Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn dụ dỗ đưa người xuất cảnh, vượt biên trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo người phát ngôn Bộ Công an, nhiều đường dây tội phạm tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép đã hình thành với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước.
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Lợi dụng nhu cầu của công dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, lao động, đoàn tụ gia đình... nên hoạt động đưa người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép thời gian qua diễn ra phức tạp, tác động tiêu cực tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy, hậu quả đối với đời sống của người dân, hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cảnh báo và thông tin khuyến cáo đối với công dân Việt Nam.

Về tình hình tội phạm và những thủ đoạn đưa người ra nước ngoài trái phép hiện nay, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, nhiều đường dây tội phạm tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép đã hình thành với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài.

Địa bàn hoạt động của các đường dây này rất đa dạng từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, nhiều nước châu Âu, Mỹ, Canada... Hành trình xuất cảnh bằng cả đường bộ, đường biển và đường không.

Một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam di cư, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia gần biên giới với Việt Nam (ví dụ xuất cảnh sang Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar...) để làm việc nhẹ lương cao, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần chứng minh tài chính, bằng cấp, thủ tục nhanh gọn.

Sau khi công dân Việt Nam được đưa ra nước ngoài, sẽ được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại các khu biệt lập, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, cắt liên lạc với gia đình, người thân, bị thu giữ hộ chiếu, ép buộc ký hợp đồng lao động và cưỡng bức làm việc, nếu muốn nghỉ việc sẽ phải đền bù một số tiền lớn.

Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng chính sách miễn thị thực ở một số nước, hoặc qua con đường du lịch, thương mại, học tập để “gom” người xuất cảnh hợp pháp, sau đó tổ chức cho trốn ở lại hoặc xuất cảnh bất hợp pháp đi nước thứ ba.

Quá trình liên lạc, thỏa thuận, các đối tượng thường sử dụng sim rác, qua tài khoản mạng xã hội ẩn danh, giao dịch chuyển, nhận tiền trực tiếp, không có biên nhận, biên bản hoặc qua tài khoản ngân hàng mang tên người khác, qua các dịch vụ chuyển tiền trung gian...

Các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép thường tập trung lôi kéo, dụ dỗ những người trong độ tuổi lao động, không có việc làm, có người nhà lao động ở nước ngoài, có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài...

Về phía người dân, bên cạnh nhiều trường hợp bị lừa đảo, lôi kéo trở thành nạn nhân, cũng có rất nhiều trường hợp chủ động kết nối với các đối tượng trong đường dây phạm tội để xuất cảnh trái phép, sau đó trở thành nạn nhân và chịu hậu quả nặng nề.

Năm 2023, Công an các địa phương phía Nam đã tiếp nhận từ phía Campuchia hơn 600 người làm việc trong các sòng bạc được phía Campuchia giải cứu, trao trả về nước; tháng 5/2023, phía Philippines đã giải cứu 437 người Việt Nam bị cưỡng bức làm việc trong các sòng bạc tại nước này.

Tháng 12/2023, hàng ngàn công dân mắc kẹt tại chiến sự Myanmar được Đảng và Nhà nước ta giải cứu bảo hộ về nước, trong đó có rất nhiều người thuộc diện xuất cảnh trái phép hoặc là nạn nhân của các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.

Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, việc hình thành các đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép và công dân Việt Nam tìm cách nhập cảnh, cư trú trái phép tại các nước đã tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, gây ra nhiều hệ lụy như ảnh hưởng xấu đến thương hiệu du lịch Việt Nam, công dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp thị thực (không chỉ diện du lịch), nhiều nước sẽ cân nhắc khi đưa Việt Nam vào danh sách được miễn thị thực. Đồng thời, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp lữ hành có hoạt động du lịch lành mạnh; ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, an toàn tính mạng của công dân (bị theo dõi giám sát, cưỡng chế, trở thành nạn nhân mua bán người...).

Người Phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ, nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh; có ý thức cảnh giác, nắm và nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.

Khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài, người dân cần liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín có giấy phép lữ hành quốc tế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục; không nghe và làm theo các đối tượng môi giới, tổ chức để được xuất cảnh hợp pháp.

Đối với những người bị hại cần xóa bỏ tâm lý mặc cảm, sợ bị trả thù, sợ ảnh hưởng đến danh dự nên không khai báo, khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác xác minh, giải quyết vụ việc liên quan.

"Không tiếp tay, tham gia các hoạt động môi giới, tổ chức, đưa dẫn, giúp sức, xúi giục người khác xuất nhập cảnh trái phép; kịp thời thông báo, tố giác các đối tượng có hoạt động tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép cho cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, xử lý," Người Phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo.

Lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi xuất cảnh, tổ chức xuất cảnh trái phép, nhằm giữ vững an ninh, trật tự, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ việc trẻ em làm pháo tự chế

Ẩn họa từ việc trẻ em làm pháo tự chế

(GLO)- Thời gian gần đây, các địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến việc trẻ em lên mạng xã hội tìm hiểu, đặt mua hóa chất rồi về làm pháo tự chế. Hiểm họa về pháo tự chế luôn hiện hữu một khi thiếu sự quản lý, giám sát từ cha mẹ.

Đak Đoa: Đăng ký định danh xe trực tuyến, người đàn ông bị kẻ giả danh công an lừa 144,4 triệu đồng

Đak Đoa: Đăng ký định danh xe trực tuyến, người đàn ông bị kẻ giả danh công an lừa 144,4 triệu đồng

(GLO)- Công an huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) vừa tiếp nhận đơn trình báo của anh A. (SN 1985, trú tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) về việc bị đối tượng giả danh công an gọi điện thoại yêu cầu đăng ký định danh xe tải và lừa đảo chiếm đoạt với số tiền 144,4 triệu đồng.

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Cảnh báo chiêu trò giả danh đài truyền hình để lừa đảo

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong đó, có việc các đối tượng giả mạo chương trình của đài truyền hình lớn để lừa đảo tặng quà nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.