Hỗ trợ doanh nghiệp: Cần giải pháp cụ thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Doanh nghiệp (DN) là chủ thể kinh tế quan trọng, là lực lượng chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP) và nguồn thu của ngân sách nhà nước (NSNN). Do đó, việc triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN đầu tư mở rộng phát triển sản xuất-kinh doanh là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Bức tranh nhiều màu sáng

Trên địa bàn tỉnh Gia Lao hiện có 3.450 DN đăng ký, trong đó có hơn 3.100 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 17.940 tỷ đồng (bình quân 5,2 tỷ đồng/DN), giải quyết việc làm cho trên 70.000 lao động. Hầu hết DN trên địa bàn tỉnh thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ: 380 DN nhỏ (12%), 2.450 DN siêu nhỏ (79%). Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 118 hợp tác xã, tổng vốn điều lệ 112 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 6.235 lao động.

 

Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh.    Ảnh: Đ.T
Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Đ.T

Trong thời gian qua, các chính sách khuyến khích đầu tư, xúc tiến thương mại của Chính phủ, của tỉnh đã và đang tác động tích cực đến sự ổn định và phát triển của DN như giá trị các ngành sản xuất đều tăng, các DN xích lại gần nhau, hiểu và hợp tác bền chặt hơn, hỗ trợ cung cấp thông tin lẫn nhau và tiêu thụ sản phẩm của nhau nhiều hơn trước. Doanh nghiệp được chính quyền quan tâm và tạo điều kiện sản xuất kinh doanh (SXKD); các kiến nghị của DN được tiếp thu và giải quyết hợp tình, hợp lý. Các DN được chia sẻ, cung cấp thông tin trao đổi kịp thời; nhiều DN được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, được hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử, được quảng cáo thương hiệu miễn phí, được giao các công trình do tỉnh làm chủ đầu tư.

Qua công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư của tỉnh, đến nay đã có 58 dự án đang triển khai với tổng vốn đăng ký thực hiện 12.609 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015 đã có 15 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với vốn đăng ký 3.579 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 3 dự án, vốn 2.009 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp chế biến có 6 dự án, vốn 926 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại dịch vụ có 6 dự án, vốn 644 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác sắp xếp, đổi mới DN nhà nước do tỉnh quản lý được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Hiện tại, tỉnh đang tích cực triển khai cổ phần hóa 5 DN theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt; 11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý bảo vệ rừng tự nhiên và triển khai các hoạt động kinh doanh khác.

 

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2015 có khoảng 2.250 DN có lãi, chiếm 73,5% số DN đang hoạt động, tăng 10% so với năm 2014. Nhiều DN tạm ngừng hoạt động từ năm 2013, 2014 đã hoạt động trở lại.

Triển khai, thực thi chính sách

Trong thời gian đến, để triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN đầu tư mở rộng phát triển SXKD, tỉnh cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp với các giải pháp đã được đặt ra.

Theo đó, tỉnh tập trung triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động số 2744/KH-UBND ngày 15-6-2016 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong 2 năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 440a/QĐ-UBND ngày 30-6-2016 của UBND tỉnh về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 6.000 DN hoạt động, bình quân hàng năm trên 500 DN được thành lập mới. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN, các ngành tiếp tục thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông trong công tác cấp mã số DN; tiếp tục rà soát quỹ đất để bố trí mặt bằng cho các DN có nhu cầu sử dụng SXKD hoặc mở rộng đầu tư.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, các sở, ngành tổ chức gặp gỡ đối thoại với DN theo đúng quy chế đã ban hành nhằm lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Tăng cường công tác tiếp nhận thông tin, xử lý nhanh chóng các phản ánh của DN. Củng cố, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Hội DN tỉnh, phát huy tối đa vai trò là cầu nối giữa DN với chính quyền, giữa DN với DN, đồng thời tăng cường sự tham vấn của DN trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Xây dựng website hỗ trợ DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đề xuất, hỗ trợ DN tham gia các đợt hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ DN tham gia chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt ưu tiên mua sắm hàng hóa và giao thầu các công trình xây dựng cơ bản do tỉnh làm chủ đầu tư cho các hội viên Hội DN tỉnh và các DN trên địa bàn tỉnh.

Thực tiễn cho thấy, trong cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính chỉ giải quyết 30% mục tiêu, còn lại 70% là thuộc về kỷ cương hành chính. Do đó, cần bám sát và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ cũng như các chương trình hành động của tỉnh; tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương, thực hiện tốt chương trình phòng-chống tham nhũng trong các cơ quan thực thi pháp luật. Sự hài lòng của người dân, DN là phần thưởng lớn nhất, là thước đo chính xác nhất để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, công chức.

Nguyên Tây

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.