Bỏ ngang con chữ để... lấy chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Ia Pa có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Điều đáng nói, tình trạng này đang gây ra nhiều hệ lụy đối với gia đình và xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em gái, làm mất đi cơ hội học tập và cản trở tương lai.

16 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà cô bé Siu H’Loa (thôn Plei Kdăm 1, xã Ia Kdăm) đã quyết bỏ học giữa chừng để làm vợ, làm mẹ. Không có kiến thức chăm sóc con nhỏ nên hầu hết những công đoạn như thay tã cho bé, tắm rửa, vệ sinh… đều do một tay chị gái của H’Loa đảm nhận. Nhà nghèo, chồng đi làm xa, không đủ điều kiện nuôi sống bản thân nên H’Loa phải sống nhờ vào người chị gái.

 

Mọi công việc chăm sóc con của em Đinh Huyn đều nhờ vào tay mẹ đẻ. Ảnh: N.L
Mọi công việc chăm sóc con của em Đinh Huyn đều nhờ vào tay mẹ đẻ. Ảnh: N.L

Cuộc sống nghèo đói, thiếu thốn trăm bề nên đứa bé sinh ra cũng không được chăm sóc tốt; trời trở lạnh nhưng H’Loa cũng không có tiền để mua một manh áo ấm mặc cho con. Thấy đứa bé ho liên tục, sốt nóng, chúng tôi hỏi sao không đưa đi khám thì H’Loa chỉ cười xòa. Siu H’Loa tâm sự: “Cuộc sống khó khăn, cha mẹ lại mất sớm nên em không được chỉ dạy nhiều. Giờ làm mẹ em cũng không biết nuôi con thế nào. Cuộc sống của em khổ lắm”.

Điều đáng buồn, Siu H’Loa không phải là trường hợp cá biệt khi bỏ học lấy chồng sớm mà trên địa bàn huyện Ia Pa còn rất nhiều trường hợp khác. Về thôn Bi Dông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa), nhắc đến chuyện em Đinh Huyn thì ai cũng biết. 13 tuổi, đang là học sinh lớp 6 Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp nhưng Huyn đã quyết định bỏ học về lấy chồng. Chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên việc mang bầu và nuôi con nhỏ đã khiến sức khỏe của Huyn bị suy giảm; đứa bé sinh ra cũng không mấy khỏe mạnh, liên tục đau ốm. Huyn chia sẻ: “Khi đi học thì em thích người đó nên em muốn bỏ học để lấy chồng. Nhưng sau khi lấy chồng em thấy rất khổ, con em cứ đau ốm miết, em thì không biết làm gì để kiếm tiền lo cho gia đình”.

Làm mẹ, làm vợ khi còn đang tuổi ăn tuổi học nên Huyn rất lóng ngóng trong việc chăm sóc con nhỏ, hầu hết tất cả mọi việc đều nhờ vào tay mẹ đẻ. “Biết là vi phạm pháp luật nhưng chúng nó cứ nhất quyết, bố mẹ cả bên vợ và bên chồng không ngăn cản được nên phải cho chúng nó cưới”-bà Đinh Pel-mẹ em Đinh Huyn kể.

Trước vấn nạn học sinh bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng sớm, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện, nhất là các trường Tiểu học và THCS, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhưng đâu đó trên các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ia Pa vẫn còn nghe những lời ru buồn của người mẹ trẻ. Thầy Nguyễn Khắc Trung-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp cho biết: “Thời gian vừa qua, nhà trường có 3 trường hợp tảo hôn, trong đó có em Huyn. Vì thế, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường luôn chú trọng tuyên truyền, giáo  dục giới tính, phổ biến Luật Hôn nhân-Gia đình cho học sinh ở lứa tuổi từ lớp 4 đến lớp 9 để các em hiểu và không vi phạm”.

Theo thống kê của Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Ia Pa, chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017 trên địa bàn huyện có tới 48 trường hợp tảo hôn, chủ yếu tập trung tại các xã: Ia Kdăm, Kim Tân, Chư Mố, Ia Ma Rơn… Do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo liệu cho cuộc sống nên hầu hết những gia đình trẻ này đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, vì vậy chuyện thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em không được đi học, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa, tinh thần... là chuyện tất yếu. Chưa kể, với suy nghĩ thiếu chín chắn, khi gặp mâu thuẫn, cãi vã, nhiều cặp vợ chồng lại vội vàng quyết định đường ai nấy đi khiến những đứa con thơ thiếu đi tình yêu thương của cha và mẹ. Ông Kpă Lan-Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Ia Pa, cho biết: “Qua thực tế ở cơ sở, có thể thấy cuộc sống của các cặp tảo hôn rất khó khăn, con cái sinh ra không được chăm sóc đầy đủ. Để hạn chế vấn nạn này, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi thái độ, hành vi về nạn tảo hôn”.

Như Loan

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.