(GLO)- Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh có 4 người tử vong và 8 người phải cấp cứu do tai nạn ngạt khí dưới giếng. Để những vụ tai nạn tương tự không xảy ra, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, cảnh báo giúp người dân nhận thức đầy đủ mức độ nguy hiểm và có biện pháp đảm bảo an toàn khi nạo vét giếng trong mùa khô.
Đã hơn 1 tuần kể từ ngày anh Siu Mang (SN 1988, trú tại làng Ser Dơ Mó, xã Kông Htok, huyện Chư Sê) tử vong ngay tại giếng nước trước sân nhà, chị Ralan Pep (SN 1994, vợ anh Mang) vẫn chưa nguôi nỗi đau mất mát. Chị vẫn nhớ như in buổi chiều anh Mang xuống nạo vét giếng. Rồi tai nạn bất ngờ ập đến. Khi lực lượng cứu hộ đưa lên khỏi miệng giếng, anh Mang đã tử vong. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh chị bởi nó đến quá đột ngột khi bao dự định của gia đình còn dang dở.
Vay mượn ngân hàng để trồng hồ tiêu với hy vọng thoát nghèo nhưng vườn cây bị bệnh rồi chết, anh Mang phải vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê cho các công trình xây dựng để có tiền gửi về nuôi 2 con nhỏ và trang trải nợ nần. Giữa năm 2019, anh bị thương khá nặng do ngã từ giàn giáo xuống nên phải quay về địa phương chữa trị. “Chưa bình phục hẳn nhưng chồng mình vẫn đi làm phụ hồ ở gần nhà chứ không chịu nghỉ ngơi. Vừa rồi, mới làm xong căn nhà và chưa nhận được công trình mới nên chồng mình ở nhà. Vì không muốn vợ con phải chịu khổ nên mới xuống nạo vét giếng lấy nước sinh hoạt, không ngờ xảy ra như vậy”-chị Pep buồn bã nói.
Lực lượng chức năng và người dân tập trung tại hiện trường vụ tai nạn do ngạt khí giếng ở làng Ser Dơ Mó (xã Kông Htok, huyện Chư Sê) chiều 15-5. Ảnh: L.V.N |
Theo chị Pep, cái giếng cũ trong sân nhà chị sâu khoảng 25 m, đã cạn nước từ hơn 4 năm trước. Thời gian qua, gia đình chị phải dùng chung giếng với nhà hàng xóm nên rất bất tiện. Do đó, anh Mang quyết định nạo vét giếng cũ để gia đình có nước sinh hoạt. Chị Pep nức nở: “Trước đây, vợ chồng mình ở nhà mái tôn xập xệ lắm, mưa gió là dột khắp nơi nên quyết định xây nhà gạch để ở. Nhà xây xong nhưng đến giờ vẫn không có tiền để tô tường gạch. Chồng mình định vài bữa nữa khỏe lại sẽ vào TP. Hồ Chí Minh làm lấy tiền tô nhà và trả nợ. Hôm đó, chồng mình bám vào thành giếng leo xuống được một lát thì nói vọng lên là giếng hôi lắm, không chịu nổi. Mình gọi bảo anh lên đi thì anh đã không trả lời nữa”.
Anh Rơlan Pôt (SN 1995, trú tại làng Ser Dơ Mó) là một trong 4 người phải nhập viện cấp cứu vì ngạt khí trong quá trình xuống cứu anh Mang chiều 15-5. Anh Pôt kể: “Thấy anh Mang nằm dưới giếng, một người khác xuống cứu cũng bị mắc kẹt nên mình đã buộc dây vào người rồi thả ròng rọc xuống. Khi cách đáy chừng 10 m thì mùi hôi và mùi cay xộc vào mũi làm mình không thở được nên đã giật dây để mọi người kéo lên. Từ trước đến nay, mình chỉ nghĩ xuống giếng nước cũ sợ nhất là côn trùng, rắn rết chứ không nghĩ lại có khí độc như vậy”.
Giếng nước tại nhà anh Siu Mang nơi xảy ra tai nạn. Ảnh: L.V.N |
Trước đó, vào ngày 17-4, tại làng Thông B (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) cũng đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khiến 2 người tử vong, 4 người phải nhập viện cấp cứu do ngạt khí trong quá trình đào giếng lấy nước sinh hoạt. Đây là giếng mới đào, khi đến độ sâu khoảng 20 m thì bắt đầu có nước. Các nạn nhân đã dùng máy nổ hút cạn nước để tiếp tục đào thì xảy ra tai nạn.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), chỉ tính từ ngày 29-3 đến 15-5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngạt khí giếng khiến 4 người tử vong và 8 người phải đưa đi cấp cứu. Trung tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ-cho hay: Các vụ tai nạn thương tâm đều xuất phát từ việc người dân thiếu kiến thức trong phòng-chống tai nạn lao động, đặc biệt là liên quan đến ngạt khí. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại xã Ia Hrú, người dân đã đặt máy nổ dưới giếng gây phát sinh khí CO và CO2, đồng thời đẩy khí oxy lên trên khiến đáy giếng trở thành môi trường độc hại. Khi người dân xuống giếng vừa bị thiếu oxy, vừa bị khí độc xâm nhập vào cơ thể nên dẫn đến ngạt khí. Tương tự là vụ việc tại xã Kông Htok khi giếng cũ lâu ngày tạo ra nhiều khí độc nặng hơn oxy; bên cạnh đó, anh Siu Mang đã dùng rơm tẩm xăng để đốt côn trùng nhưng không được nên mùi xăng kết hợp với khí độc gây ra vụ tai nạn.
“Để đảm bảo an toàn khi xuống giếng, người dân có thể dùng nhiều biện pháp như sử dụng máy đẩy khí sạch xuống dưới trước để đưa khí độc lên; dùng máy đo độ an toàn của không khí hoặc các biện pháp thủ công như đốt đèn cầy thả xuống giếng; thả con vật sống như chuột xuống khoảng 1 tiếng để kiểm tra mức oxy ở đáy giếng. Khi xuống giếng, người dân cần chuẩn bị các phương án dự phòng như dùng các bình nén khí hoặc thắt dây an toàn để nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp có thể sơ cứu kịp thời”-Trung tá Huy khuyến cáo.
Ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở cơ sở vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Người dân vẫn chủ quan, thiếu kiến thức trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình nên hàng năm vẫn xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để nhắc nhở, nâng cao nhận thức của người dân tại các vùng nông thôn nhằm giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn lao động”. |
LÊ VĂN NGỌC