Bộ GD-ĐT: Vì dịch bệnh, kịch bản dạy học tính theo tháng chứ không phải năm học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý mỗi địa phương cần xây dựng kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà  thậm chí là từng tháng để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 theo từng thời điểm, từng vùng.
 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị giao ban với các giám đốc sở GD-ĐT sau gần 1 tháng dạy học trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ảnh: BỘ GD-ĐT
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị giao ban với các giám đốc sở GD-ĐT sau gần 1 tháng dạy học trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ảnh: BỘ GD-ĐT



Ngày 20.9, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với giám đốc các sở GD-ĐT, tập trung trao đổi tình hình triển khai công tác dạy học ứng phó dịch Covid-19 của các địa phương sau gần 1 tháng khai giảng năm học mới.


Mỗi tâm dịch có phương án dạy học khác nhau


Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cho biết còn nhiều khó khăn khi thực hiện dạy học trong điều kiện hết sức khắc nghiệt; một bộ phận thầy cô đang tham gia chống dịch, nhiều học sinh đã trở bệnh nhân, thậm chí mất cả người thân,... tuy nhiên TP có khoảng 95% học sinh cấp trung học và hơn 92% học sinh cấp tiểu học đang tham gia học tập theo các hình thức trực tuyến hoặc học qua truyền hình.

Với hơn 70.000 học sinh không có điều kiện học bằng các hình thức trên, Sở GD-ĐT TP đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và hiện đã giảm được số này xuống mức 42.000. Bên cạnh đó, gần 3% học sinh cấp tiểu học của TP đã đăng ký học tại các tỉnh thành mà các em cư trú trong thời gian phòng chống dịch.

Trong khi đó, tâm dịch Bình Dương không chỉ có 1 phương án dạy trực tuyến hoặc qua truyền hình mà  xây dựng tới 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch, để các nhà trường linh hoạt thực hiện.

Theo đó, các “vùng đỏ” sẽ tiếp tục học trực tuyến. Vùng có nguy cơ cao học trực tuyến kết hợp trực tiếp với tỷ lệ thời lượng mỗi hình thức là 50-50%. Vùng có nguy cơ ở mức “vàng” có thể học trực tiếp 70% và trực tuyến 30%. Và “vùng xanh”, học sinh sẽ tới trường học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.

Sở GD-ĐT  Bình Dương cho biết, với 6/9 huyện thị bước vào “trạng thái bình thường mới”, 3 địa bàn còn là “vùng đỏ”; gần 200 trường học được sử dụng làm khu cách ly, khu điều trị tập trung, phải đến 15.10 mới bàn giao được hết về cho ngành giáo dục; nhiều giáo viên còn tham gia phòng chống dịch. Ngày 16.9 vừa qua, sau khai giảng năm học mới, 500.000 học sinh các cấp của địa phương này đã bắt đầu học tập trực tuyến.


Tuy nhiên,  với cấp tiểu học, Bình Dương chưa vội dạy trực tuyến ngay mà mới chỉ cho học sinh làm quen nề nếp, nội quy, phương pháp học tập và kỹ năng đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị học trực tuyến. Dự kiến đầu tháng 10, Bình Dương mới tổ chức học qua truyền hình và dạy học trực tuyến một số môn học của các khối lớp với thời lượng không quá 35 phút/1tiết, không quá 2 tiết/buổi và 3 buổi/tuần.

Chủ động lùi thời gian bắt đầu năm học mới, nhưng lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này  cho biết, địa phương sẽ linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch, sử dụng hiệu quả thời gian “vàng” khi học sinh đi học trực tiếp, để đảm bảo hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chất lượng.

Phải có cơ chế kiểm tra chất lượng dạy học trực tuyến

Đánh giá cao công tác tổ chức dạy học linh hoạt, chủ động thời gian qua của các địa phương, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lưu ý từng tỉnh, thành cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế theo từng thời điểm, từng vùng. Theo đó, xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà theo học kỳ, thậm chí là từng tháng.

Nhấn mạnh cần kiên trì mục tiêu chất lượng trong cả dạy học trực tiếp và trực tuyến, ông Độ cho biết trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn về dạy học trực tuyến cho giáo viên. Với những công văn hướng dẫn thực hiện chương trình ứng phó với dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý đây là chương trình dùng chung trên cả nước, không phải chỉ dành cho nơi có dịch, nên các nhà trường cần triển khai thực hiện.

Liên quan đến những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm trong văn bản hướng dẫn dạy học thích ứng với dịch Covid-19 mà Bộ mới ban hành, ông Độ khẳng định: "Tất cả các nội dung đó sẽ không được tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ và sẽ không có trong bài thi tốt nghiệp THPT năm học này".

Lưu ý có cơ chế kiểm tra chất lượng dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Độ đồng thời yêu cầu các Sở GD-ĐT có kế hoạch ôn tập hiệu quả cho học sinh khi các em quay trở lại trường; tiếp tục tạo thuận lợi để học sinh đang mắc kẹt ở các tỉnh, thành được học tập tại địa phương và giảm tối đa ảnh hưởng đến tâm lý học trò.

Ông Độ còn cho biết trong năm học này, để hỗ trợ các địa phương trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 6, trong đó lần đầu đưa vào một số môn học tích hợp, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập tổ hỗ trợ các môn học tích hợp, Bộ cũng đề  nghị các sở GD-ĐT  cũng thành lập tổ hỗ trợ chuyên môn này.


Nhiều hình thức dạy học ứng với tình hình dịch bệnh

Thống kê báo cáo của các sở GD-ĐT, tính đến ngày 20.9, cấp tiểu học có 25 tỉnh, thành phố chưa tổ chức dạy học trực tiếp. Cả nước có 7.478 cơ sở giáo dục cấp tiểu học đã tổ chức dạy trực tiếp; 5.047 trường dạy trực tuyến; 8.967 trường tổ chức cho học sinh học qua truyền hình;
Cấp trung học có 23 tỉnh, thành phố chưa tổ chức dạy học trực tiếp; 40 tỉnh đã dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; một số địa phương kết hợp cả 2 hình thức này.

Trong đó, cấp THCS có 5.873 trong tổng số 9.763 trường (bao gồm trường có nhiều cấp học và cấp học cao nhất là THCS) đã tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 60,16%); 4.509 trường dạy học trực tuyến (chiếm 46,18%); 571 trường dạy học qua truyền hình (chiếm 10,37%); 466 trường chưa tổ chức triển khai dạy học.

Cấp THPT có 1.207 trên tổng số 2.876 trường tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 41,97%); 1.639 trường dạy học trực tuyến (chiếm 56,99%); 102 trường dạy học qua truyền hình (9,27%); 48 trường chưa triển khai tổ chức dạy học.


Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).