Cà phê trên... cát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nơi vùng đông trập trùng gió cát hiển nhiên không thể canh tác cây cà phê được. Lê Văn Lương (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cũng không trồng cà phê, nhưng đã tròn chục năm đi xây giấc mơ về cà phê rang xay nguyên chất.

Lê Văn Lương theo đuổi giấc mơ cà phê sạch gần 10 năm qua. Ảnh: T.C
Lê Văn Lương theo đuổi giấc mơ cà phê sạch gần 10 năm qua. Ảnh: T.C



Sấp ngửa cùng cà phê

Cuộc cà kê của chúng tôi bắt đầu bên ly cà phê. Gạch nối từ ly cà phê rang đậu nành đến chiếc kệ gỗ nêm kín mẫu mã các loại sản phẩm cà phê nguyên chất là mười mấy năm trôi qua như chớp mắt với chàng trai sinh ra ở miệt cát Thuận An (Duy Nghĩa).

Qua lời Lương, chúng tôi mường tượng lại khung cảnh anh một mình khăn gói lên cao nguyên khảo sát vùng nguyên liệu, cập nhật quy trình rang cà phê nguyên chất. Rồi những trưa nóng hầm hập chàng trai nhỏ thó cọc cạch trên con xe cà tàng đèo theo chiếc máy rang cà phê lên đò qua Hội An nhẫn nại len lỏi từng quán xá xin cắm điện để chào mời sản phẩm cà phê nguyên chất.

“Dân mình hay có tính “nước đôi” trong sử dụng sản phẩm. Chê thì chê cà phê rang đậu nành hoặc tẩm ướp đó nhưng uống vẫn cứ uống vì thích cái vị đăng đắng đến cuống họng. Còn khái niệm uống cà phê nguyên chất cách đây non chục năm vẫn còn là thứ gì đó xa lạ, không dễ gì để họ thay đổi được thói quen” - Lê Văn Lương vừa kể vừa chỉ về chiếc bàn phía xa nơi mấy người đàn ông trung niên một thời trung thành với cà phê phin đang cà kê bên ly cà phê rang nguyên chất.

Thời đó, ngay ở “vựa” cà phê bát ngát trên cao nguyên cũng chưa nở rộ việc sản xuất cà phê rang xay nguyên chất. Theo con đường cà phê nguyên chất, trước mắt thấy giá cả tăng lên, khẩu vị thì quay ngoắt 180 độ chưa biết có thuyết phục được khách hay không. Khó tiền bạc đã đành lại thêm nội bộ lừng khừng nhưng rồi Lương cũng quyết định bỏ ngang, nói không với cà phê tẩm ướp vào năm 2015, đến độ một số “bạn hàng” lâu năm cũng sốc.

Đến giờ, con đường này có thành công hay không thì Lương và các cộng sự cũng chưa chắc lắm. Chỉ biết là vẫn đang đi đúng tinh thần của thương hiệu “Cavalry” - “Solutions” nghĩa là kỵ sĩ đi tiên phong trong các giải pháp mà họ đã chọn.

Cà phê lắm khi như một món chơi tao nhã, không có loại thượng hạng cố định mà phụ thuộc vào “gu” của từng thị trường. Nội địa, quốc tế chia ra năm, bảy trường phái thưởng thức.

Chúng tôi nhớ ông Nguyễn Ngọc - hướng dẫn viên tour Vespa Adventure chia sẻ: “Việc biết được quán cà phê Cavalry và đưa khách đến đây của đơn vị cũng khá tình cờ. Nhiều khách tới họ mua về nước rồi đều có nhắn email phản hồi là ngon và khác biệt, cảm nhận được chút gì đó hương vị Việt Nam”.

Khen là khoái rồi nhưng Lương cũng rất thận trọng: “Người nước ngoài họ có tính hay khen nhưng mà mình phải tỉnh táo để biết ngon chỗ nào, chưa được chỗ nào. Ngoài xây dựng câu chuyện thì phải bắt đúng cái gu của từng thị trường khách mới mong thâm nhập nước họ được”.

Đưa cà phê vào tour và vượt biển

Nhấm nháp ngụm cà phê, Lương kể đời làm cà phê của mình đến chừ có 3 lần sướng không quên được: “Năm 2009 lần đầu mở quán, lụp xụp thôi nhưng khách luôn chộn rộn, hồi đó mới 20 tuổi thu tiền mỗi ly cà phê 3 nghìn đồng mà tay cứ run run.

Đến năm 2015, lần đầu tiên trong đời có một khách hàng chịu chốt 10kg cà phê rang xay nguyên chất do mình tự làm mọi công đoạn, mừng rớt nước mắt. Còn lần mới nhất là cuối năm 2021, đưa được 400kg cà phê qua tới tay đối tác ở New Zealand vừa hồi hộp vừa sướng rơn không biết tả sao”.

Nhẩm ra mỗi cột mốt với Lương cách nhau đúng 6 năm, hình như cuộc làm cà phê với chàng trai này không chỉ là nghề mà đã thành nghiệp.


 

Du khách trải nghiệm sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất của Cavalry thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ảnh: T.C
Du khách trải nghiệm sản phẩm cà phê rang xay nguyên chất của Cavalry thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ảnh: T.C


Duyên cớ đưa cà phê của Cavalry sang New Zealand một phần nhờ… Hội An. Dạo chưa dịch bệnh, Cavalry là điểm dừng chân trong hành trình trải nghiệm văn hóa trên cung đường Cẩm Kim - Duy Vinh - Duy Nghĩa - Cẩm Thanh. Và cũng một phần nhờ có Cavalry mà các làng nghề truyền thống khu vực này lúc đó chộn rộn hẳn lên vì có khách du lịch.

Có vị khách New Zealand sang làm việc tại Hội An ít lâu, vài lần lọ mọ sang bên kia sông Thu ghé vào quán trải nghiệm, thấy hợp khẩu vị lại gặp đận dịch giã công việc khó khăn nên “chốt đơn” trước khi quay về nước luôn.

Du lịch cũng đưa đến một lời khuyên giá trị với ông chủ trẻ “Cứ làm tốt đi một ngày đối tác họ tự tìm tới để đưa hàng đi xuất khẩu”. Ở thời hoàng kim du lịch Hội An (khoảng 2017 - 2019), lượng tiêu thụ sản phẩm của Cavalry từ du lịch chiếm xấp xỉ 50%.

Lương tếu táo: “Nghĩ lại cũng may sản phẩm mình thâm nhập thị trường du lịch tương đối muộn. Nên hai năm dịch vừa rồi vẫn còn một số phân khúc thị trường thương mại khác mình gây dựng trước đó để cầm cự chứ gắn hẳn vô du lịch thì chắc là bể hết rồi”.

Thực ra, chuyện cà phê Việt đi ra thế giới chẳng mới mẻ gì, nhưng một doanh nghiệp khởi nghiệp ở “vùng lõm” nguyên liệu như Quảng Nam đưa sản phẩm cà phê nguyên chất “đặt chân” đến được châu Đại Dương là điều đáng nể. Để đi đường chính ngạch vào được nước bạn, Cavalry phải đáp ứng đầy đủ quy chuẩn kiểm định khắt khe. Trước mắt chúng tôi là xấp giấy tờ, thủ tục để đưa cà phê vượt biển đến nước bạn. Liếc sơ thì có loại giấy chứng nhận phải mất 2 năm từ ngày nộp mới được cấp.

Lương bộc bạch: “Đợi có đơn hàng mới cuống cuồng đi hoàn tất các thủ tục là không bao giờ kịp đâu, tuột cơ hội hết. Mình cũng bị rồi chớ. Năm 2018, có resort 5 sao ở Hội An đặt vấn đề hợp tác với Cavalry mà lúc đó mình chưa thành lập công ty, chưa có hóa đơn chứng từ chi hết, biết là sản phẩm tốt đó nhưng ai mà dám hợp tác với mình”.

Từ ngụm cà phê, nghĩ về nông sản

Tháng Tư. Trời đất xoay vần. Mấy ngàn héc-ta lương thực, nông sản của nông dân hư hại trong thiên tai. Vụ mùa này coi như bể. Mà dù có mưa thuận gió hòa thì ngành nông nghiệp thỉnh thoảng lại lơi bơi trong các cuộc “giải cứu”.

Tại một hội thảo về phát triển sản phẩm làng nghề Quảng Nam, bà Hamada Haruko - Viện trưởng kiêm Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển sản phẩm Nhật Bản M&D nói: “Để nâng cao giá trị sản phẩm nông - lâm nghiệp thì phải tìm cách tận dụng, chế biến sâu mọi bộ phận thành mỹ phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, dược liệu… Ở Quảng Nam nhiều loại nông - lâm sản hoàn toàn có thể làm được điều này như cây sâm, cây dâu”.


 

Niềm vui đến với Cavalry khi cuối năm 2021 có lô hàng nhỏ xuất khẩu ra nước ngoài.
Niềm vui đến với Cavalry khi cuối năm 2021 có lô hàng nhỏ xuất khẩu ra nước ngoài.


Đây không là lý thuyết suông, một thời người Nhật đã giúp Hội An nghiên cứu chế biến các loại bánh từ rau Trà Quế rất ngon và thú vị nhưng sau khi đề tài hỗ trợ nghiên cứu dừng lại thì loại bánh trên cũng trôi vào dĩ vãng mà không có hướng thương mại hóa.

So cà phê - một thương hiệu nông sản quốc gia với nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh tính ra là câu chuyện khá khập khiễng. Nhưng nếu mãi giậm chân thì không bao giờ thoát khỏi “ao làng” được.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: “Nông sản Quảng Nam hiện xuất khẩu chủ yếu theo đường ủy thác và tiểu ngạch. Do đó quan tâm hiện nay của ngành là thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết, công nghệ cao, chuyển đổi số và kết nối doanh nghiệp chế biến sâu”.

Quay lại câu chuyện của Cavalry cho thấy sản phẩm bản địa đang là xu thế. Hóa ra thắc mắc của chúng tôi cũng là dấu hỏi của hầu hết du khách khi ghé Cavalry: “Cà phê ở tận cao nguyên làm sao có thể chủ động, giám sát được nguồn nguyên liệu?”.

Lương thủng thẳng: “Quan trọng là cách làm với nông hộ. Mình đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho 12ha cà phê giống thuần chủng TR4, năng suất không cao lắm nhưng chất lượng đảm bảo. Trong cam kết khi thu hoạch là chỉ hái trái chín, thành ra phải hái vét đến 3 - 4 đợt, tất nhiên là giá thu mua phải nhỉnh hơn. Hạt cà phê thành phẩm khi rang ra, xay uống cảm nhận vị là biết liền họ hái, phơi có đúng quy trình không”.

 

*
*            *



12ha giữa bao la vùng nông sản nước ta thì nhỏ bé như hạt cát trong la liệt đụn cát làng Thuận An vậy. Có điều trên cánh đồng đó chất chứa một lối đi bền với nhiều suy nghĩ lớn. Nương được vào du lịch là điểm cộng, còn gắn hẳn thì cũng khá bấp bênh.

“Chìa khóa” ở đây vẫn xoay quanh việc lưu trữ và chế biến sâu. Đến khoai lang mới đây còn được một cô gái trẻ ở Bình Định chế xuất thành rượu vang thì không gì là không thể. Và mọi ý tưởng, có lẽ sẽ mới mẻ và sáng tạo hơn khi bắt đầu cùng… một tách cà phê của Cavalry.

Theo QUỐC TUẤN - TẤN CHÂU (QNO)

https://baoquangnam.vn/phong-su-ky-su/ca-phe-tren-cat-125727.html

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.