Bỏ phố về quê, nàng Mây khiến nhiều người ao ước với vườn cây trái sum suê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bắp cải, su hào, cà rốt tươi non mơn mởn; ổi, xoài, vải… mùa nào thức ấy sai trĩu. Nhìn vườn cây trái của Nàng Mây - cô gái quyết định bỏ phố về quê - ai cũng ước ao.

Cam, cà rốt tươi ngon từ vườn nhà Mây - Ảnh Nàng Mây
Cam, cà rốt tươi ngon từ vườn nhà Mây - Ảnh Nàng Mây


Nàng Mây tên thật là Kiều Thị Hồng Vân, 32 tuổi, từng sống ở TP.HCM hơn 10 năm. Làm trong ngành du lịch, vi vu ở nhiều quốc gia khác nhau và “check in” tại không ít nơi siêu đẹp trên thế giới, nhưng dần dần, tiếng gọi thiên nhiên, muốn gắn bó gần hơn với thiên nhiên trong Mây lớn hơn. Đầu năm 2021, cô quyết định bỏ hẳn phố về quê, làm nông nghiệp sạch trong khu vườn cây trái rộng hơn 1 hecta của gia đình mình ở xã Cư Klông, H.Krông Năng , Đắk Lắk.

Xuân trồng rau, thu hái nấm

Mây chia sẻ, như nhiều khu vườn ở Đắk Lắk - thủ phủ cà phê lớn nhất Việt Nam - thì trong khu vườn của gia đình cô, cây thu nhập chủ yếu vẫn là tiêu và cà phê. Còn lại, khoảng 5.000 mét vuông, mọi người trồng đủ loại trái cây, rau, khi ăn dư thì bán. Trái cây có mít, xoài, ổi, nhãn, vải, hồng, bơ, sầu riêng, chuối, khế, mận...

 

 
 
 
 
 
 
 Mây và cây trái trong vườn- Ảnh NVCC
Mây và cây trái trong vườn- Ảnh NVCC



Rau thì mùa nào thức đó, thu đông có xúp lơ (bông cải), su hào, cải bắp, cà rốt, cải thảo... Mùa xuân hè thì trồng chủ yếu các trái như dưa leo, bầu, bí, mướp... Vào khoảng tháng 4, 5, 7 thì cả nhà trồng rau muống, rau ăn lá các loại. Mùa mưa xuống thì lại đi hái nấm rừng, bẻ măng.
“Tôi mê cây cối từ bé, hỏi vì sao mê thì chẳng biết luôn, nhưng mà cứ thấy cây nảy chồi non mơn mởn là lại thích. Tôi nói chuyện với cây suốt. Sáng nào cũng ra vườn hỏi thăm. Thấy trái cà chua đậu sai quá tôi cũng cảm ơn cây mẹ. Thấy hoa ra nụ tôi cũng cảm ơn. Khi bón phân tôi cũng dặn bảo cây là ăn cho chóng lớn ra hoa ra trái cho chị nha”, Mây kể.


 

Mây những ngày rong ruổi ở nước ngoài...
Mây những ngày rong ruổi ở nước ngoài...
 Mây ở TP.HCM...
Mây ở TP.HCM...
và Mây ở Đắk Lắk, làm nông nghiệp sạch - Ảnh NVCC
và Mây ở Đắk Lắk, làm nông nghiệp sạch - Ảnh NVCC
 


 

Thực ra, trước đây khi sống và làm việc tại thành phố, Mây vẫn thường xuyên đi lại giữa Đắk Lắk và TP.HCM để chuẩn bị kỹ cho hành trình bỏ phố về quê. Cô nói vui, trước khi đưa "cả hai chân về quê" thì đã có một thời gian "bước một chân về quê trước". Cô mua 1 hecta đất, lên các phương án làm nông nghiệp sạch ở quê và bắt tay làm dần. Tổng số vốn Mây đầu tư cho việc về quê làm trang trại của mình (tính cả tiền mua đất) khoảng 2 tỉ đồng.

Nông sản sạch ở quê, cả gà, cá hay trứng gà, mật ong, khoai, trái cây, Mây đều bán trên trang cá nhân của mình. Cô có cách làm sáng tạo, thông minh khi thiết kế túi xách thân thiện với môi trường, gói bằng lá chuối, chia rau củ đủ loại trong một bịch lớn, đủ để một gia đình ăn trong tuần rồi giao rau củ về tận nhà cho khách ở cả TP.HCM. Mây chia sẻ, cô dần dần tìm hiểu cách sống và làm việc ở quê, để khi chính thức bỏ phố về quê sẽ sớm hòa nhập, bớt rủi ro.

“Khi về vườn, tôi đã phải tính rất kỹ, tính rất xa. Nếu ngay lập tức mình nổi hứng lên đòi bỏ phố về quê là chết đói luôn, rồi thay đổi môi trường sống, thu nhập… mọi thứ có thể khiến mình bị sốc”, nàng Mây thành thật.

"Khi tôi về quê, khu vườn bắt đầu được quy hoạch gọn gàng hơn, khu nào ra khu đó. Và cỏ với cây sống chan hoà với nhau hơn. Trước khi tôi về, mẹ tôi ghét cỏ lắm, mẹ coi cỏ như kẻ thù, trong vườn không một cọng cỏ, cứ thấy cỏ là bà thấy "ngứa mắt", Mây kể vui.

Nhưng theo Mây, thật ra cỏ cũng có lợi, có những loại cỏ đuổi côn trùng, có những loại cỏ sẽ giữ ẩm đất. "Khi đêm sương xuống, đọng trên lá cỏ rất nhiều, sáng hôm sau rớt xuống đất, rau của mình được hưởng chứ ai đâu. Miễn là đừng để cỏ um tùm là được. Rồi tôi hướng dẫn mọi người trong gia đình tôi những kỹ thuật làm đất sạch, cách trồng để cây có sức đề kháng tốt ngay từ đầu mà tôi đã được học hỏi ở các vùng nông thôn nhiều nơi trên thế giới.

Tôi đi làm gì cũng có kế hoạch quen rồi nên nhanh lắm. Ngày mai định làm gì là tối nay đã lên danh sách rồi phân chia việc. Bởi vậy nên làm vườn khá hiệu quả mà đỡ mất thời gian hơn mẹ tôi ngày trước, cũng không cần thuê thêm người làm trong thời gian ngày thường", cô gái kể.

Mẹ nhất định không tin

Sau 14 năm gắn bó ở TP.HCM, Mây quyết định về hẳn quê, bỏ phố, để làm nông nghiệp sạch. Người đến giờ vẫn cứ không tin Mây quyết định bỏ phố luôn để về quê làm việc, đó là mẹ của cô. Mẹ luôn nói Mây đang được đi vi vu khắp nơi, cuộc sống ở TP.HCM sung sướng đủ đầy tiện nghi như thế không thích, lại về quê làm việc cực nhọc. Từ cuốc đất, trồng cây, từ tuốt cà phê… mọi thứ Mây đều đã làm bằng chính đôi tay mình. Cách duy nhất, cô thuyết phục mẹ đó là mở bản đồ ô nhiễm không khí ở thành phố cho mẹ xem.

 

 
 
 
 
 Nông sản vườn nhà vừa ngon vừa sạch- Ảnh Nàng Mây
Nông sản vườn nhà vừa ngon vừa sạch- Ảnh Nàng Mây


“Sau một năm thiên tai bão lũ kinh hoàng, kèm đại dịch Covid-19 toàn cầu chưa hồi kết, tôi thấy mình cần quay về với tự nhiên. Không phải tôi hèn nhát trốn tránh ô nhiễm ở thành phố, hay trốn chạy một điều gì. Tôi chỉ đơn giản muốn quay về với tự nhiên, bảo tồn những thứ trong tầm tay của mình, tạo ra một nơi có không khí trong lành nhất cho bản thân, cho gia đình, cho bạn bè và cho tất cả những ai muốn ghé thăm. Tôi cũng mong muốn sẽ làm thành công mô hình của mình, rồi vận động bà con xung quanh làm theo, bởi ở quê nhưng không phải ai cũng làm nông nghiệp sạch, mọi người vẫn còn dùng rất nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…

Tôi tạo ra một khu vườn với nhiều tầng cây khác nhau, sẽ có đủ loại cây trái tôi và bạn yêu thích, có những loại rau ngọt lành. Đặc biệt là mọi thứ sẽ thuần tự nhiên, không sử dụng bất cứ một loại phân hoá học hay thuốc bảo vệ thực vật nào. Tôi biết những năm đầu sẽ thất thu hoặc chỉ được thu số lượng rất ít. Nhưng tôi chấp nhận. Vì cái mình thu về là sức khỏe của cả gia đình mình được bảo vệ, như thế đã đủ lời to rồi”, nàng Mây bộc bạch.


 

 
 Cuộc sống ở gần thiên nhiên thật vui...
Cuộc sống ở gần thiên nhiên thật vui...
 Tận dụng chiếc ấm sứt vòi cũng được một nơi trồng sen đá - Ảnh Nàng Mây
Tận dụng chiếc ấm sứt vòi cũng được một nơi trồng sen đá - Ảnh Nàng Mây


Cô gái 32 tuổi chia sẻ, trước mắt cô sẽ làm trang trại sạch, ổn định. Sau này cô sẽ làm du lịch, trang trại sẽ mở cửa đón khách thăm quan. Cô gái có nhiều kinh nghiệm trong ngành du lịch sẽ đi hướng khác với các khu du lịch quen thuộc, trang trại của cô sẽ giản dị nhưng đầy đủ tiện nghi, ấm êm.

Bỏ phố về quê, dù khó khăn không ít, nhưng Mây có niềm tin. Mỗi ngày, Mây hạnh phúc khi đều nhận được những điều bất ngờ từ vườn cây trái, làng xóm quanh mình. Đó đơn giản là bà con láng giềng tặng nhau một chiếc kẹo lạc quà quê miền Bắc. Hay sớm tinh mơ, cô bước ra vườn bưởi, hít hà hương thơm từ cánh hoa trắng tinh khôi, hương thơm ngan ngát cứ da diết mãi. Đó là những món quà kỳ diệu mà giữa cuộc sống này, Mây đang có…

 

Theo BẢO VY (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.