Chàng trai 'mâm nào cũng có mặt'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phan Hoàng Đăng Khoa (25 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) không chỉ giỏi học thuật mà còn chơi thể thao giỏi, liên tục giật giải các hội thi văn nghệ. 
Trong suốt những năm đi học, Khoa tham gia rất nhiều hoạt động phong trào của trường - Nhân vật cung cấp
Trong suốt những năm đi học, Khoa tham gia rất nhiều hoạt động phong trào của trường - Nhân vật cung cấp
Điều đặc biệt nữa, Khoa đã khởi nghiệp thành công từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Cùng sinh viên ngành y khởi nghiệp
Từng nhiều lần tiếp xúc Khoa với vai trò là chủ tịch Hội sinh viên của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi biết Khoa là ông chủ của một công ty khởi nghiệp từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường.
Xuất phát từ thực tế lịch học dày đặc khiến sinh viên ngành y hầu như rất hạn chế về kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, Khoa nuôi quyết tâm khởi nghiệp để vừa rèn luyện bản thân, vừa tạo môi trường cho sinh viên ngành y tiếp cận với khởi nghiệp.
Khoa dành dụm tiền làm thêm cộng với vay từ gia đình để thành lập Công ty Origen Việt Nam, với giai đoạn đầu là tham gia các dự án truyền thông trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Bên cạnh đó, đầu tư nghiên cứu các hướng phát triển công nghệ phục vụ y tế.
“Mình xác định mục tiêu của dự án là trau dồi kỹ năng, kiến thức quản trị và điều hành, cũng như tạo môi trường làm quen với một lĩnh vực không mới nhưng vô cùng tiềm năng cho bạn bè và các em khóa dưới cùng tham gia, tích lũy kinh nghiệm. Qua 2 năm, dự án để lại dấu ấn với sản phẩm sổ tay lâm sàng chuyên dụng cho sinh viên y khoa, cũng như là đối tác của nhiều chiến dịch truyền thông trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm và dịch vụ khám chữa bệnh”, Khoa chia sẻ.
Hiện tại, khi vừa mới ra trường, Khoa đã trúng tuyển chức Trưởng phòng Kinh doanh - tiếp thị tại Phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn 2. Nhưng anh vẫn dành thời gian ngoài giờ để hỗ trợ sinh viên tiếp tục phát triển dự án, để dự án luôn là môi trường tốt cho sinh viên y dược được trải nghiệm khởi nghiệp.
“Tốt nghiệp ngành bác sĩ y học cổ truyền là một ngành thiên về học thuật, nhưng lại mong muốn ứng tuyển vào một vị trí quản lý, điều hành trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ y tế, nên mình đã phải thuyết phục nhà tuyển dụng bằng chính nền tảng kinh nghiệm tự lập khởi nghiệp, các sản phẩm truyền thông đã tạo ra và tư duy chiến lược thông qua 3 vòng phỏng vấn. Tất cả những kỹ năng có được bây giờ, đều nhờ vào quá trình mình vận hành dự án khởi nghiệp”, Khoa cho biết.
Để có thể khởi nghiệp, Khoa đã chấp nhận việc phải dành thời gian tự học với những phương pháp đặc thù hơn để vẫn đạt kết quả mong muốn. “Vì học ngành y, nghề ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, không thể cho phép sự sơ sài trong tiếp thu kiến thức. Mình đã dành nguyên năm nhất ĐH để tìm ra phương pháp học tập tốt nhất cho bản thân, đó chính là cơ sở cho việc “dư dả” thời gian để vừa học vừa hoạt động phong trào vừa bắt tay vào khởi nghiệp”, Khoa bật mí.
Dự án khởi nghiệp của Khoa cũng đã thắng lớn 110 triệu đồng trong cuộc thi khởi nghiệp NTTU Startup Openday 2019.
Có niềm tin là có tất cả
Khoa kể: “Bản thân làm quen với công tác phong trào ngay từ lúc còn học tiểu học, nên mình luôn dành thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tại trường. Mình đã nhiều năm liền đoạt giải A hội thi văn nghệ chào mừng 20.11, giải nhì môn bóng đá nam, giải nhất múa lân mừng Tết Trung thu…”.
Khoa còn đoạt giải thưởng Kim Đồng của Hội đồng Đội T.Ư, giải Tin học trẻ tỉnh Quảng Nam, giải nhất học sinh giỏi môn sinh học của tỉnh, sau này là á khoa đầu vào ngành bác sĩ y học cổ truyền của Trường ĐH Y Dược TP.HCM… Nói vui như người xứ Quảng là “mâm nào cũng có mặt”, và điều này rất đúng với anh chàng đa năng này.
“Mình cảm thấy may mắn, bởi mình có lý tưởng sống tốt đẹp, có môi trường rèn luyện không ngừng, mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Bên cạnh đó, được tín nhiệm giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng như Bí thư Đoàn khoa, Chủ tịch Hội sinh viên trường cũng là những thách thức mang đến bài học vô cùng giá trị mà không phải sinh viên nào cũng có cơ hội trải qua”, Khoa tự hào chia sẻ.
Nhìn lại quãng đời sinh viên của mình, Khoa cho biết anh cảm thấy rất trân quý: “Trong quá trình học tập cũng như khởi nghiệp, mình nhận ra niềm tin là một yếu tố then chốt. Niềm tin tạo nên động lực, niềm tin tạo ra lớp giáp phòng vệ trước những khó khăn. Với người trẻ, để tìm kiếm một hệ thống lý tưởng cao quý, một tấm gương sáng để noi theo, từ đó tạo ra niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào giá trị của lao động và niềm tin vào bản thân là hết sức quan trọng”.
Theo Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.