Cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một vụ cố ý gây thương tích với nhiều người tham gia, có mang theo hung khí và bị hại bị đánh thương tích đến 17% thế nhưng sau gần 2 năm, các cơ quan tố tụng chỉ đưa ra xét xử 1 bị cáo với hình phạt là 6 tháng tù giam. Dư luận đang thắc mắc, phải chăng có điều gì khuất tất?…

Bị cáo, bị hại đều “mù” pháp luật

Khoảng đầu tháng 2-2009, Nguyễn Ngọc Huynh (34 tuổi, trú tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đưa máy đào đến xã Ia Ga (huyện Chư Prông, Gia Lai) đào thuê hồ, ao chứa nước cho một người dân ở đây. Trong khi thợ lái đang điều khiển máy làm cho anh Trần Công Hiểu tại khu vực thôn 4, xã Ia Pia (huyện Chư Prông), Huynh ngồi hóng mát dưới bóng cây gần bờ suối, cách máy đào khoảng 50 mét thì Nguyễn Văn Phong (49 tuổi, trú thôn 4, xã Ia Pia) cũng có máy đào đang làm thuê ở khu vực này đến chỗ Huynh ngồi và quát hỏi: “Mày là chủ máy đào này phải không? Chỗ tao đang làm sao mày đến giành?”.

Vừa dứt lời, Phong dùng tay phải đấm vào mặt Huynh và nói tiếp: “Chiều nay mày không đem xe ra khỏi khu vực này tao đốt xe, ngon kiện đâu kiện…”. Nói xong Phong bỏ đi. Bực tức vì bị Phong đánh và cấm không cho làm thuê nên Huynh đã đi mua rượu về cùng nhậu với chủ nhà. Đến khoảng 20 giờ ngày 20-2-2009, Huynh đến nhà người quen là Lê Cảnh Tín ở thôn Tân Thủy, tại đây 2 người có uống thêm một ít rượu.

Nguyễn Ngọc Huynh tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Lệ Hằng
Nguyễn Ngọc Huynh tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Lệ Hằng

Huynh đã kể lại cho anh Tín nghe việc bị Phong đánh lúc chiều và nói: “Ông ấy đánh mình thì mình phải đánh lại”. Anh Tín gàn rằng: Nhà ấy đông người, có thế lớn lắm. Huynh liền nói: Để điện mấy đứa em ra đánh lại.

Huynh gọi cho Nguyễn Ngọc Tụ- em ruột Huynh (ở thị xã Buôn Hồ, Đak Lak) và nói: “Tụi bay ra đây đi, tao bị bọn nó đánh sắp chết rồi”. Mục đích của Huynh gọi em trai dẫn thêm người đến để đánh anh Phong trả thù. Nghe anh trai điện, Tụ đã dẫn thêm 3 người làm thuê cho mình là Tuấn, Bình, Tâm đón xe khách đi đến xã Ia Pia theo hướng dẫn của Huynh. Ngày 21-2-2009, nhóm Tụ đến nơi. Huynh liền chạy xe máy đến nhà Phong.  

Theo lời của anh Thái Văn Dung- người làm thuê cho Phong, đêm đó anh Dung thức canh tiêu ngoài sân nên đã chứng kiến được sự việc. Theo anh Dung, khi anh đang lơ mơ ngủ thì có người gọi dậy và hỏi có phải là Phong không? Chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh Dung thấy ớn lạnh ngay cổ khi một con dao do người hỏi kê sát. Sau khi xác minh không phải là Phong, người này bảo anh Dung nằm im, nhúc nhích là chết. Quá sợ hãi, anh Dung đã nằm im. Sau đó nhóm người của Huynh tiến vào nhà Phong đập cửa và gọi “Anh Phong, anh Phong có người vác tiêu”. Nghe tiếng người gọi, Phong dậy ra mở cửa, lúc này nhóm của Huynh lao vào dùng tay, gậy đánh Phong tới tấp. Chưa hả giận, nhóm này còn túm tóc Phong kéo ra sân và dùng tay chân, gậy đánh và đạp liên tiếp vào người, vào mặt khiến Phong ngã ngửa, khắp người đầy máu me.

Nhân chứng thứ hai là ông Nguyễn Văn Thức- Trưởng thôn, nhà ở sát nhà Phong, sau khi nghe ồn ào đã giật mình tỉnh giấc, qua ánh đèn canh tiêu ông Thức thấy có 3-4 người cầm cây, gậy la hét, chửi bới. Biết chuyện chẳng lành, ông Thức đã gọi điện báo Công an xã, nhưng tất cả số ông gọi đến đều trong tình trạng “ò í e”. Khi ông Thức bật đèn nhà mình lên thì nhóm người bên nhà Phong thấy động bỏ đi.

Hơn một năm sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh Phong vẫn không thấy Cơ quan Điều tra vào cuộc. Khi hỏi thì được Cơ quan Điều tra trả lời rằng: Chưa có kết quả giám định thương tích. Tuy nhiên gia đình bị hại cho biết, vào ngày 6-8-2009, gia đình đã đưa Phong vào Viện Pháp y Quốc gia- bộ phận thường trực phía Nam để giám định.

Sau khi gia đình bị hại cho biết sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí vào cuộc thì Cơ quan Điều tra- Công an huyện Chư Prông mới cung cấp bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 02b/11/TgT đề ngày 29-4-2011 của Viện Pháp y Quốc gia- bộ phận thường trực phía Nam. Theo đó, tỷ lệ phần trăm thương tích từng loại của anh Phong được kết luận: Gãy xương sườn số 7 can liền tốt 3%; gãy xương sườn số 8 can liền tốt 3%, gãy thành trong xương hốc mắt hai bên 12%. Tổng tỷ lệ theo nguyên tắc cộng lùi là 17%. Từ đây cơ quan này mới làm các bước xử lý vụ án tiếp theo. Càng lạ hơn, đó là tại Công văn số 105/PYQG-GĐ đề ngày 12-5-2011, Viện Pháp y Quốc gia bộ phận trường trực phía Nam trả lời Công an huyện Chư Prông về việc chậm trả kết quả giám định là do Viện Pháp y Quốc gia có trưng cầu cung cấp bệnh án và phim chụp xương sườn, do cơ quan (Công an huyện Chư Prông) cung cấp chậm nên chúng tôi phải chờ có đủ tài liệu mới kết luận được(?).

Bỏ lọt tội?

Trong vụ án này, hành vi của bị hại Phong thật đáng chê trách khi tự cho mình cái quyền là “lãnh chúa” phán Huynh đã tranh giành lãnh địa làm ăn của ông ta, đã vô cớ đánh Huynh và đe dọa đốt tài sản nếu không nghe lời, do đó mới có chuyện bị cáo Huynh đã tổ chức đánh trả thù.

Tuy nhiên, hành vi xúi giục lôi kéo người khác dùng hung khí đánh người của bị cáo Huynh rõ ràng là xem thường sức khỏe, tính mạng người khác, gây nguy hiểm cho xã hội, làm mất trật tự an ninh chung ở địa phương. Huynh và đồng bọn phải chịu sự chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Thế nhưng ngày 19-8-2011, Tòa án Nhân dân huyện Chư Prông chỉ tuyên phạt sơ thẩm bị cáo Nguyễn Ngọc Huynh 6 tháng tù giam cho tội danh “cố ý gây thương tích” áp dụng theo Khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự.


Theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, việc Huynh tổ chức đánh người là đã có sự chuẩn bị và bàn bạc trước. Trong vụ án này, nhóm của bị cáo còn mang theo cả hung khí là dao, gậy để đe dọa uy hiếp tinh thần người khác nhằm tránh sự phản kháng. Cụ thể là việc đe dọa người làm công của Phong, không cho anh này cứu chủ. Trong biên bản ghi lời khai ban đầu, bị cáo Huynh đã thừa nhận hôm xảy ra vụ án, Huynh có dẫn mấy người bạn ở Buôn Hồ đến nhà anh Phong. Sau khi kêu cửa, Huynh và hai đứa em vào nhà lôi Phong ra ngoài để đánh. Đánh xong, Huynh cùng hai người em ruột và mấy người bạn lên xe đi về (bút lục số 103). Đây là lời khai ngay sau khi xảy ra vụ việc nhưng Cơ quan Điều tra chưa tiến hành xác minh làm rõ các đồng phạm.

Tại biên bản lấy lời khai do Công an xã Ia Blang (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đak Lak) lập đối với Nguyễn Ngọc Tụ (28 tuổi) thì những người đi cùng: Tuấn, Bình, Tâm là người làm thuê cho Tụ. Nhóm người này đã đến xã Ia Pia theo lời cầu cứu của Huynh. Dù tại bản kết luận điều tra, cáo trạng đã xác định sự đồng phạm của các đương sự khác nhưng chưa có địa chỉ nên Cơ quan Điều tra đã tách ra xử lý sau là không phù hợp với Điều 161 Bộ luật Tố tụng Hình sự, bởi Nguyễn Ngọc Tụ có địa chỉ rõ ràng, thể hiện qua việc Cơ quan Điều tra đã nhiều lần triệu tập lấy lời khai (bút lục số 82, 83, 84). Phải chăng việc không xử lý Tụ, là bỏ lọt tội phạm?

Xuân Hằng

Có thể bạn quan tâm