Cán bộ Đoàn làm giàu từ nghề nông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ra trường với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, anh Nguyễn Viết Quyền (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) quyết tâm gắn bó với nghề nông. Đến nay, anh đã gây dựng nên một trang trại hồ tiêu và cà phê trù phú, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn, anh Nguyễn Viết Quyền đi làm cho một vài doanh nghiệp với công việc khá ổn định. Tuy nhiên, vốn là con nhà nông sinh ra ở miền đất bazan màu mỡ, niềm đam mê với cây trái và khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc anh về quê lập nghiệp. Anh tâm sự: “Tôi nhận thấy địa phương mình rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Hơn nữa, mình học chuyên ngành nông nghiệp nên cũng hiểu rõ phần nào việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất nông nghiệp và có thể giúp đỡ người dân cùng làm”.

 

Anh Nguyễn Viết Quyền chăm sóc vườn tiêu của mình. Ảnh: M.K
Anh Nguyễn Viết Quyền chăm sóc vườn tiêu của mình. Ảnh: M.K

Nguyễn Viết Quyền là một thanh niên có bề ngoài giản dị, vui vẻ. Đưa mắt nhìn vườn tiêu xanh tốt và vườn cà phê đang độ ra bông của anh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Để có được cơ ngơi ấy là cả một quá trình tìm tòi, học hỏi, trải qua nhiều thất bại của chàng trai sinh năm 1989 có ý chí dám nghĩ, dám làm này. “Cũng như nhiều thanh niên nông thôn, tôi từng băn khoăn, trăn trở trước con đường khởi nghiệp. Những ngày mới lập trang trại, tôi cũng gặp không ít khó khăn như vốn ít, chưa có kinh nghiệm sản xuất… Lúc này, tôi phải tăng cường tìm tòi, bổ sung kiến thức mà mình đã học được trong suốt chặng đường đại học để áp dụng vào sản xuất. Muốn thành công trước hết phải dám nghĩ, dám làm, phải có quyết tâm làm cho bằng được”-anh Quyền chia sẻ.

Rồi khó khăn cũng qua đi khi anh tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn trong việc trồng cây hồ tiêu và cà phê. Anh tham khảo rất nhiều tài liệu về nông nghiệp, đồng thời tranh thủ ý kiến, kinh nghiệm của những người đi trước để trau dồi thêm kiến thức. Qua những lớp tập huấn thanh niên làm nông nghiệp do Huyện Đoàn tổ chức, anh kết hợp phương pháp truyền thống cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây trồng cho năng suất cao. Với cây hồ tiêu, anh tỉ mẩn theo dõi và chăm sóc như chính “những đứa con” của mình. Theo anh, bón phân cho hồ tiêu là khâu rất quan trọng. Bên cạnh phân khoáng (phân hóa học) và phân bón lá thì nhất thiết phải bón thêm phân chuồng. Liều lượng, thời điểm và kỹ thuật bón phân khác nhau tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu. Bên cạnh đó, trồng tiêu trên cây trụ sống là kiểu canh tác bền vững, tạo nên điều kiện sinh thái phù hợp cho phép kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế được các bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư.

Với nỗ lực của bản thân, đến nay, anh Quyền đã sở hữu 1.500 trụ tiêu và 2.000 cây cà phê cho thu nhập bình quân mỗi năm gần 400 triệu đồng. Trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho lao động là thanh niên địa phương.

Với niềm đam mê cống hiến sức trẻ cho quê hương, Nguyễn Viết Quyền luôn nhiệt tình, tâm huyết với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Năm 2016, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Ia Blang. Trong thời gian tham gia công tác Đoàn, anh luôn chủ động tổ chức các hoạt động thu hút đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và luôn trăn trở để có giải pháp thu hút đoàn viên thanh niên nông thôn tham gia phát triển kinh tế. Anh luôn suy nghĩ: “Muốn tạo được phong trào thanh niên phát triển kinh tế phải có những mô hình phát triển kinh tế mạnh, trong đó mình phải là người làm trước”.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm