Chàng trai 9x làm giàu từ đông trùng hạ thảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau những thất bại liên tiếp, anh Nguyễn Thành Luân (SN 1992, trú tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương với mô hình nuôi đông trùng hạ thảo. Anh vừa được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2022.
Miệt mài với đông trùng hạ thảo
Sinh ra ở miền quê nghèo, bố mẹ làm nông, từ nhỏ anh Nguyễn Thành Luân đã ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình. Học xong cấp 3, năm 2011 anh Luân xa người thân để sang Đài Loan mưu sinh. Khi tích góp được ít vốn liếng, sau 6 năm ở xứ người, anh quyết định trở về quê lập nghiệp. Ban đầu mới về làm nghề điện dân dụng, nhưng không ổn định nên anh đổi hướng và chuyển sang tìm hiểu các mô hình nông nghiệp.

Anh Nguyễn Thành Luân bên gian hàng mô hình đông trùng hạ thảo Thiên Tâm.
Anh Nguyễn Thành Luân bên gian hàng mô hình đông trùng hạ thảo Thiên Tâm.
“Nuôi con gì, trồng cây gì đây…”, những ý tưởng, trăn trở đó thôi thúc chàng trai phải lựa chọn kỹ khi bắt đầu xây dựng ý tưởng lập nghiệp. “Lúc đầu tôi quyết định trồng nấm ăn, nấm dược liệu và học hỏi mô hình này từ một người bạn tại Hải Phòng. Nhưng khi về trồng lại không mấy thuận lợi, thu nhập lại thấp nên tôi dừng lại”, anh Luân tâm sự.
Sau một thời gian tham khảo trên mạng, hỏi ý kiến bạn bè, người thân, anh Luân bắt đầu chuyển sang nuôi đông trùng hạ thảo. Anh chia sẻ, từ năm 2018 anh đã nghiên cứu về đông trùng hạ thảo, nhưng sau thời gian dài tìm hiểu, anh mới nảy sinh ý định vay vốn để đầu tư máy móc, xây dựng lại xưởng thiết bị. Tuy nhiên, quyết định này lại không được người thân trong gia đình ủng hộ. Bởi chi phí để xây dựng được mô hình cũng mất một khoản tiền lớn, trong khi tỷ lệ thành công chưa đánh giá được.

Anh Thành Luân vừa được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2022.
Anh Thành Luân vừa được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2022.
Trong 2 năm kể từ ngày tìm hiểu nuôi thử nghiệm, anh đã nhiều lần thất bại và thiệt hại với số tiền trên 100 triệu đồng. Anh nói đó là lý do khi đề xuất mở xưởng, gia đình, người thân không ai tin tưởng, còn bị ngăn cản vì cho rằng quá làm liều. Dù chi phí những lần thất bại quá lớn đối với anh, nhưng anh vẫn vui vẻ đón nhận và cho rằng đó là “học phí”.
“Vì thất bại liên tiếp, nên gia đình, người thân, thậm chí hàng xóm cũng không có sự tin tưởng nên tôi cũng có chút hụt hẫng. Nhưng giờ nhìn lại, tôi lại thấy đó là một thử thách lớn, mất cả tiền bạc, mồ hôi, thậm chí cả nước mắt, nếu thời gian đó không cố gắng thì làm sao có được như ngày hôm nay”, anh Luân nói.
Hiện thực hoá ước mơ
Mô hình đông trùng hạ thảo Thiên Tâm của anh Luân được xây dựng trên mảnh đất của bà ngoại với diện tích hơn 200m2, tại xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn), toàn bộ chi phí đầu tư máy móc đến nay anh Luân đã bỏ vào gần 1 tỷ đồng. Với suy nghĩ “thất bại ở đâu thì đứng lên ở đó”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, năm 2020 là bước tiến thành công nhất từ khi anh nuôi trồng thành công và đã đạt kết quả tốt.
Thời gian đầu anh không mở rộng sản xuất nhiều mà chỉ bán số lượng ít cho khách hàng theo hình thức vừa bán vừa giới thiệu sản phẩm. Tính đến cuối năm 2020, anh xuất bán ra thị trường được hơn 600 lọ đông trùng hạ thảo tươi (mỗi lọ có trọng lượng 100g), thu về hơn 60 triệu đồng. Đến năm 2021 mới tung bán ra thị trường với số lượng lớn.
Anh không ngần ngại chia sẻ, đông trùng hạ thảo là một loại nấm rất khó nuôi trồng thành công, đòi hỏi phải có thời gian để nghiên cứu xem có hợp với nhiệt độ, thời tiết ở vùng này hay không. Ngoài ra là quá trình tạo giống, bởi đòi hỏi môi trường sinh trưởng sạch sẽ, phòng được khử trùng trước khi trồng, độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng phải tương đương với ánh sáng tự nhiên.

Khi thu hoạch, đông trình hạ thảo được tách đế, sấy khô hoặc sấy lạnh, sau đó đóng gói thành sản phẩm nhập ra thị trường.
Khi thu hoạch, đông trình hạ thảo được tách đế, sấy khô hoặc sấy lạnh, sau đó đóng gói thành sản phẩm nhập ra thị trường.
Nguyên liệu để tạo ra đông trùng hạ thảo gồm: gạo lứt, nhộng tằm, đậu nành và các chất dinh dưỡng vi sinh. Để nuôi đông trùng hạ thảo mất nhiều thời gian và các quy trình đều được thực hiện nghiêm ngặt. Sau khi tạo giá thể và hấp tiệt trùng, các nguyên liệu được đưa vào ủ tối 7-9 ngày, sau đó đưa ra phòng chiếu sáng và nuôi trồng. Mỗi đợt nuôi trồng sẽ thực hiện 2.000-3.000 phôi/lứa. Quá trình từ lúc tạo phôi cho đến lúc thu hoạch mất khoảng 75 ngày.

Hiện tại, anh Luân đã xây dựng được 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là đông trùng hạ thảo sấy và rượu đông trùng hạ thảo...
Hiện tại, anh Luân đã xây dựng được 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là đông trùng hạ thảo sấy và rượu đông trùng hạ thảo...
Khi thu hoạch, đông trùng hạ thảo được tách đế, sấy sau đó đóng gói thành sản phẩm nhập ra thị trường. Hiện, anh đã xây dựng được 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là đông trùng hạ thảo sấy và rượu đông trùng hạ thảo... doanh thu mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng.
“Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Dương, Sài Gòn… Hiện tại ở xưởng làm hết bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu, có những lúc khách hàng phải đợi để có hàng gửi”, anh Luân vui vẻ nói.
Với những thành công trong khởi nghiệp trên quê hương, anh Nguyễn Thành Luân được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2022.
Theo Hoài Nam (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.