khi đó, đường ra biển, ngoài sông Bạch Đằng còn nhiều lạch triều (sông nhánh) có độ sâu từ 5 – 7 mét, thậm chí 10 mét, đủ sức để những tàu lớn thời đó đi qua. Vì vậy, có thể cha ông ta đã đóng cọc gỗ xuống các lạch triều này, rồi lùa địch vào đó vào lúc triều cạn, để đội hình địch mắc cạn, sau đó dùng kế hỏa công, sử dụng các thuyền nan chở đầy dầu tràm, củi thông để tiêu diệt tàu thuyền của địch.
Cũng theo giáo sư Vũ Minh Giang, khi xem bản đồ cho thấy, khu vực khai quật mới cũng nằm cạnh lạch triều gần sông Bạch Đằng, rất có thể đây là bãi cọc trong trận đánh Bạch Đằng. “Đây là một phát hiện cực kì lớn, tạo ra nhận thức mới có thể làm đảo lộn nhận thức của các nhà nghiên cứu từ trước đến nay về trận đánh này” – GS Vũ Minh Giang nói.
Theo GS Vũ Minh Giang, để có được chiến thắng Bạch Đằng, quân dân nhà Trần đã dựa vào địa thế và dân hai bên bờ sông là Hải Phòng và Quảng Ninh. Tuy nhiên, dựa vào địa hình, Thủy Nguyên (Hải Phòng) có núi non, địa thế hiểm trở nên có thể là nơi được dùng vào mục đích mai phục, là nơi ta dụ quân địch vào thế trận bày sẵn. “Nhận thức mới này sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về chiến thắng Bạch Đằng và chiến trận toàn dân chống ngoại xâm” – GS Vũ Minh Giang nói.
Ngoài 27 cọc được tìm thấy trong đợt khai quật này, còn nhiều cọc khác được người dân tìm thấy từ trước đó nhiều năm. Ảnh PV
Giáo sư Vũ Minh Giang cũng đặt vấn đề, việc khai quật được di tích mới là rất đáng quý, nhưng việc bảo quản các hiện vật này như thế nào cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Những cọc gỗ nằm trong lòng đất nhiều thế kỷ, khi được khai quật, nắng mưa và khí hậu sẽ tàn phá hiện vật nếu không được bảo quản đúng cách.
Do đó, ý tưởng xây dựng bảo tàng để bảo quản các hiện vật của Hải Phòng là rất quý. Đây cũng có thể là nơi tái hiện lại trận đánh Bạch Đằng, làm sống lại khí thế hào hùng của cha ông trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Như Lao Động đã đưa tin, sau hơn 2 tháng khai quật và giám định, Viện khảo cổ học đã xác định, 27 cọc gỗ được tìm thấy tại xã Liên Khê có niên đại từ thế kỉ 13 – 15, có thể là cọc gỗ trong trận đánh Bạch Đằng năm 1288.
Trong quá trình tìm hiểu, nhiều người dân tại xã Liên Khê cũng thông tin, ngoài số cọc mới được phát hiện nói trên, nhiều hộ gia đình cũng phát hiện được nhiều cọc gỗ cổ từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do không ý thức được giá trị lịch sử, nên đã không báo với cơ quan chức năng.
Mai Chi (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.