Trong chiến lược phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp giai đoạn 2007-2015, khu vực phía Đông được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Nhưng 3 năm qua, công nghiệp khu vực này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Khu vực phía Đông được đánh giá là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông-lâm sản, thủy điện, khai thác khoáng sản, du lịch… Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư vào khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế, dù thời gian qua, các địa phương đã có nhiều hoạt động quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư. Nguyên nhân cản trở các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này chủ yếu là: Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, nguồn nhân lực vừa yếu lại vừa thiếu, cơ chế ưu đãi chưa tương xứng, thị trường tại chỗ không nhiều tiềm năng, chi phí sản xuất cao nên chưa thể cạnh tranh với những vùng khác…
|
Hệ thống cẩu trục của Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Đinh Yến |
Vì những lý do đó nên các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực phía Đông chủ yếu vẫn nằm ở dạng nhỏ lẻ, “cây nhà, lá vườn”. Hiện nay, thị xã An Khê được xem là trung tâm công nghiệp của khu vực phía Đông, nhưng chỉ có nhà máy đường, nhà máy sản xuất tinh bột mì, Nhà máy MDF… gọi là có “máu mặt”, còn lại chủ yếu là các nhà máy, cơ sở công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé. Các huyện như: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ có các nhà máy chế biến gỗ, khai thác quặng sắt, đá, nhà máy gạch tuy nen… nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và tiềm lực sản xuất cũng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Ông Bùi Bá Sơn-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, cho biết: “Thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn, huyện gặp rất nhiều khó khăn. Vì tính cạnh tranh của huyện không được như các huyện khác, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư các huyện như nhau, nên các doanh nghiệp chọn những nơi có điều kiện thuận lợi hơn để tìm đến…”. Ngay cả thị xã An Khê năm 2009, chỉ thu hút được một doanh nghiệp đến đầu tư, năm 2010 thì có khá hơn khi đến thời điểm này đã có 2 nhà đầu tư vào đây.
Hiện nay, toàn bộ khu vực phía Đông chỉ có duy nhất một cụm công nghiệp An Bình-An Khê mới có 2 nhà máy hoạt động, các huyện còn lại đang trong giai đoạn quy hoạch, kêu gọi và chờ phê duyệt. Ông Lê Thanh Tâm-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: “Việc quy hoạch để đưa các nhà máy vào cụm công nghiệp gặp không ít khó khăn, khi điều kiện cơ sở vật chất, diện tích quy hoạch, kinh phí hỗ trợ di dời… còn nhiều trở ngại. Để xây dựng được các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư cần có thời gian và cơ chế phù hợp…”.
Công văn số 2306/UBND-CN, ngày 4-8-2009 của UBND tỉnh, về việc đầu tư các cụm công nghiệp-quy định: Quy mô quy hoạch cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không quá 15 ha; đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp không quá 10 tỉ đồng (ngân sách trung ương 6 tỉ đồng, phần còn lại ngân sách huyện cân đối, kể cả kinh phí đền bù, không huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng); mỗi tổ chức, hộ gia đình cho thuê đất không quá 1 ha… Trong khi đó, tại Quyết định ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp số 105/2009/QQĐ-TTg, ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 2: Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không quá 50 ha. Trường hợp cần thiết phải mở rộng cụm công nghiệp thì tổng diện tích không quá 75 ha. Do quỹ đất và kinh phí hạn chế nên các nhà máy lớn khi đưa vào cụm công nghiệp gặp khó khăn như những huyện nghèo như: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ.
Những vướng mắc, khó khăn nói trên được khai thông mới có thể thu hút được các nhà đầu tư và khơi dậy tiềm năng phát triển của các địa phương.