(GLO)- Đất đai là tài sản đặc biệt của đất nước, là sở hữu của toàn dân, có giá trị vô cùng to lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, do quản lý lỏng lẻo nên ở không ít nơi, nhiều người xem đó như “miếng mồi ngon” để tham nhũng. Hậu quả là nhiều người đã bị bắt, bị đi tù, trong đó có không ít quan chức, cán bộ cấp cao, người đứng đầu các địa phương. Vì vậy, nhanh chóng khắc phục những “kẽ hở” của pháp luật, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, trục lợi từ đất đai là việc làm hết sức bức thiết lúc này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Chỉ cần vào Google gõ từ “tham nhũng đất đai”, chưa đầy 1 giây đã có hơn 5,5 triệu kết quả. Trong đó có nhiều thông tin, bài viết, trao đổi, phản ánh về tình trạng tham nhũng đất đai kéo dài nhiều năm và có xu hướng gia tăng về số lượng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tiêu biểu như vụ Vũ “Nhôm”, Út “trọc”, vụ đất đai ở Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), vụ 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận hay vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương… đều liên quan đến hành vi “bán rẻ” đất công gây thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Đã có những kẽ hở pháp luật làm thất thoát lớn cho Nhà nước, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, phe nhóm, hình thành từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán tài sản nhà nước… Đây là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng hối lộ, lợi ích nhóm, chiếm đoạt tài sản nhà nước”.
Thực tiễn đã, đang và sẽ còn ghi nhận nhiều hình thức đa dạng và hậu quả nặng nề do những kẽ hở và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, thông qua việc giao, cho thuê, liên kết kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sự tùy tiện xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù, thu hồi đất của dân. Những hành vi đó, dù trực tiếp hay gián tiếp, công khai hoặc ngấm ngầm, không chỉ làm tổn hại, thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường mà còn gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện và tố cáo vượt cấp, tụ tập đông người, làm mất uy tín của cơ quan quản lý nhà nước, gia tăng bức xúc, căng thẳng và mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất đai là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước nhưng hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau”. Chính vì vậy, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất. Cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, ngăn chặn tham nhũng, trục lợi từ đất đai là yêu cầu bức thiết.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn-Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương-cho rằng: “Để ngăn ngừa và phòng-chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai có hiệu quả thì việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách đất đai có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Đất đai, đồng thời “bịt” những “kẽ hở”, “lỗ hổng” trong chính sách đất đai không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất.
Những kết luận tại Hội nghị Trung ương 5 lần này sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng để Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Đất đai 2013, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách về đất đai hiện nay. Để đất đai với vai trò là tài sản đặc biệt, sở hữu toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý, khai thác có hiệu quả nhất, thực sự là nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
ĐÌNH CƯƠNG