Nhờ nuôi ốc hữu cơ và cá bã trầu sống cộng sinh trong sao, mỗi năm chàng trai 8X ở Cần Thơ thu lãi gần 1 tỉ đồng.
Gia cảnh khó khăn, đi làm công ăn lương nhưng thu nhập quá thấp nên anh Nguyễn Hồng Khương (34 tuổi, ngụ P.Thới Hòa, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) luôn nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp ngay trên đất nhà. Năm 2015, biết được mô hình nuôi ốc ở Thanh Hóa cho hiệu quả kinh tế cao, anh quyết định ra tận nơi mua 10.000 con giống đem về nuôi.
|
Trại nuôi ốc theo hướng hữu cơ của anh Khương được đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước. Ảnh: Duy Tân |
Anh Khương cho biết, thời điểm đó, miền Tây chưa có nhiều người nuôi ốc. Để nuôi hiệu quả, anh đầu tư hệ thống xử lý nguồn nước đầu vào, đầu ra. Tạo hệ thủy sinh cho ao nuôi, anh trồng bông súng, thả bèo, rong… lọc nước, vừa làm thức ăn tự nhiên. Trên bờ, kết hợp trồng ổi, đu đủ để tận dụng làm thức ăn phụ thêm cho ốc và bán để kiếm thêm thu nhập.
|
Khu vực ao ương ốc giống của anh Khương. Ảnh: Duy Tân |
Hiện, ngoài diện tích đất nhà, anh Khương thuê thêm 1,2 ha đất đào 9 ao nuôi ốc, chủ yếu là ốc bươu đen. Mỗi ao, anh đều cắm bảng đánh số thứ tự để tiện theo dõi. Ao thả ốc giống và ốc ấp nở được xây cầu gỗ ở giữa để dễ thu hoạch trứng và đưa vào ấp nở trong thùng xốp đặt trên mặt ao.
|
Ốc nuôi theo hướng hữu cơ từ 3 - 4 tháng có thể xuất bán. Ảnh: Duy Tân |
Thức ăn chính của ốc nuôi theo hướng hữu cơ gồm: bèo, bông, súng, rong, đu đủ và ổi… trồng trong vườn nhà. Nhờ nuôi theo hướng này, ốc ít nhớt, thịt ngọt và có vị đặc trưng hơn so với cách nuôi thông thường.
|
Ao nuôi được thả thủy sinh để tạo thức ăn tự nhiên cho ốc. |
Theo anh Khương, trứng ốc sau khi nở được 14 - 30 ngày có thể đem thả nuôi trực tiếp xuống ao, mật độ từ 80 - 120 con/m2. Mực nước lý tưởng trong ao giúp ốc phát triển tốt là từ từ 0,8 - 1,5 m. Bên cạnh đó, cần tạo địa hình có độ nông - sâu trong ao để đa dạng môi trường sống cho ốc. Với ốc thương phẩm, nuôi 3 - 4 tháng đạt trọng lượng khoảng 25 - 35 con/kg là tiến hành thu hoạch. Sau khi thu hoạch thì rút cạn nước, cải tạo ao rồi mới thả giống nuôi tiếp.
|
Nhân công thu hoạch cá bã trầu được nuôi cộng sinh với ốc. Ảnh: Duy Tân |
Đặc biệt, anh Khương còn kết hợp nuôi cộng sinh giữa ốc ốc bươu đen và cá bã trầu. Cá bã trầu có vai trò “dọn vệ sinh” cho ốc, khi cá sinh trưởng và phát triển có thể thu hoạch bán hằng tháng, có thu nhập thêm.
“Cá bã trầu sinh sôi phát triển sẵn trong mương vườn. Đây là loại cá đang được nhiều nhà hàng, quán ăn, thực khách ưa chuộng nên tôi nuôi luôn. Cứ cách 6 tháng, tôi tát ao 1 lần. Sau đó, bắt cá thả nuôi lại trong ao, mỗi ao thả từ 1 - 2 kg để nhân đàn. Nhờ đó cá có bán liên tục”, anh Khương cho biết.
|
Cá bã trầu thu hoạch trong ao nuôi ốc của anh Khương được nhiều nhà hàng, quán ăn đặt mua. Ảnh: Duy Tân |
Mỗi năm, anh Khương thu hoạch ốc bươu thương phẩm 2 lần với sản lượng hơn 20 tấn, giá bán dao động từ 45.000 - 60.000 đồng/kg (tùy thời điểm); Ốc giống bán hơn 2 triệu con, giá trung bình 300 đồng/con. Riêng cá bã trầu, mỗi tháng anh bán từ 5 - 10 kg/tháng, giá 300.000 - 500.000 đồng/kg. Nhờ mô hình nuôi ốc độc đáo này, anh Khương thu lãi gần 1 tỉ đồng/năm.
Theo Duy Tân (TNO)