Tại Hội nghị Hội đồng Đội T.Ư lần thứ 8 khóa VIII mở rộng, các đại biểu đã đề xuất tổ chức Đội cần sớm phát hiện các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em để can thiệp, bảo vệ các em tốt hơn.
Chiều 13.1 đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Đội T.Ư lần thứ 8 khóa VIII mở rộng, với sự chủ trì của chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; anh Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến về các báo cáo của Hội đồng Đội T.Ư như: báo sơ kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi học kỳ I, năm học 2021 - 2022; báo cáo tổng kết hoạt động nhà thiếu nhi; báo cáo tình hình trẻ em và kế hoạch triển khai luật Trẻ em, nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em năm 2022.
148 vụ xâm hại trẻ em
Hầu hết các đại biểu đều nhất trí với các báo cáo và cho biết, học kỳ 1 vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội đồng Đội đã đổi mới phương thức triển khai phong trào, các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ thiếu nhi và có nhiều chương trình sáng tạo.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội đồng Đội T.Ư về nguyện vọng của trẻ em và các hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói của trẻ em năm 2021, qua theo dõi nắm bắt từ cơ sở, năm 2021, tình trạng đuối nước, tai nạn, thương tích và xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp…
Trong năm 2021, Hội đồng Đội T.Ư đã nhận được 732 báo cáo của 62 tỉnh, thành đoàn phản ánh về các vụ việc liên quan đến trẻ em, trong đó có 439 vụ đuối nước; 145 vụ tai nạn, thương tích; 148 vụ xâm hại trẻ em.
|
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Bảo Anh |
Theo Hội đồng Đội T.Ư, về cơ bản, Hội đồng Đội các cấp đã kịp thời nắm bắt, trực tiếp hỗ trợ các em và gia đình các em là nạn nhân của các vụ việc xâm hại, tai nạn, thương tích, bạo lực học đường và đuối nước.
Hội đồng Đội T.Ư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo triển khai việc tiếp nhận, xử lý thông tin về các vụ việc liên quan đến trẻ em từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em; phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Tổng đài 111” nhằm tạo ra sân chơi bổ ích cho trẻ em, tăng cường nhận thức của trẻ em trên toàn quốc về bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em và hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em.
Cần vào cuộc một cách nhanh nhất
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Kiểm, Giám đốc Trung tâm hướng dẫn hoạt động thiếu nhi T.Ư, cho rằng thời gian qua, các vụ việc về xâm hại, bạo hành trẻ em, tổ chức Đội các cấp hầu như chỉ mới dừng lại ở việc động viên, thăm hỏi.
Ông Kiểm đề xuất tổ chức Đội các cấp, đặc biệt là ở địa phương, cần phát huy vai trò của mình kịp thời phát hiện các vụ việc, có tiếng nói sớm hơn để các cơ quan chức năng vào cuộc một cách nhanh nhất bảo vệ trẻ em.
Cũng đồng tình quan điểm này, chị Bùi Thị Lan Phương, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP.Hà Nội, cho biết thực tế một số vụ việc bạo hành trẻ cơ sở báo cáo lên cấp trên chậm.
|
Chị Bùi Thị Lan Phương nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Vũ Thơ |
“Có những vụ việc xảy ra trên địa bàn thủ đô nhưng Hội đồng Đội Thành phố chỉ biết qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian tới, tổ chức Đội các cấp cần đi sâu sát đời sống các em thiếu nhi ở địa bàn, nắm bắt tình hình, hiểu được cuộc sống, nguyện vọng của các em để kịp thời ngăn chặn, xử lý những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra”, chị Phương chia sẻ.
Chị Nguyễn Ny Hương, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng thời gian qua, bạo lực học đường và trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Vì vậy, cần có các chương trình tập huấn, trang bị kỹ năng tiếp cận xử lý thông tin, tư vấn tâm lý cho đội ngũ giáo viên tổng phụ trách đội, các bộ đội ở địa phương để hỗ trợ các em thiếu nhi.
Theo chị Hương, do tác động của dịch bệnh, các em học sinh học trực tuyến, bên cạnh mặt tích cực, các em bị tác động rất lớn bởi những thông tin xấu, độc hại trên internet. Chị Hương đề nghị Hội đồng Đội T.Ư phối hợp với Bộ TT-TT, các cơ quan báo chí truyền thông cảnh báo, ngăn chặn những trang tin độc hại; đồng thời mang đến những trang tin tích cực để các em sử dụng internet một cách an toàn, lành mạnh.
Sẽ xây dựng mạng lưới báo vệ trẻ em cấp xã
Kết luận hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang ghi nhận và giá cao ý kiến góp ý tại hội nghị. Chị Trang cho rằng các ý kiến rất có ý nghĩa để Hội đồng Đội T.Ư định hướng xây dựng các nội dung trọng tâm công tác của năm 2022 và đưa ra các giải pháp lớn trong thời gian tới.
|
Anh Nguyễn Anh Tuấn trao quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư cho chị Nguyễn Phạm Duy Trang. Ảnh: Bảo Anh |
Theo chị Trang, học kỳ 1 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng Hội đồng Đội các cấp đã bám sát chỉ đạo của Hội đồng Đội T.Ư và tinh thần tiên phong, tương trợ, thích ứng, đã linh hoạt tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi, đạt chất lượng cao.
Công tác chăm sóc giáo dục trẻ em được tổ chức với giải pháp mới, có nhiều mô hình hay, sáng tạo như: Triệu ly sữa, Trung thu thắp sáng ước mơ… Việc lên tiếng bảo vệ trẻ em đã đạt được kết quả bước đầu, trong đó CLB tư vấn, trợ giúp trẻ em thuộc T.Ư Đoàn, đã tư vấn, hỗ trợ kịp thời trước những vụ trẻ em bị bạo hành.
Chị Trang lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và cho biết cần chủ động xác lập kế hoạch thực hiện các công việc của học kỳ 2, để không bị động; không ngừng đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu, tâm sinh lý của trẻ em...
Đặc biệt, Hội đồng Đội các cấp cần nghiên cứu tuyên truyền về luật Trẻ em, các chính sách về trẻ em; phát huy vai trò của CLB tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp T.Ư; xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em cấp xã để sớm lên tiếng bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban bí thư T.Ư Đoàn đã công bố quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư đối với chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn; và tri ân nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Anh Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, được phân công làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư. |
Theo Vũ Thơ (TNO)