Chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.L |
Tuy không có chất thải rắn độc hại từ các cơ sở chế biến, chăn nuôi nhưng môi trường bị ô nhiễm bởi bụi, tiếng ồn, nước thải là điều khó tránh khỏi và thực tế mức độ ô nhiễm đang đứng ở ngưỡng đáng báo động. Hầu như các cơ sở này không có hoặc không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư hệ thống xử lý chất thải…
Cơ sở xay xát nông sản Hồng Lĩnh do gia đình ông Cúc, bà Nhẫn làm chủ cơ sở (tổ 3, phường Chi Lăng, TP. Pleiku- Gia Lai) hoạt động từ năm 2000. Đây là một địa chỉ mà người dân khiếu nại về mức độ ô nhiễm môi trường lên các cấp chính quyền nhiều lần nhưng rồi đâu vẫn vào đấy.
Theo đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Hoa cùng 10 hộ dân sinh sống tại tổ 3, đường Trường Chinh, TP. Pleiku thì: Cơ sở này có được cấp phép kinh doanh hay không mà hoạt động khá rầm rộ và ô nhiễm ở mức trầm trọng. Khi máy hoạt động, bụi khuếch tán ra khắp nơi, chỉ sau một buổi bàn ghế lại phủ một lớp bụi, lau chùi chưa được bao lâu thì bụi bám dày trở lại. Không khí ngột ngạt khó thở, trẻ em và người già là đối tượng phải hứng chịu nhiều nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Cửu (cũng ở tổ 3, phường Chi Lăng) cho biết: Cơ sở này hoạt động từ năm 2000 nhưng đến năm 2008 mới có giấy phép đăng ký kinh doanh. Nhiều hôm chỉ cho xay xát một buổi nhưng cũng có hôm cả ngày lẫn đêm, nhất là thứ bảy, chủ nhật. Quần áo phơi trong nhà cũng có bụi bám, tiếng ồn và mùi hắc từ vỏ cà phê xộc vào nhà nên buổi trưa muốn nghỉ ngơi cũng không được. Cùng chung tâm trạng với ông Cửu là gia đình bà Chi, ông Bình: Mỗi lần máy nổ là bụi tung mù mịt, mùi hắc không chịu nổi, nhiều lần góp ý với chủ doanh nghiệp nhưng vẫn không thấy khắc phục. Thậm chí ngày 29-3-2010 khi Cảnh sát Môi trường đến làm việc để kiểm tra về độ ô nhiễm thì chiều 30 và ngày 31-3-2010 cơ sở này vẫn hoạt động và thải bụi ra xung quanh như thường.
Ông Cúc, bà Nhẫn- Chủ cơ sở Hồng Lĩnh cho biết: Cơ sở của ông rộng khoảng 400 m2, trước đây khi kinh doanh với quy mô lớn, có nhiều máy hoạt động, hiện nay chỉ còn một máy với công suất 1 tấn/giờ (khoảng 7 tấn/ngày) nên mức độ ô nhiễm như phản ánh là không đúng.
Trên thực tế, chúng tôi thấy đây là cơ sở xay xát tương đối lớn, tuy có xây tường ngăn cách (cao khoảng 2 mét) với các nhà lân cận nhưng phòng xay xát không che chắn, bảo vệ. Thời điểm chúng tôi có mặt là lúc 16 giờ ngày 30 và 31-3-2010 nhưng bụi vẫn bay mù mịt, mùi khét và tiếng ồn thì đúng như người dân phản ánh.
Không riêng gì cơ sở xay xát Hồng Lĩnh mà nhiều hộ chăn nuôi ở phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) cũng là những địa chỉ gây ô nhiễm. Ông N.T.N. (đường Lê Duẩn) phản ánh: Nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhưng lại xây chuồng trại giữa một khu dân cư có nhiều hộ gia đình đang sinh sống. Hàng ngày nước thải, phân tràn ra ngoài thành một bãi sình rộng lớn, có hôm nước thải chảy đến giữa sân nhà bên cạnh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tất cả những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này hầu như không có hệ thống xử lý chất thải nên cả khu dân cư phải chịu ô nhiễm. Đây là nguyên nhân làm tăng sự bức xúc trong cộng đồng và phát sinh nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại.
Trên đây chỉ là con số nhỏ trong rất nhiều cơ sở kinh doanh nằm trong khu vực dân cư gây ô nhiễm cục bộ. Hầu hết các cơ sở trên hoạt động nhiều năm liền nhưng chưa có giấy phép kinh doanh và cam kết bảo vệ môi trường. Hiện nay, Luật Bảo vệ Môi trường đã có hiệu lực gần 7 năm nhưng ý thức của các chủ cơ sở sản xuất, chăn nuôi vẫn chưa được thực hiện nghiêm, cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm các cơ sở vi phạm.
Trước thực trạng ô nhiễm, thiết nghĩ chính quyền cần tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp tại địa bàn mình quản lý để nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Đồng thời thành phố, tỉnh cần có định hướng quy hoạch vị trí hoạt động của các nhà máy xay xát và xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cá nhân cố tình vi phạm.
Linh Hằng