Bước qua hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, kinh tế ổn định là niềm vui đang hiện hữu trong nhiều gia đình Jrai tại xã Dun (huyện Chư Sê, Gia Lai). Có được kết quả ấy là nhờ họ đã vượt qua hủ tục, kiên quyết nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cùng chị Nguyễn Thị Gái-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Dun tới thăm gia đình chị Rah Lan Thít (làng Queng Mép) vào một sáng mưa dầm lạnh lẽo, chúng tôi cũng vui lây bởi không khí ấm áp, rộn tiếng cười đùa. Trong ngôi nhà xây nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, chị Thít cùng chồng và con gái 5 tuổi đang chuẩn bị cho sự chào đời của một thành viên nữa trong gia đình. Sự buồn bã, lo lắng về những ngày thiếu ăn trong mùa mưa kéo dài ở Tây Nguyên không có cơ hội len lỏi vào gia đình này. Khi được hỏi về bí quyết tạo dựng đời sống gia đình hạnh phúc, chị Thít khẳng định: “Có nhiều yếu tố lắm nhưng với mình, đầu tiên là nói không với tảo hôn”. Lập gia đình năm 23 tuổi, trước đó, chị đã nhất quyết từ chối 2 cuộc hôn nhân do người làng mai mối. “Đó là năm mình 14 và 17 tuổi. Người trong làng đến nhà mai mối rồi người nhà ép bắt chồng nhưng mình không chịu. Mình bảo tuổi mình còn nhỏ lắm, với lại cũng muốn đợi lấy được người mình yêu thương. Ngày ấy, thấy các bạn cùng tuổi lấy chồng sớm, sinh con sớm, vất vả, mình sợ lắm”-chị Thít kể lại.
 Chị Thít (bìa phải) và chị Bring trao đổi về cách tuyên truyền, vận động nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: N.G
Chị Thít (bìa phải) và chị Bring trao đổi về cách tuyên truyền, vận động nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: N.G

Bà Rah Lan H'Thanh-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Sê: “2 năm nay, xã Dun là một trong những đơn vị làm tốt công tác xóa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội chung tại địa phương. Xã Dun cũng là đơn vị thường xuyên được chúng tôi giới thiệu, nhân rộng mô hình CLB “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.


Can đảm chống lại hủ tục tồn tại bao đời nay đã giúp chị Thít có một cuộc sống dẫu chưa giàu có nhưng đầm ấm và hạnh phúc. Không chỉ vun vén hạnh phúc gia đình, chị Thít còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong làng trên cương vị là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” của làng Queng Mép. Những ngày mưa gió, trong khi chồng đi chăn đàn dê và thăm ruộng lúa thì chị tranh thủ đến từng nhà nói chuyện về những hoàn cảnh rơi vào khốn khó do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mưa dầm thấm lâu, nhờ sự kiên trì, nhiệt tâm của chị, 2 năm nay, làng Queng Mép không còn trường hợp nào vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” của làng đã thu hút được 25 chị em tham gia và trở thành những tuyên truyền viên nhiệt tình.
Lấy chồng từ năm 14 tuổi, chị Rah Lan Bring (cùng làng Queng Mép) có 4 người con và trở thành bà ngoại khi mới... 34 tuổi. Nếm trải cuộc sống gia đình quá khó khăn khi lấy chồng sớm, sinh con sớm, sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề, chị Bring hiểu hơn ai hết nỗi thống khổ của nạn tảo hôn. Giờ đây, chị “sửa sai” bằng cách tham gia CLB “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” với vai trò của một tuyên truyền viên. Những người đầu tiên chị tuyên truyền, vận động chính là 4 người con. Chị thường xuyên nói với các con về những hậu quả của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, khi cô con gái đầu lòng tròn 15 tuổi, chị đã không ít lần kiên quyết từ chối các cuộc mai mối của người làng. Và thành công trong công tác tuyên truyền của chị là việc con gái đầu lấy chồng khi đã bước qua tuổi 20. Chị Bring chia sẻ: “Nếu nó lặp lại cái sai của mình là lấy chồng sớm, sinh con sớm, không có gì ăn, không biết chăm con rồi có khi còn vợ chồng bỏ nhau thì mình lại khổ nữa. Giờ con cái nó hiểu biết hơn nên mình thấy hạnh phúc lắm”.
Những điển hình như gia đình chị Thít, chị Bring ở làng Queng Mép đang được nhân rộng ra các làng dân tộc thiểu số ở xã Dun. Bằng cách vận động mỗi thành viên của CLB “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trở thành một tuyên truyền viên tích cực, Hội LHPN xã Dun đã xây dựng thành công mô hình tại làng Queng Mép và làng Pan với 55 thành viên. Tại làng Pan, nhờ CLB hoạt động hiệu quả, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang có chiều hướng giảm mạnh. Chị Rah Lan Vân-Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” làng Pan-cho biết: “Khi chưa có CLB, làng Pan là một trong những điểm nóng của nạn tảo hôn. Thế nhưng, 2 năm nay, nhờ các thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nên hủ tục đã giảm đáng kể. Từ đầu năm 2018 đến nay, làng Pan đã xóa được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội LHPN xã Dun cho biết thêm: “Trong năm tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình CLB này tới các làng dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nhằm tiến tới việc xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ về hôn nhân đúng pháp luật, tạo tiền đề xây dựng gia đình hạnh phúc”.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.