Buồn vui chuyện họp lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khóa 3 (1981-1984) trường huyện chúng tôi vừa tổ chức họp lớp sau 40 năm tốt nghiệp cấp III. Chớp mắt đã 40 năm, biết bao cảm xúc buồn vui trong ngày thầy cô, bạn bè gặp mặt.

Chớp mắt đã 40 năm

Lúc kỷ niệm 35 năm ra trường, tôi và một số bạn công tác, sinh sống ở Tây Nguyên như Đức, Sử, Lan, Nghị, Hồng, Lan… sắp xếp về dự. Lần đó, hội khóa tập hợp 40 người. Lần này thì đông hơn với gần 60 người. Những cái ôm, những cái tay nắm chặt, những ánh mắt ngời sáng.

Vợ chồng thầy Bộ-Hiệu trưởng; các thầy cô như cô Vân dạy Địa, cô Thảo dạy Toán, thầy Hiền dạy Thể dục, cô Nguyệt, cô Lý dạy Văn… cũng sắp xếp công việc về chung vui với lớp. Bồi hồi nhớ thầy Sơn dạy Văn, nay không còn. Sự có mặt của cô Nguyệt, vợ thầy, khiến ai cũng bất ngờ, thương nhớ. Thầy Ất, thầy Bản, thầy Hiền đều phong độ. Còn cô Thủy, cô Thảo, cô Lý, cô Bắc… nhìn trẻ hơn tuổi rất nhiều.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Tranh minh họa (nguồn internet).

Vẫn biết là quy luật, thời gian, dâu bể cuộc đời nhưng thật có lỗi khi một số thầy cô, bạn bè, phải một lúc, học trò mới nhận ra. Càng có lỗi khi không thể nhớ được tên một số bạn. Hơn 80 bạn/2 lớp nên không thể nói là nhiều. Nhưng có người lần gặp này là đúng 40 năm, hỏi làm sao không quên? Mong lắm sự tha thứ!

Lứa chúng tôi vốn sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, học hành “bữa đực bữa cái” nên tuổi học có thể giống nhau nhưng tuổi thật chênh lệch nhiều. Hầu hết nhà xa trường nên chúng tôi trọ học, lúc chỗ này, lúc chỗ kia. Một thời gian, tôi trọ cùng nhóm Nghị, Ba, Tuyên, Năng, Hồng. Có lúc tôi trọ cùng Thận, Tòng, rồi với Tòng, Quân, Thành.

Hàng tuần, chúng tôi chuẩn bị quần áo, giấy mực, sách vở, gạo mắm, cả củi đun tới nơi ở trọ sử dụng. Bạn còn nhớ lúc đó chỉ tiêu gia đình “cấp” cho mình 6 lon gạo ăn trong 1 tuần. Nhà nghèo có bạn không cả xe đạp nên lội bộ, đi nhờ xe. Đôi khi, tôi cũng lội bộ đi về mười mấy cây số. Khó khổ nhưng ít ai chùn bước, khi thi cử có thể thức thâu đêm ôn bài, khảo bài. Thầy cô, bạn bè kèm cặp, giúp nhau học tập, tiến bộ qua từng năm học cho đến lúc hoàn thành chương trình 12.

Chớp mắt đã 40 năm. Bâng khuâng ngày gặp thầy cô, trường xưa, bạn cũ, cứ như thuở nào, như bao lần họp lớp. Da diết nỗi nhớ quãng thời gian thầy trò cực khổ như nhau, vất vả trong buổi giao thời, bao cấp, tem phiếu, thiếu thốn trăm bề.

Thương học trò, thầy cô không nề hà, giúp được gì thì giúp nhưng yêu cầu học hành, kỷ luật rất nghiêm. Có thể vì thế mà sau này, lớp chúng tôi rắn rỏi, mạnh mẽ và thành công theo những cách khác nhau trên mỗi bước đường đời.

Vợ họp lớp thay chồng

Những dịp 30, 35, 40 năm kỷ niệm ngày ra trường, ban liên lạc khóa chúng tôi thường chuẩn bị nhiều tháng để mời thầy cô, bạn bè về hội khóa cho thật đông vui. Còn hàng năm, các bạn ở quê vẫn duy trì tổ chức, khi thị trấn, khi xã này, khi xã khác hay huyện lân cận, có khi ở Quy Nhơn. Có lẽ vì vậy mà các bạn lưu giữ nhiều kỷ niệm, hình ảnh bạn bè, trong khi ở xa chúng tôi không có may mắn.

Sau buổi họp lớp mới đây, nhóm bạn Zalo xuất hiện nhiều hình ảnh thật không ngờ của Vinh, vợ người bạn xấu số Đặng Văn Du. Lần gặp này, ngoài vợ Du còn có Luận-vợ bạn Trần Thành. Du bệnh nặng không qua khỏi, Trần Thành thì bị tai nạn giao thông.

Vinh chuyển lên nhóm Zalo loạt ảnh ố vàng, cũ kỹ, trong đó có Du và một số bạn. “Ảnh cũ quá nên nhìn không rõ”. “Hồi đó, anh Du có máy chụp hình nên bây giờ mới còn mấy tấm hình đó các anh chị”. “Cách đây tầm 20 năm”. “Các anh có nhớ các anh chị đây không, chứ em không nhớ”…

Huỳnh Quốc hình như nghĩ lung lắm trước khi ngớ ra, đó là ảnh chụp hồi nhóm bạn dưới quê họp lớp, đi chơi ở sông Yố. Tôi thì thấy tim mình như bị bóp nghẹt. Thương bạn bệnh ngặt nghèo không qua khỏi, càng thương Vinh bao năm vượt qua biết bao cực khổ, hết lòng vì chồng con, giữ liên hệ và gần gũi với bạn bè của chồng.

Tối ngày họp lớp, Vinh đã có mặt sau khi vượt quãng đường xa mười mấy cây số bằng xe máy. Tươi tắn, đôn hậu, Vinh đi khắp bàn chúc mừng thầy cô, bạn bè của chồng. Vợ chồng Du-Vinh có 2 cháu, đều đang học tập, làm việc ở TP. Hồ Chí Minh.

Tạ Thành thông tin với tôi: Vinh sống ở quê, làm rẫy, trồng bạch đàn, chăn nuôi, cuộc sống không đến nỗi nào. Điều đặc biệt là sự nhiệt tình, năm nào họp lớp Vinh cũng có mặt, đều đặn thay chồng, không quên liên hệ với Luận và vợ các bạn đã mất khác, cùng dự. Những lần như thế, tàn tiệc, Thọ, Lợi, Hòa đưa Vinh về cùng. Các con của Thành-Luận cũng đều khôn lớn, phương trưởng. Luận trước công tác ở trạm y tế, nay tham gia hội, đoàn thể của thôn. Cuộc sống của Luận và các con hiện đều khá ổn.

Hình ảnh Vinh, Luận để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Thương quý, cảm động và biết ơn các em nhiều lắm khi bao lần thay chồng đến dự họp lớp. Sự hiện diện của các em chính là sự nhắc nhở chúng tôi không được quên công ơn thầy cô, hình ảnh và tình cảm bạn bè.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

Trao gửi yêu thương đến trẻ em ở làng tái định cư

(GLO)- Hàng trăm người dân và trẻ em ở xã Ia Phí (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã nhận được nhận những phần quà ý nghĩa tại chương trình “Áo ấm cho em” do Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai, Ban Thanh niên Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh trao tặng trong ngày 4-12 vừa qua.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Quy định không được chơi game quá 180 phút/ngày: Chủ quán Internet công cộng và giới trẻ Gia Lai nghĩ gì?

Quy định không được chơi game quá 180 phút/ngày: Chủ quán Internet công cộng và giới trẻ Gia Lai nghĩ gì?

(GLO)- Vào tháng 12 sắp tới, Chính phủ sẽ chính thức áp dụng nghị định về quản lý dịch vụ Internet và thông tin mạng trên toàn quốc. Tại Gia Lai, quyết định này được dự đoán sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến các quán Internet công cộng cũng như thói quen giải trí của giới trẻ.