Các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong xu thế hội nhập ngày nay, việc quản lý kinh doanh một khi được “số hóa” sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân sự nhằm tăng tính cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận. Song tại Gia Lai, số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh hiện vẫn rất ít.

Tại buổi gặp mặt do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nhân đến từ các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh ngày 20-8 vừa qua, các doanh nghiệp đã có cơ hội để nói về những vấn đề của đơn vị mình.
 

 Doanh nghiệp có nhiều kiến nghị đối với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: H.D
Doanh nghiệp có nhiều kiến nghị đối với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: H.D

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ    
 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: “Tỉnh cam kết thực hiện đúng tôn chỉ của Chính phủ là hình thành nên một chính quyền kiến tạo, chính quyền phục vụ và là chính quyền liêm khiết”.

Theo Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 19-10-2015 của UBND tỉnh, tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất, thuê mặt nước không thông qua hình thức đấu giá trên địa bàn TP. Pleiku, năm 2016, nhiều doanh nghiệp thuê đất phải đóng số tiền tăng gấp 3 lần, thậm chí có doanh nghiệp tăng đến... 9 lần so với trước. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, bế tắc. Bà Lâm Thị Hòa-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ cho biết: “Năm 2015, số tiền thuế đất Công ty phải nộp là gần 363,3 triệu đồng, nhưng đến năm 2016, số tiền thuế đội lên đến hơn 3,113 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Chi phí đầu vào như vật tư lao động, nhân công luôn tăng cao, thời tiết thất thường, năng suất sản lượng vườn cây thấp, giá cả biến động khiến thu nhập có khi chỉ đủ chi. Công ty đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện để người lao động trong công ty an tâm sản xuất”.

Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cà phê Gia Lai bền vững nhằm gia tăng giá trị cộng thêm của hạt cà phê, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic đề nghị tỉnh xem đây là vấn đề trọng điểm để có mức hỗ trợ hợp lý. “Gia Lai tuy có diện tích cà phê lớn, lượng cà phê thu hoạch cũng nhiều nhưng hoàn toàn chưa tạo được thương hiệu. Do vậy, tỉnh cần xem xét quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện để doanh nghiệp được thuê đất canh tác dài hạn, có chính sách ưu đãi hợp lý để doanh nghiệp xây dựng nên cánh đồng kiểu mẫu, tạo thành vườn cây điển hình được đầu tư công nghệ trồng và chăm sóc tiên tiến theo tiêu chuẩn organic (sạch và tự nhiên), từ đó quảng bá và nâng tầm thương hiệu cà phê Gia Lai”.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến đường cũng kiến nghị tỉnh bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu, có chính sách hỗ trợ hộ nông dân chống hạn và có biện pháp tránh tranh mua nguyên liệu. Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh cần có chính sách kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch đã được quy hoạch với nhiều ưu đãi hơn nữa; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh mở rộng liên doanh liên kết để tăng nguồn lực đầu tư; tổ chức các sự kiện như liên hoan cồng chiêng để thu hút khách du lịch; tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch trên phương tiện truyền thông, kể cả mạng xã hội…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Bên cạnh những khó khăn, hạn chế thuộc về cơ chế, chính sách thì tại buổi gặp mặt, một số vấn đề hạn chế của các doanh nghiệp cũng được các sở, ngành nêu rõ, đặc biệt là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin. Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn rất hạn chế, mới dừng lại ở mức cơ bản, nhỏ lẻ, thiếu tính tổng thể. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ đến việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Kinh phí để đầu tư cho công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong doanh thu. Chỉ số thương mại điện tử của Gia Lai còn thấp, năm 2015 đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố”.

Cho tới thời điểm này, đối với các doanh nghiệp, việc đầu tư về công nghệ thông tin chủ yếu là mua sắm máy vi tính, kết nối mạng internet, cài đặt một số phần mềm cơ bản để soạn thảo văn bản, kế toán, thư điện tử miễn phí như Gmail, Yahoo… Rất ít doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng về quản trị, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu trữ dự phòng, bảo mật… Đối với việc xây dựng trang thông tin điện tử (website), toàn tỉnh hiện chỉ có 450 website, chiếm khoảng 14% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ này của cả nước là 45%)...

Nhận định về vấn đề này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, trong điều kiện toàn cầu hóa, nước ta đang tiến hành ký kết các hiệp định hợp tác với các nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ bùng nổ và Gia Lai không thể đứng ngoài cuộc. Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp tận dụng các thành tựu về khoa học công nghệ, công nghệ thông tin để ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, các doanh nghiệp phải chú ý hơn đến việc xây dựng thương hiệu. Bởi chỉ có xây dựng được thương hiệu mạnh, doanh nghiệp mới thành công trong tình hình hội nhập và cạnh tranh như hiện tại và tương lai. Ngoài chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan chức năng có liên quan phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Hiện tại, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành cập nhật lên website các thông tin mà doanh nghiệp quan tâm như: quy hoạch, kế hoạch, bảng giá đất, thông tin các dự án, thông tin về kêu gọi đầu tư, các lợi thế cạnh tranh, việc mua sắm công…

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.