Bi kịch từ những vụ trọng án gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người ta thường nói “hổ dữ không ăn thịt con”, song có những phụ huynh lại ra tay với chính khúc ruột của mình, để rồi nước mắt ân hận chảy ngược theo họ suốt quãng đời còn lại. Song, phía sau mỗi vụ án là bức tranh gia đình không vẹn toàn, hạnh phúc.

 

 Bị cáo Lê Văn Thạo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng
Bị cáo Lê Văn Thạo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng



Cha hại chết con trai

Trong cái nắng nóng như đốt của tháng 6, tuần vừa qua, Lê Văn Thạo (54 tuổi, ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội bị dẫn giải đến Tòa án Nhân dân Hà Nội trên chiếc xe thùng bít bùng, oi nồng.

Vừa nhìn thấy bị cáo Thạo, người phụ nữ trung niên - vợ của ông ta không kìm được nước mắt, oán giận vì đã sát hại con trai mình. Bị cáo tránh ánh nhìn của người vợ vẫn còn trên danh nghĩa, nhưng tình cảm đã cạn từ ngày ông ta bỏ rơi mẹ con họ.

Quay ngược thời gian hơn 30 năm trước, họ từng là cặp đôi đẹp của làng. Cuộc sống của họ vốn hạnh phúc khi cậu con trai sinh ra. Cả hai đặt tên cho con như tên của nhân vật trong bộ phim tình báo nổi tiếng - Lê Thành Luân.

Song cuộc sống vợ chồng của Thạo vì nhiều lý do đã xảy ra những mâu thuẫn khó hàn gắn, dẫn đến cảnh ly thân. Lúc này tuổi của hai người đã vào độ trung niên, thời điểm mà họ cần đến nhau, chăm sóc lúc ốm đau, khi trái nắng trở trời.

Mọi mâu thuẫn cũng từ ngày bà U đem con rời khỏi người chồng có hôn thú, đi ở nhờ đất của một phụ nữ cùng thôn. Lúc đó, thương chị gái vất vả, cháu trai không có chỗ dựa, nương thân, nên người em trai khi mua được mảnh đất gần nhà anh rể, đã để bà U xây nhà, để hai mẹ con có chỗ “chui ra, chui vào”.

Trong thời gian anh Luân xây nhà, Thạo cho rằng con trai đã làm hư hại cây trồng trong hàng rào nhà mình nên lời qua tiếng lại với con. Mâu thuẫn trở lên trầm trọng hơn khi ngày 15.11.2019, Thạo gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã Chương Dương đề nghị chính quyền giải quyết đền bù thiệt hại cho mình. Phía Ủy ban xã Chương Dương đã tiếp nhận đơn của Thạo để xem xét giải quyết.

Mọi mâu thuẫn cũng từ đây nảy sinh giữa bị cáo Thạo với con trai của mình. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình cha con không còn, là cơ sự bị cáo gây án cho chính con ruột mình.

Theo tài liệu cáo buộc, đêm 19.11.2019, bị cáo Thạo sang nhà ông Nguyễn Văn Hiếu cùng thôn để xem bóng đá. Trên đường đi, Thạo gặp anh Luân và bị con trai chửi... Thạo không nói gì, tiếp tục sang nhà ông Hiếu xem bóng đá. Khoảng 20 phút sau, Thạo ra về. Trên đường về, Thạo lại gặp anh Luân và bị anh này chửi.

Về tới nhà, Thạo nghĩ anh Luân là con đẻ mà dám chửi mình nên bực tức, nảy sinh ý định giết chết anh Luân. Trước khi ra tay, Thạo đi lấy giấy viết nội dung: “Bố láo! Ăn cướp mồ hôi nước mắt và máu của tao mà còn chửi tao, khinh tao nên tao giết. Bây giờ, tao đi chơi vài ngày rồi tao về trình báo công an sau. Nên báo để công an khỏi phải tìm mất công”. Sau đó, Thạo lấy dao sang nhà anh Luân.

Trèo tường vào bên trong, Thạo thấy anh Luân đang nằm ngủ một mình trên giường nên đi tới. Vén màn lên, Thạo thấy con trai đang say ngủ. Tuy nhiên, ông ta không nghĩ tới tình cảm cha con mà quyết tâm đoạt mạng con trai. Bị cáo đã vung dao chém liên tiếp nhiều nhát cho tới khi nạn nhân tử vong.

Sau khi gây án xong, Thạo vứt dao và tờ giấy đã viết sẵn nội dung sẽ giết con trai trước đó lên người nạn nhân. Sau đó, Thạo đi về nhà lấy xe đạp bỏ trốn. Trên đường đi, Thạo vứt bộ quần áo vừa gây án, bỏ trốn sang tỉnh Hà Nam.

Khoảng 4h cùng ngày, bà U sang nhà con trai. Tại đây, người phụ nữ này thấy con trai đang nằm co quắp, bất động dưới sàn nhà, trên cổ có nhiều thương tích. Thấy vậy, người mẹ hô hoán mọi người đến cứu con trai, song anh này đã tử vong.

Vụ án một lần nữa được Hội đồng xét xử sơ thẩm làm rõ. Nhiều người có mặt tại phiên tòa, ngay cả vợ của bị cáo cũng bất bình về hành vi ông ta gây ra. Bị cáo đưa ra lý do gây án vì con trai láo với mình. Song, nhiều người đặt ra câu hỏi có khi nào nước mắt chảy ngược, bởi nạn nhân là con trai của bị cáo. Chỉ vì thù tức những câu hỗn hào của người con, bị cáo đã ra tay như vậy.

“Hổ dữ còn không ăn thịt con”, câu nói này được một người trong phiên tòa phát ra. Nhưng có thể thấy, bi kịch về mối quan hệ bố - con của bị cáo đã tới đỉnh điểm của sự rạn nứt, gãy vụn.

Cũng tại phiên tòa, bà U bất bình vì lời bị cáo cho rằng con trai hỗn láo. Bà khẳng định, dù trên danh nghĩa bị cáo là cha, song không dạy dỗ, bảo ban hay nuôi nấng con trưởng thành. Một tay bà vất vả nuôi con đến lúc lớn khôn, và trở thành chỗ dựa cả về tinh thần, lẫn vật chất khi tuổi bà đã ngày một lớn.

Bà nói rằng, con trai không bao giờ cãi bố. Đối với mẹ, anh này cũng hiếu thảo, đưa tiền để bà thuốc thang bệnh tật tuổi già. “Tôi mới là người nói nhiều. Cháu còn khuyên tôi không nên nói, kệ người ta. Việc ông ta nói cháu làm hỏng hoa màu nhà ông ta là hoàn toàn không có thật” - bà U nghẹn ngào.

Khi nghe Hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Văn Thạo 20 năm tù về tội “Giết người”, bà U bật khóc, gục xuống đất: “Mười mấy, hai mươi năm tù thôi sao? Nếu mức án ấy, đề nghị tòa thả luôn Thạo ra. Ôi con tôi...”.

Người mẹ đơn thân gây án với con trai

Gần hai năm trước, ở huyện Mê Linh, Hà Nội cũng xảy ra một vụ án thương tâm khi nam thanh niên 18 tuổi bị chính mẹ ruột của mình sát hại.

Lúc đầu, khi tiếp nhận thông tin vụ việc, dư luận không khỏi bàng hoàng, bởi người ra tay lại là một phụ nữ lam lũ, chân yếu tay mềm; người phụ nữ đơn thân mà cả đời chỉ vì con trai, nguồn động viên, chỗ dựa tinh thần của cuộc đời bà. Người phụ nữ đó tên Nguyễn Thị Huế (57 tuổi, ở huyện Mê Linh, Hà Nội).

Song qua cả hai phiên tòa sơ thẩm (do Tòa án Nhân dân Hà Nội mở) và phúc thẩm (Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử), người ta mới phần nào hình dung ra được nguồn cơn của hành vi mà người đàn bà này gây nên cho con đẻ.

Nguyễn Thị Huế là người phụ nữ không may mắn trong chuyện tình duyên. Ở tuổi “quá lứa nhỡ thì”, Huế quyết định làm mẹ đơn thân để có chỗ nương tựa tuổi già. Tài liệu điều tra thể hiện, Nguyễn Thị Huế và con trai tên Đặng Quang Huy (sinh năm 1999) sống cùng nhau trong căn nhà riêng ở huyện Mê Linh. Để có tiền nuôi sống bản thân, Huế làm công nhân quét rác, còn anh Huy vừa dạy võ vừa làm công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh).

Do hết tiền tiêu xài, anh Huy đã mang điện thoại của mình đi cầm cố. Đến hạn lấy điện thoại về nên tối 11.4.2018, anh Huy nhờ Huế đi vay hộ 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, thanh niên này không được mẹ đồng ý. Thấy vậy, anh Huy nói: “Mẹ có vay được cho con hay không thì bảo”. Huế tiếp tục đáp: “Mẹ không vay ở đâu được cho con, con muốn làm thế nào thì làm”.

Sau đó, anh Huy xin phép mẹ cho mình đi chơi. Dù không được Huế không đồng ý nhưng anh Huy vẫn lấy xe máy ra đi chơi. Khoảng 3h ngày 12.4.2018, anh Huy về tới nhà, sau đó lên phản gỗ kê ở tầng 1 ngủ cùng mẹ.

5h cùng ngày, Huế tỉnh dậy. Thấy con trai nằm bên cạnh, Huế đã nảy sinh ý định giết con trai vì vẫn còn bực tức về việc Huy nợ tiền người khác và hỗn láo với mình.

Người mẹ đơn thân đã lấy 1 tuýp sắt dài đi đến phản gỗ vụt liên tiếp nhiều cái vào vùng đầu, mặt con trai đang ngủ. Bị đánh đau, anh Huy giật mình choàng tỉnh. Thấy mẹ đang cầm gậy sắt vụt mình, anh Huy giơ tay kêu: “Ớ, mẹ ơi, mẹ ơi” rồi ngã xuống giường.

Huế không dừng tay, tiếp tục trèo lên phản vụt con. Chỉ đến khi nạn nhân nằm im, Huế mới dừng tay. Sau đó, bà ta thu dọn hiện trường, xóa dấu vết tội ác mình vừa gây ra, đồng thời nói với người nhà là anh Huy đi chơi bị người ta đánh chết.

Trong cả phiên sơ thẩm trước đó và phiên phúc thẩm (mở ngày 8.8.2019), từ lúc đưa vào phòng xét xử, người phụ nữ đã ra tay sát hại con ngồi lặng thinh với ánh mắt buồn bã. Có lúc, bà không kìm đau đớn, hối hận nên bật khóc nghẹn ngào. Những giọt nước mắt như chảy ngược vào bên trong người phụ nữ gày gò.

Bị cáo nói rất nhiều đến cụm từ “ân hận”, song mọi sự đã muộn màng. Con trai đã chết, bản thân bị cáo phải trả giá cho hành vi gây ra. Những người thân của bị cáo ngồi phía dưới cũng nghẹn ngào, chứng kiến bi kịch của hai mẹ con được gợi lại từ những câu thẩm vấn - trả lời.

Cấp phúc thẩm hôm đó đã giữ nguyên mức án 14 năm tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên với bị cáo về tội Giết người.

 

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bi-kich-tu-nhung-vu-trong-an-gia-dinh-813608.ldo

Theo VIỆT DŨNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.