Bình đẳng giới thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở nước ta, vấn đề bình đẳng nam- nữ đã được đặt ra từ rất sớm. Ngay Bản luận cương chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Nam, nữ bình quyền”. Tiếp đó, Hiến pháp đầu tiên ở nước ta năm 1946 cũng khẳng định: “Tất cả các công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Nhận thức nam-nữ bình quyền ở nước ta sớm hơn nhiều nước trên thế giới song trong bối cảnh phải trải qua chiến tranh kéo dài, nhiều vấn đề xã hội phải gác lại. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, nhiều chính sách tốt đẹp đối với phụ nữ được ban hành.
 

Khen thưởng cá nhân có thành tích trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Ảnh: Đ.Y
Khen thưởng cá nhân có thành tích trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Ảnh: Đ.Y

Song khi đất nước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nhiều chính sách chậm sửa đổi bổ sung nên không còn phù hợp, thậm chí đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong đó, một số chuyên gia cho rằng, quy định phụ nữ được nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 tuổi có lẽ không còn phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi lẽ, quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành làm giới hạn tuổi tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ vào các chức danh đã làm mất cơ hội thăng tiến của nhiều chị em có năng lực, trí tuệ, có nghiệp vụ chuyên môn giỏi. “Việc này không chỉ thiệt thòi cho chị em mà cho cả gia đình và xã hội. Việc quy định trong Luật Bình đẳng giới một tỷ lệ phần trăm cứng nhắc về số lượng đại biểu nữ tham gia ứng cử vào các cơ quan dân cử, như HĐND các cấp, theo tôi là không nên. Việc cần làm là người thân, cơ quan, đơn vị quan tâm tạo mọi điều kiện cho lao động nữ phấn đấu học tập, rèn luyện để nhiều chị em có cơ hội được bổ nhiệm, đề bạt, thăng tiến”-bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, chia sẻ.

Ngày 24-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, coi việc nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ là mục tiêu hàng đầu đã phần nào khắc phục được những hạn chế nêu trên. Trong đó, một trong những mục tiêu của chiến lược là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Mục tiêu này có 3 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu 1 là: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2021 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 trên 35%. Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND năm 2015 cũng quy định: Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là nữ.

Với tỉnh ta, những năm qua, để chuẩn bị tốt cho các kỳ bầu cử, các cấp, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị cho các ứng cử viên nữ kiến thức về hệ thống chính trị, về quy trình bầu cử, hướng dẫn xây dựng chương trình hành động, trang bị kỹ năng tiếp xúc cử tri và trình bày chương trình hành động… Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh mới chiếm 28,75%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: cấp tỉnh là 28,75%; cấp huyện, thị xã, thành phố là 27,56%; cấp xã, phường, thị trấn là 26,65%. Nữ tham gia các cấp ủy Đảng: cấp tỉnh chiếm 14,55%, cấp huyện chiếm 15,73%, cấp xã chiếm 17,6%.

Thực tế cho thấy, sự hạn chế của phụ nữ trong việc tham gia vào các cơ quan dân cử ở tỉnh ta không hẳn do không đủ năng lực mà còn do nhiều yếu tố thuộc về nhận thức giới và các nguyên nhân khách quan khác. Tại Hội nghị trực tuyến về thực hiện công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh ta mới đây, ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, phụ nữ chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, vấn đề công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới trong xã hội chưa phát triển đồng đều. Phụ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý thường gặp nhiều khó khăn, rào cản khi mà những định kiến mang tính khách quan và chủ quan về phụ nữ làm lãnh đạo vẫn còn tồn tại. Thời gian qua, nhiều người vẫn mặc nhiên coi hoạt động chính trị chỉ hợp với nam giới và thường đánh giá thấp khả năng của phụ nữ trong lĩnh vực này. Song nhìn từ thực tế đánh giá hiệu quả khi cán bộ nữ đứng vai trò lãnh đạo, bà Trần Thị Hoài Thanh nói thêm: “Cán bộ nữ được đánh giá cao bởi tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, công tâm, thận trọng, mềm dẻo trong giải quyết công việc và khả năng thuyết phục cao...”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

null