Chàng trai nuôi cá rồng, thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Quách Văn Hưng (32 tuổi), ngụ Q.11, TP.HCM, hiện đang làm chủ một cửa tiệm cá rồng với nhiều dòng (giống), mỗi tháng thu về hàng trăm triệu đồng.

TRẢI QUA NHIỀU THẤT BẠI

Sau khi thất bại với nghề kinh doanh giày da, năm 2012 anh Hưng chuyển sang lĩnh vực mua bán cá kiểng như: cá rồng, cá bảy màu, cá lia thia, cá ba đuôi... Thời điểm này, anh mạnh dạn chi hơn 100 triệu đồng để đầu tư làm hồ nuôi, hệ thống lọc nước… "Người bạn của mình bên Malaysia cung cấp giống, mình chỉ cần đem về bán. Thấy có lời, mình đầu tư nhiều hơn, đỉnh điểm mình đầu tư đến 1.000 hồ cá kiểng", anh Hưng kể lại.

Anh Hưng bên những con cá rồng của. Ảnh: Tấn Đạt

Anh Hưng bên những con cá rồng của. Ảnh: Tấn Đạt

Tuy nhiên, khoảng 8 tháng sau anh lỗ nặng và phá sản. "Thật sự mình khá ỷ lại, nghe lời bạn quá nhiều, không chịu tìm tòi kiến thức, chỉ thấy cái lợi trước mắt. Hàng loạt con cá kiểng bị chết vì kỹ thuật chăm sóc sai. Tổng số tiền đầu tư vào cá kiểng là 3,2 tỉ đồng nhưng mình thu lại chỉ 200.000 triệu đồng", anh Hưng cho hay.

Thất bại, chán chường, đôi lúc muốn bỏ cuộc, nhưng anh vẫn muốn thử thách thêm lần nữa với nghề cá kiểng. Thế là năm 2016, anh Hưng chuyển mặt bằng, quyết định chỉ nuôi một dòng cá rồng.

Rút kinh nghiệm, anh chỉ nhập cá "bột" (cá rồng nhỏ) về nuôi đến kích thước từ 20 - 25 cm, mới đem đi bán. Nhờ mối quan hệ trước đó nên việc xuất xưởng cá rồng là một lợi thế, từ đó anh bắt đầu thu lợi nhuận, đầu tư thêm giống về nuôi.

HỌC HỎI KINH NGHIỆM KHẮP NƠI

Đến thời điểm hiện tại, anh Hưng đang kinh doanh các dòng cá rồng như: ngân long (màu trắng), huyết long (màu đỏ), kim long (màu vàng)…

"Nhìn chung, cá rồng có vảy to, thân dẹp và dài, đầu có hình con dao bầu với một cặp râu ở chóp hàm dưới luôn chĩa ra phía trước được cho là có chức năng cảm nhận những biến động trên mặt nước", anh Hưng thông tin thêm. Những kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cá rồng từ nhỏ đến lúc bán, anh học từ người chơi, bạn bè, các chủ trại khác, thậm chí là nhân viên của tiệm.

"Những bạn nhân viên bên mình rất giỏi, đã có kinh nghiệm nuôi cá từ những trang trại khác. Với lại, trong thời gian kinh doanh cá rồng, mình nhận thấy có những cách mình xử lý không đúng hoàn toàn, đôi khi những cách thức của nơi khác còn tốt hơn, do đó mình luôn cầu tiến, học hỏi kinh nghiệm nuôi và bán cá kiểng ở khắp mọi nơi", anh Hưng chia sẻ.

Anh cho hay mỗi loại cá rồng đều có đặc tính riêng, người nuôi cần phải biết rõ và đủ kiến thức mới giúp cá lớn nhanh. "Để cá rồng phát triển tốt thì nguồn nước phải sạch, thay mỗi ngày, độ pH trung bình từ 6.5 - 7.5. Nếu độ pH ở trong nước bị thay đổi một cách đột ngột sẽ khiến cá bị bệnh và yếu đi, dẫn đến chết. Vì thế, kiểm tra độ pH thường xuyên và định kỳ là việc làm hết sức cần thiết khi nuôi cá rồng", anh Hưng cho biết.

Cũng theo anh Hưng, thức ăn cho cá rồng đa dạng, vì đặc tính tiêu hóa của mỗi dòng đều khác nhau. Ví dụ muốn ngân long mau lớn, lên màu đẹp thì cho ăn sâu gạo (bổ sung chất đạm), các dòng còn lại ăn trùng huyết, cá lóc mồi… một số người cho huyết long ăn tép nhưng quên loại bỏ gai trên đầu tép dẫn đến cá bị thủng ruột mà chết.

Chàng trai 32 tuổi còn thông tin mình mất 2 tháng để nuôi cá rồng nhỏ 9 cm lên đến 20 cm. "Nuôi nhiều dòng cá rồng trong cùng bể, khoảng 3 - 4 tuần bạn phải chọn lọc những con trội ra nuôi riêng. Nếu để chung, cá sẽ phát triển không đều, thậm chí cá nhỏ sẽ bị cá lớn ăn thịt", anh nói.

Anh Hưng nhập cá rồng chủ yếu từ Indonesia, Malaysia, có kích thước từ 12 - 45 cm, với giá dao động khoảng 5 - 20 triệu đồng/con.

"Ở VN cũng có một số trang trại cấy ghép cá rồng thành công nhưng sản lượng, chất lượng cá con không đạt theo yêu cầu, khi cá lớn lên thì không có màu sắc nổi bật", anh chia sẻ.

Anh Hưng cho biết: "Việc nhập cá rồng về bán là do không tốn công nuôi dưỡng, chăm sóc rồi phải canh chừng để "upsize" (lên kích thước) cho cá từng giờ từng ngày. Hiện tại, mình đã có kinh nghiệm đủ để nhận biết cá rồng nào khỏe mạnh hay yếu. Sau khi nhập hàng về, mình sẽ quay clip cá rồng cho khách "ruột" xem, hoặc đưa lên mạng xã hội để quảng bá. Thường những con cá rồng mình nhập về khoảng 5 - 7 ngày là có người đến mua", anh Hưng cho hay.

Nhờ những phương thức đó, mỗi tháng anh bán được từ 400 - 500 con cá rồng các dòng, thu về 500 - 700 triệu đồng.

"Hiện tại, ở VN rất nhiều người buôn nước ngoài chủ động liên lạc, sẵn sàng đầu tư giống cá rồng. Và đương nhiên những bạn trẻ mới lập nghiệp cũng rất dễ bị sa vào tình trạng của mình ngày trước khi chưa có kinh nghiệm trong việc mua bán, chăm sóc cá rồng dẫn đến bị thua lỗ. Để phát triển con đường về dài, bạn hãy tìm hiểu về kiến thức nuôi cá rồng trước, bán những dòng tầm thấp, từ đó tiếp cận được đa dạng đối tượng khách hàng. Sau khi "cứng tay" hãy mua bán những dòng cao cấp hơn", anh Hưng cho lời khuyên.

Tháng thu trăm triệu nhờ nuôi cá rồng: Từng ngậm ngùi nhìn đàn cá bạc tỉ chết dần

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.