Bỏ việc ngân hàng đi khởi nghiệp vì "sợ đời buồn tẻ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
4 năm trước, khi rời vùng an toàn - một công việc ổn định ở ngân hàng, Nguyễn Trường Giang tình cờ biết xếp hình tangram và bị cuốn vào nó.
Không phải là sau vài năm làm ngân hàng thấy không phù hợp mà Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1979) nghỉ việc như bao bạn trẻ. Anh cho biết đã gắn bó ngân hàng 15 năm với vai trò nhân viên tín dụng. Nhiều năm trong nghề, anh nói rằng công việc không có gì áp lực, quá quen thuộc và đều đặn.
"Làm một công việc đã lâu nhưng càng ngày tôi cảm thấy như đó là một cách kiếm tiền miễn cưỡng mà mình không đam mê. Tôi muốn có việc gì đó thử thách, mới mẻ và khó khăn hơn một chút", anh nói đó là lúc thấy mình như con cá trong ao thật sự muốn bơi ra một môi trường biển rộng lớn hơn.
Ngày nghỉ việc, vợ Giang không phản đối. Anh kể, vợ còn thoải mái động viên anh thử sức khởi nghiệp. "Vợ không đặt hạn định là mình ra ngoài tự làm trong bao lâu để thử sức. Cô ấy chỉ nói khi nào tự bơi mãi mà vẫn thất bại thì cứ quay về đi xin việc gì đó làm công để có thu nhập", anh nói.
Ban đầu, Giang nghĩ tới kinh doanh bất động sản nhưng sau tự thấy việc này không khác gì đi làm ngân hàng. Rồi Giang nảy ra ý tưởng mở quán "phở sườn bò", nhưng vẫn cảm thấy không ổn vì cũng không đạt tiêu chí "làm cái chưa ai làm, hoặc là làm tốt hơn cái mà mọi người đã làm". Thế nên, Giang đi du lịch tìm ý tưởng.
Nguyễn Trường Giang, Nhà sáng lập The Small T. Ảnh nhân vật cung cấp.
Nguyễn Trường Giang, Nhà sáng lập The Small T. Ảnh nhân vật cung cấp.
Tangram 'made in Vietnam'
Trong một lần đến Nhật, khách sạn nơi Giang ở để sẵn hộp T Puzzle – một trò chơi tangram - cho khách tiêu khiển. Tình cờ chơi thử, anh cảm thấy rất thích thú và nảy ra ý định sản xuất loại trò chơi này.
Nhưng tangram không phải là điều gì mới mẻ, nếu không nói là quá cũ. Người sáng tạo ra trò xếp hình này đã sống cách đây gần 1.000 năm. Phiên bản phổ biến nhất của tangram bao gồm 7 mảnh ghép để người chơi kết hợp lại với nhau thành các hình dạng có nghĩa, mà không chồng chéo nhau.
Gần 120 năm trước, T puzzle ra mắt tangram 4 mảnh ghép đầu tiên, và đến nay chưa có tangram 4 mảnh ghép nào mới xuất hiện. Nhà toán học người Mỹ Martin Gardner, người đã góp phần chỉnh sửa bản T puzzle, từng nói "Tôi không biết có một trò lắp ráp nào vừa ít vừa khó đến như vậy". Nhưng Giang vẫn muốn làm cái gì đó khác đi cho tangram, một trò chơi hơn trăm năm không còn "tiến hoá".
Về Việt Nam, Giang kể lại ý tưởng chế tạo một tangram 4 mảnh ghép hoàn toàn mới với vợ. Không phản đối, để chồng theo đuổi nhưng cô bình luận "vô lý và điên rồ". Biết sẽ rất khó, ban đầu anh đặt mục tiêu chế tạo một bộ tangram 5 miếng.
"Suốt một thời gian dài, tôi chỉ có ăn xong là lao vào chế tạo, ngày nào cũng làm việc tới khuya. Trong thời gian đó hầu như trong đầu tôi không có gì khác ngoài tangram", anh kể lại.
Khi đã thiết kế ra tangram, chọn vật liệu cho nó cũng là câu chuyện nhiều thất bại. Ban đầu, Giang đầu tư vài trăm triệu để mua máy về làm tangram bằng arylic. Thế nhưng, khi chào hàng thì các nơi lại lắc đầu vì trông như đồ nhựa, không thân thiện. "Tôi nhận ra rằng, đồ chơi gỗ mới gây được nhiều cảm xúc hơn bởi tính mộc, gần gũi thiên nhiên và phụ huynh thấy an toàn cho con", Giang nói.
Đến khi làm một hộp đựng tangram bằng gỗ MDF theo phong cách cổ điển với móc khoá, thành phẩm rất đẹp nhưng lại không bền. Các gia đình có con nhỏ dùng vài lần thì rất dễ hỏng do rơi vỡ. Cuối cùng, anh phải nhờ chuyên gia về thiết kế tại Singapore và Nhật Bản để hoàn thiện phần vỏ hộp với độ đền và thẩm mỹ như hiện tại. Còn chiếc máy sản xuất tangram arylic anh phải bán lại với mức giá "phế liệu".
Khi T1-  phiên bản đầu tiên của tangram 5 miếng - chế tạo thành công, thì bộ chỉ ghép được 24 hình và triết lý chế tạo còn rất sơ khai. Anh sản xuất thử 100 hộp vừa bán vừa tặng và hết sạch trong 2 ngày. Anh nói rằng không ngờ phản ứng của khách hàng lại tích cực như vậy. "Nhưng hàng xóm vẫn hoài nghi và dè bỉu một ông ngân hàng nghỉ việc ngồi nhà làm đồ chơi để vợ ngày ngày đi làm", Giang kể.
Cuộc chơi 'hack não'
Tangram vốn là một trò thử thách tư duy và sự kiên nhẫn của người chơi, gọi nôm na là một thể loại đồ chơi xếp hình "hack não". Tuy nhiên, để nó ra đời thì người sáng tạo phải bị "hack não" trước. Sau T1, Giang nhắm đến mục tiêu xô đổ kỷ lục 120 năm chưa có tangram 4 mảnh ghép nào mới mà anh thừa nhận là "vô cùng gian nan và khó khăn" đến độ ngồi ăn cũng nghĩ đến các thiết kế hình học.
Để vượt qua được những lúc giải mãi không ra bài toán thiết kế, Giang nói chỉ bám vào 3 từ khóa của bản thân "đam mê - nhiệt huyết - chăm chỉ".
Tangram của Nguyễn Trường Giang sản xuất bằng gỗ. Ảnh: The Small T
Tangram của Nguyễn Trường Giang sản xuất bằng gỗ. Ảnh: The Small T
Cuối cùng T3 cũng ra đời, nhưng không đủ khó và độ biến hóa không cao nên vẫn phải nghiền ngẫm tiếp phiên bản tangram 4 mảnh khó hơn. Mục tiêu của T4 là "key" được ẩn giấu tốt nhất để thách thức người chơi ở mức cao nhất. Sau nhiều lần thất bại, T4 cũng hoàn thành. Đây cũng là lúc Giang hoàn thiện triết lý về chế tạo tangram. Anh quay lại nâng cấp T1 từ 24 hình lên thành 48 hình.
Chế tạo xong T4, Giang đặt mục tiêu cao hơn nhiều, chế tạo tangram chỉ có 3 miếng mà theo anh là đầu tiên trên thế giới. Đến khi lao vào làm, anh thừa nhận phiên bản 3 miếng (tên T2) tốn nhiều sức lực nhất nhưng cũng xứng đáng. Nhiều người sốc khi cầm trên tay phiên bản này. "Tôi mang T2 mời một số bạn bè chơi thử. Quả thật, họ vô cùng bối rối khi đối diện với tangram chỉ có 3 miếng", anh kể.
Giang nói rằng, hầu hết thiết kế tangram cổ điển đều vẽ một lưới với các ô vuông đều nhau, sau đó các đỉnh mảnh ghép được thiết kế nằm trên các giao điểm của mắt lưới. Trong khi đó, tangram của anh có một số đỉnh không nằm trên giao điểm của mắt lưới và chính thiết kế này đã giúp sản phẩm phá vỡ được giới hạn về số mảnh ghép đã tồn tại suốt 120 năm qua.
Giang thừa nhận không đủ khả năng thêm một bộ tangram 4 mảnh khó hơn hai bộ trước. Do đó, anh đã phát hành phiên bản T5 với 5 mảnh có độ khó hơn bộ T5 hiện tại vào cuối năm ngoái.
Bài toán kinh doanh
Nhưng startup thành công thì không chỉ nhờ sản phẩm sáng tạo mà còn rất nhiều khâu khác cùng vận hành. Giang chọn con đường giữ bản quyền thiết kế và đặt gia công sản xuất sản phẩm. Theo anh, đây cũng là cách mà các công ty công nghệ hiện đại đang làm.
"Với định hướng gia công sản xuất, chúng tôi không có bất kỳ cửa hàng vật lý nào, không có nhà máy riêng nên tự tin vượt qua khủng hoảng Covid 19 vừa rồi", Giang cho biết. Hiện nay, sản phẩm của anh chỉ bán trên các kênh trực tuyến qua website công ty, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Gần đây, The Small T - tên thương hiệu tangram của Giang -  đã cấp bản quyền cho đối tác tại Singapore gia công sản xuất tại Việt Nam. Anh cho biết, tổng cộng 4.500 hộp sản phẩm đã xuất khẩu qua Singapore.
Hiện nay, đối tác này đã bắt đầu xuất bán sản phẩm đi các nước như New Zealand, Mỹ, Australia, Nhật Bản và Pháp...Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng đang được tiến hành tại các thị trường này.
"Phiên bản T puzzle của Nhật đã bán được hơn 4 triệu hộp. Theo tôi tự đánh giá thì The Small T hay hơn phiên bản T puzzle khá nhiều và The Small T có 5 hộp tổng cộng nên doanh số mong đợi là 20 triệu hộp trên toàn thế giới", anh lạc quan.
Đồ chơi xếp hình "hack não" của Giang nhắm đến phân khúc khách hàng chủ yếu là trẻ em trên 7 tuổi và người lớn nhưng anh cho biết, thực tế người lớn chơi nhiều hơn. Giang tin mình có ngách riêng để phát triển, kể cả phải cạnh tranh chung với các dòng đồ chơi bằng gỗ khi tangram của anh cũng bằng gỗ.
"Trên thị trường rất hiếm các sản phẩm vừa đơn giản, có tính giáo dục, vừa thân thiện môi trường nên chúng tôi hoàn toàn có cơ hội để chiếm được một phần của miếng bánh ở thị trường đồ chơi giáo dục", Giang phân tích.
Sau khi hoàn thiện và bán ra 5 bộ tangram, Giang đang ấp ủ ý tưởng sản xuất một loại trò chơi đối kháng hai người khác, tương tự như các môn cờ vua, cờ tướng nhưng gia tăng thêm khả năng may rủi khi đối kháng. "Đây là ý tưởng mới hoàn toàn chứ không phải phát triển dựa trên một loại đồ chơi sẵn có như tangram trước đây. Tôi dự định cần 10 năm để nghiên cứu và hoàn thiện", anh nói.
Giang cũng hy vọng tangram có thể nuôi được anh trong một thập niên nữa để có thể yên tâm nghiên cứu tiếp đam mê. "Vấn đề ở chỗ là bảo vệ được bản quyền của mình", anh giải thích.
Tuy nhiên, Giang thừa nhận, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Động lực để cải tiến sản phẩm với anh, không chỉ là từ khách hàng mà còn chính từ vợ. "Khi tôi nghỉ việc vợ không phản đối. Khi tôi mua máy móc để chế tạo các tangram bằng acrylic cô ấy cũng không phản đối. Đến khi tôi phải thanh lý toàn bộ máy móc vợ cũng không cằn nhằn... và vẫn tin tôi có thể thành công", Giang nói.
Vợ Giang hiện vẫn đi làm hàng ngày. Anh cho biết, vợ giờ đã an tâm và hài lòng vì thành công được vượt mong đợi của gia đình. Thành công - với anh là làm được cái gì đó kiếm tiền nhưng thách thức và góp được vào tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Còn khi hỏi thành công theo định lượng thì thế nào, anh nói "thu nhập đâu đó hàng tháng cũng gấp 5 lần hồi làm ngân hàng".
Đến bây giờ, khi nhìn lại, Nguyễn Trường Giang vẫn cho rằng, nghỉ việc ngân hàng và lấn sân vào cuộc chơi "hack não" này, với anh là "điều gì đến cũng phải đến".
Theo Viễn Thông (VnExpress/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.