13 trận bão trong năm 2020, chủ yếu đổ bộ vào miền Trung, đặt vấn đề các địa phương cần có hệ thống cây xanh đô thị phù hợp, trước thiên tai ngày càng cực đoan.
Cây cổ thụ giữa trung tâm TP Đà Nẵng ngã gục trong bão số 5, dù chỉ nằm ở rìa cơn bão. Ảnh NTH |
Bão số 9 đổ bộ vào khu vực bắc miền Trung với cường độ không lớn như dự báo. Sức gió chỉ khoảng cấp 11-12, nhưng cũng gây thiệt hại nặng nề cho hàng loạt cây xanh đô thị, trồng trên các đường phố ở nhiều tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, đặc biệt trong đó có Thừa Thiên-Huế - một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ngã gục trên đường phố, để lại nhiều luyến tiếc cho người dân. Chính quyền thành phố Huế đang tìm biện pháp cách để cứu vãn sự sống cho nó.
Bão gió miền Trung ngày trở nên cực đoan, đang đặt chính quyền và người dân trước nhiều thách thức, đặc biệt là hệ thống cây xanh đô thị được phủ xanh đường phố trong những năm qua.
Cuối tháng 10.2020, với sức gió cấp 11, cơn bão số 5 (Noul) TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có hơn 1/6 số cây xanh đô thị bị ngã đổ trong số 65.000 cây xanh đường phố, công viên. Tại một số công viên dọc bờ sông Hương như Thương Bạc, Phú Xuân, Bến Me, Kim Long..., nhiều cây cổ thụ nằm ngổn ngang trên mặt đất.
Ở Đà Nẵng, dù chỉ nằm ở rìa cơn bão nhưng trận bão này cũng làm 562 cây xanh bị thiệt hại, trong đó 385 cây xanh gãy đổ hoàn toàn, 122 cây nghiêng thân, 55 cây gãy thân, cành…
Đà Nẵng năm nay cây xanh trên các tuyến đường ít bị đổ ngã là do từ tháng 7 đến cuối tháng 10, Công ty Công viên – Cây xanh Đà Nẵng đã lần lượt cắt tỉa đến hơn 51 ngàn cây xanh các loại để chống bão.
Nhờ vậy trong mùa bão vừa qua, đã hạn chế tối đa tình trạng cây ngã hàng loạt sau thiên tai, như các năm trước, nhưng để lại cho thành phố những hàng cây trơ trụi, xơ xác. Thiên tai cực đoan đang đặt vấn đề cấp thiết, các đô thị miền Trung đang cần có một hệ thống cây xanh bền vững phù hợp.
Nhìn từ Đà Nẵng, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thay vì xây dựng đô thị ở những khu vực quá sát với rừng Sơn Trà và danh thắng Ngũ Hành Sơn, các đô thị nên sử dụng một quỹ đất ở vùng đệm để tạo thành "vành đai xanh".
Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng nhận định: “Đô thị phát triển khác rồi thì cây xanh phải biến đổi theo, có những trục đón luồng gió chính như Đông - Tây, trục đại lộ, không gian ven biển, không gian mở, gần nhà cao tầng thì cây thường bị tác động mạnh, quy hoạch sắp đến phải nghiên cứu những vấn đề đó nữa chứ không đơn thuần chỉ chủng loài, kể cả công tác cắt tỉa định kỳ”.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, nói: “Mỗi địa phương đều có đặc thù riêng. Việc chỉnh trang lại cây xanh đô thị theo hưướng bền vững, có đặc thù riêng, thì quan trọng nhất là phải có sự tham gia của chuyên gia về lâm nghiệp, có năng lực thực sự, để tư vấn những loại cây phù hợp nhất với thổ nhưỡng, khí hậu, cảnh quan đô thị".
Trên thực trạng hậu quả thiên tai năm 2020, việc chọn loại cây và quy hoạch hướng phát triển đô thị của các địa phương miền Trung đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trước thực trạng thiên tai ngày đang trở nên trái quy luật và cực đoan hơn bao giờ hết. Đừng để kéo dài điệp khúc, ngã rồi trồng; trồng rồi ngã... kéo dài như các năm qua, ở hầu hết các đô thị miền Trung.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cay-xanh-do-thi-mien-trung-va-thien-tai-cuc-doan-856591.ldo
Theo TRUNG HIẾU (LĐO)