Chàng trai du học thạc sĩ về quê khởi nghiệp với trái xoài cát núm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đau đáu làm sao đưa giá trị trái xoài đặc sản của địa phương lên tầm cao mới, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, Nguyễn Hoàng Khang đã mày mò nghiên cứu và sản xuất thành công mứt xoài cát núm.

Nhận thấy tiềm năng của xoài cát núm, đặc sản trên quê hương, mong muốn gia tăng giá trị, tạo thương hiệu cho trái xoài, Nguyễn Hoàng Khang (32 tuổi, ngụ H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) sau khi đi du học về đã lựa chọn con đường khởi nghiệp từ loại quả này.

Miệt mài tìm hướng đi cho trái xoài

Năm 2016, Nguyễn Hoàng Khang du học thạc sĩ về nông nghiệp hữu cơ ở Canada. Hành trình học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, Hoàng Khang đã tích lũy cho mình nhiều kiến thức về nông nghiệp hữu cơ. Hoàn thành chương trình học, có cơ hội ở lại làm việc tại Canada nhưng anh quyết định trở về khởi nghiệp trên chính quê hương mình, với mong muốn được đóng góp điều gì đó cho quê nhà.

Hoàng Khang (bìa trái) giới thiệu đặc sản quê nhà qua trái xoài cát núm và sản phẩm làm từ loại xoài này. Ảnh: DUY TÂN

Hoàng Khang (bìa trái) giới thiệu đặc sản quê nhà qua trái xoài cát núm và sản phẩm làm từ loại xoài này. Ảnh: DUY TÂN

Hoàng Khang cho biết trước đây trái xoài cát núm chủ yếu chỉ được dùng ăn tươi và chưa có sản phẩm chế biến. Giá cả xoài bấp bênh khiến thu nhập của bà con trồng xoài không ổn định, nên họ không mặn mà mở rộng diện tích.

"Sinh ra và lớn lên tại một trong những vùng trồng rất nhiều xoài cát núm ở H.Vũng Liêm, đã chứng kiến sự thăng trầm của người nông dân trồng xoài, mình luôn ấp ủ khát vọng nâng cao giá trị quả xoài thông qua việc nghiên cứu, chế biến sản phẩm từ loại quả này, thay vì bán xoài tươi truyền thống", Hoàng Khang chia sẻ.

Mứt xoài cát núm ngày càng được nhiều người biết đến.

Mứt xoài cát núm ngày càng được nhiều người biết đến.

Để từng bước hiểu rõ hơn về diện tích, khu vực tập trung trồng xoài cát núm, Hoàng Khang đã xin vào làm việc tại Phòng NN-PTNT H.Vũng Liêm (Vĩnh Long).

"Quá trình làm việc tại nơi này, mình tiếp xúc, làm việc thường xuyên với người dân trồng xoài cát núm. Những thông tin này giúp mình thuận tiện cho việc thu mua phục vụ sản xuất, cũng như có thể hiểu sâu hơn đặc tính của trái xoài", Hoàng Khang nói.

Từ khi lựa chọn khởi nghiệp, mình thay đổi bản thân thành một người có trách nhiệm với những quyết định mình đưa ra, vì không chỉ để tạo giá trị tích cực cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng. Mình từng là một người nhút nhát và chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ làm được những việc tạo tác động xã hội.

Nguyễn Hoàng Khang

Với mong muốn tìm đầu ra ổn định, mở rộng hướng đi cho đặc sản quê nhà, Hoàng Khang quyết tâm khởi nghiệp làm mứt xoài. Anh tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật sản xuất trên mạng internet và những chuyên gia về sản xuất mứt trái cây.

Bắt tay vào thực hiện mứt xoài, Hoàng Khang gặp không ít lần thất bại. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh đã cho ra được món mứt thành phẩm ưng ý. Để có được sản phẩm đạt chất lượng đưa ra thị trường, Hoàng Khang hợp tác với Vườn ươm công nghiệp tại TP.Cần Thơ.

Qua nghiên cứu, Hoàng Khang đã tìm ra công thức chế biến sản phẩm phù hợp và quy trình bảo quản đảm bảo các quy định. Đến đầu năm 2022, anh bắt đầu sản xuất mứt xoài và đến tháng 9 đã cho ra thị trường mứt xoài thành phẩm như hiện nay.

Giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp quê nhà

Theo Hoàng Khang, làm mứt xoài cát núm trải qua nhiều công đoạn: ủ xoài chín, gọt vỏ, tách thịt, xay nhuyễn, cô đặc, đóng hũ, thanh trùng. Trong đó, khâu cô đặc là quan trọng nhất để cho ra mẻ mứt thơm, ngon. Loại mứt xoài cát núm thành phẩm cần giữ nguyên hương vị ngọt thanh tự nhiên của xoài. "Mứt xoài cát núm dùng để ăn với bánh mì. Sản phẩm này có thể sử dụng mỗi ngày, tốt cho sức khỏe và mang đậm hương vị trái cây đặc sản quê nhà", Hoàng Khang chia sẻ.

Việc lựa chọn xoài đạt chuẩn luôn được Hoàng Khang đặt lên hàng đầu, với các tiêu chí về quy trình sản xuất phải từ nông nghiệp hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, anh còn đầu tư máy móc để các mẻ mứt xoài ra lò đảm bảo chất lượng đồng đều, sản xuất cùng lúc số lượng lớn, tăng thời gian bảo quản sản phẩm lên 9 tháng thay vì chỉ 6 tháng như trước đây.

Hiện giá mứt xoài cát núm từ 55.000 - 89.000 đồng/hũ (tùy trọng lượng). Thị trường tiêu thụ chủ yếu bán lẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Hoàng Khang chia sẻ: "Do sản phẩm mới nên việc quan trọng là xây dựng nhận diện sản phẩm, nhận diện thương hiệu, kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp để đưa vào giỏ quà nhân các ngày lễ lớn. Sắp tới, mình sẽ tập trung sản xuất với số lượng nhiều hơn, tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới từ xoài cát núm".

Khi quyết định trở về VN, Hoàng Khang cho biết cơ hội để anh học tập kiến thức của thế giới sẽ bị hạn chế, tiếp xúc với các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới sẽ không được nhiều như trước, cũng như cơ hội rèn luyện tiếng Anh sẽ ít đi. Tuy nhiên, điều khiến anh có động lực hơn là công việc không chỉ tạo ra giá trị cho mình mà cho cả người nông dân và chính quyền địa phương hiểu về giá trị của trái xoài cát núm bản địa.

"Từ khi lựa chọn khởi nghiệp, mình thay đổi bản thân thành một người có trách nhiệm với những quyết định mình đưa ra, vì không chỉ để tạo giá trị tích cực cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng. Mình từng là một người nhút nhát và chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ làm được những việc tạo tác động xã hội", Hoàng Khang chia sẻ.

Ông Ba Khởi, nông dân trồng xoài ở H.Vũng Liêm, cho biết trước đây nhiều nông dân trồng xoài cát núm ở địa phương thường xuyên thua lỗ do điệp khúc được mùa mất giá. Từ khi được Hoàng Khang đứng ra thu mua, nhiều nông dân vui mừng và tham gia cung cấp xoài theo tiêu chuẩn.

Ông Dương Ái Đạo, Phó trưởng Phòng NN-PTNT H.Vũng Liêm, cho biết: "Huyện có hơn 400 ha trồng xoài cát núm, phân bổ đều ở các xã. Mứt xoài cát núm là một ý tưởng khá táo bạo, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp quê nhà, góp phần cho xoài cát núm của địa phương mở rộng kênh tiêu thụ và người trồng xoài cũng an tâm về đầu ra".

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Làm giàu nhờ 'thay đổi số phận' một loại bánh

Từ những chiếc bánh ép Huế bình dân, Ngô Văn Quốc (22 tuổi, quê P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã cho ra đời sản phẩm đóng gói đẹp mắt, mang thương hiệu của Huế, bày bán tại các trung tâm thương mại, cửa hàng sân bay... khắp cả nước.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh

(GLO)- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách livestream bán hàng… là chuỗi hoạt động do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức cuối tuần qua tại TP. Pleiku.