Campuchia xây dựng lộ trình phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Campuchia tiếp tục hỗ trợ 40 USD/tháng trong thời gian từ tháng 1-3/2021 đối với mỗi công nhân viên làm việc trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành bị gián đoạn công việc do dịch COVID-19.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 9/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Chính phủ Campuchia đã xây dựng dự thảo kế hoạch hồi phục ngành du lịch trong và sau đại dịch COVID-19.
Dự thảo này vạch ra lộ trình 3 giai đoạn gồm quản lý khủng hoảng trong trạng thái bình thường mới, linh hoạt và tái khởi động ngành dịch vụ giai đoạn 2020-2021; hồi phục du lịch sau khủng hoảng COVID-19 giai đoạn 2022-2023 và chuẩn bị cho sự trỗi dậy của ngành dịch vụ này trong giai đoạn 2024-2025.
Bản dự thảo lộ trình được Ủy ban Quốc gia phát triển du lịch khởi thảo và được các bộ, ngành, cơ quan hữu quan ủng hộ mạnh mẽ.
Từ đầu tháng 12/2020, Chính phủ Campuchia có nhiều biện pháp hỗ trợ các ngành kinh tế trụ cột như dệt may, du lịch, hàng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Chính phủ Campuchia tiếp tục hỗ trợ 40 USD/tháng trong thời gian từ tháng 1-3/2021 đối với mỗi công nhân/nhân viên làm việc trong các ngành dệt may và du lịch cũng như các hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch như nhà hàng, khách sạn, lữ hành bị gián đoạn công việc do đại dịch COVID-19.
Đối với ngành hàng không, các biện pháp kích thích giai đoạn 7 cũng được công bố nhằm giúp ngành này thúc đẩy hoạt động kinh doanh và giảm bớt gánh nặng tài chính trước những thách thức nghiêm trọng do đại dịch gây ra.
Cụ thể, chính phủ sẽ kéo dài việc miễn thuế tối thiểu 10% đối với tất cả các hãng hàng không đăng ký hoạt động tại Campuchia trong thời gian 3 tháng từ tháng 1-3/2021 và cho phép các hãng hàng không dàn xếp việc thanh toán nợ tồn đọng thành nhiều lần sau thời gian kéo dài.
Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Lim Heng, các biện pháp hỗ trợ mới nhất sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho khu vực công, đồng thời giúp khu vực tư nhân tránh rơi vào tình trạng phá sản và có thể trụ lại trong giai đoạn khó khăn này.
Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, trong 10 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia giảm chưa từng thấy, tới 76,1% so với cùng kỳ năm ngoái, từ hơn 5 triệu khách xuống còn hơn 1 triệu lượt, trong đó đông nhất vẫn là khách Trung Quốc (314.291 lượt, giảm 84,5%), tiếp đến là du khách Thái Lan, Việt Nam và Mỹ.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn phát biểu của Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri trong cuộc họp báo ngày 27/12, cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng mở cửa biên giới nhằm thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực du lịch. 
Theo bà Nancy Shukri, hiện Malaysia đang đàm phán với Singapore, Brunei, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và New Zealand, những địa điểm được xác định thuộc "vùng Xanh về phòng chống dịch COVID-19."
Bà cũng đề nghị du khách chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) nhằm tránh lây nhiễm dịch COVID19.
Trần Long-Mạnh Tuân (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.