Bịt "kẽ hở" pháp luật, ngăn chặn tham nhũng đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đất đai là tài sản đặc biệt của đất nước, là sở hữu của toàn dân, có giá trị vô cùng to lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, do quản lý lỏng lẻo nên ở không ít nơi, nhiều người xem đó như “miếng mồi ngon” để tham nhũng. Hậu quả là nhiều người đã bị bắt, bị đi tù, trong đó có không ít quan chức, cán bộ cấp cao, người đứng đầu các địa phương. Vì vậy, nhanh chóng khắc phục những “kẽ hở” của pháp luật, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, trục lợi từ đất đai là việc làm hết sức bức thiết lúc này.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chỉ cần vào Google gõ từ “tham nhũng đất đai”, chưa đầy 1 giây đã có hơn 5,5 triệu kết quả. Trong đó có nhiều thông tin, bài viết, trao đổi, phản ánh về tình trạng tham nhũng đất đai kéo dài nhiều năm và có xu hướng gia tăng về số lượng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tiêu biểu như vụ Vũ “Nhôm”, Út “trọc”, vụ đất đai ở Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), vụ 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận hay vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương… đều liên quan đến hành vi “bán rẻ” đất công gây thiệt hại cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Đã có những kẽ hở pháp luật làm thất thoát lớn cho Nhà nước, nhưng mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, phe nhóm, hình thành từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán tài sản nhà nước… Đây là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng hối lộ, lợi ích nhóm, chiếm đoạt tài sản nhà nước”.

Thực tiễn đã, đang và sẽ còn ghi nhận nhiều hình thức đa dạng và hậu quả nặng nề do những kẽ hở và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, thông qua việc giao, cho thuê, liên kết kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sự tùy tiện xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù, thu hồi đất của dân. Những hành vi đó, dù trực tiếp hay gián tiếp, công khai hoặc ngấm ngầm, không chỉ làm tổn hại, thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường mà còn gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện và tố cáo vượt cấp, tụ tập đông người, làm mất uy tín của cơ quan quản lý nhà nước, gia tăng bức xúc, căng thẳng và mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất đai là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước nhưng hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau”. Chính vì vậy, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất. Cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, ngăn chặn tham nhũng, trục lợi từ đất đai là yêu cầu bức thiết.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn-Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương-cho rằng: “Để ngăn ngừa và phòng-chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai có hiệu quả thì việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách đất đai có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Đất đai, đồng thời “bịt” những “kẽ hở”, “lỗ hổng” trong chính sách đất đai không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất.

Những kết luận tại Hội nghị Trung ương 5 lần này sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng để Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Đất đai 2013, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách về đất đai hiện nay. Để đất đai với vai trò là tài sản đặc biệt, sở hữu toàn dân, do Nhà nước thay mặt quản lý, khai thác có hiệu quả nhất, thực sự là nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.