(GLO)- Có đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vào đêm giao thừa mới cảm nhận được hết được tình người ấm áp nơi đây.
Tết ấm tình người
Một lần nữa bác sĩ Bạch Anh Hùng-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai lại đón giao thừa ngay tại bệnh viện. Tôi cùng ông đi vòng quanh bệnh viện thăm hỏi các bệnh nhân không thể kịp hồi phục để về nhà ăn Tết. Tại đây, chúng tôi gặp hai người phụ nữ quen thuộc (yêu cầu được giấu danh tính). Đều đặn hàng năm, hai người phụ nữ này cùng bác sĩ đến tận giường bệnh ân cần động viên, hỏi han rồi lì xì mỗi người với số tiền không hề nhỏ. Khi tôi ngỏ ý muốn viết một chút gì đó về việc làm đáng trân trọng ấy thì hai người phụ nữ nhẹ nhàng từ chối. Họ bảo rằng, niềm vui của họ là được thấy nụ cười hiếm hoi của những bệnh nhân.
Các y, bác sĩ đón bệnh nhân đêm giao thừa. Ảnh: Văn Ngọc |
Ngoài trời, từng cơn gió lạnh cứ thốc liên hồi vào tấm kính cửa sổ. Cây cối xào xạc nghiêng ngả bởi gió. Tất cả sự vật, con người dường như đều run rẩy bởi cái lạnh 11 độ của đêm trừ tịch. Nhưng ở trong những phòng bệnh, tình người đã sưởi ấm những tầm lòng. Ông Trần Văn Ô (huyện Chư Sê) tâm sự: “Sống hơn 50 năm, đón từng ấy cái Tết, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ lại đón giao thừa ở bệnh viện. Cũng muốn về nhà với con cháu nhưng giờ cụ nhà tôi còn yếu, chưa biết sẽ xảy ra chuyện gì nên cũng không có tâm trạng gì đón Tết. Được thăm hỏi và nhận quà tặng nên chúng tôi vui lắm,
Đón giao thừa ở một nơi đặc biệt như bệnh viện rõ ràng không phải là một trải nghiệm dễ chịu. Thậm chí, đã có những giọt nước mắt rơi vì sự tủi thân. Ông Hoàng Văn Dương (huyện Phú Thiện) là một người như thế. Hơn một tháng trước, ông bàng hoàng nhận tin đứa con trai út 19 tuổi của mình bị tai nạn giao thông. Ông nghèn nghẹn kể: “Ra Tết này là nó đi bộ đội rồi đấy. Hôm đó, nó qua nhà bạn chơi rồi gọi điện về bảo con về muộn một chút thế mà…”. Con ông, anh Hoàng Văn Thế được chẩn đoán khó qua khỏi cơn nguy kịch bởi chấn thương sọ não rất nặng. Rất may, sau ca mổ, bệnh nhân vẫn giữ được tính mạng nhưng vẫn sống như người thực vật. Hôm nay, ông tự thưởng cho mình bằng việc mặc một bộ áo quần bảnh bao theo cách của người nông dân chân chất nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn sâu thẳm. “Đến nay là tròn 1 tháng 5 ngày rồi, thấy con cựa quậy đấy, mở mắt đấy nhưng không thể gọi được lòng cha mẹ nào mà không đau xót. Nhà ở xa, mẹ nó lại phải chăm cháu cũng nhập viện nên giao thừa này chỉ có mình tôi ở viện với con. Lắm lúc thấy người ta tất bật đón Tết mà tủi thân lắm, nước mắt cứ thế tự rơi thôi”- ông Dương buồn bã nói.
Tấm lòng bác sĩ
Gần 23 giờ đêm, một chiếc xe ô tô dừng trước cửa phòng cấp cứu. Nam thanh niên Nguyễn Quốc Tùng (22 tuổi, huyện Chư Prông) với chiếc kéo bị đâm ở ngực đang có dấu hiệu choáng. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu. Vết thương do chiếc kéo đã đâm thấu tim anh và tính mạng như “chỉ mành treo chuông”. Các y, bác sĩ thoăn thoắt dùng các biện pháp sơ cứu cho bệnh nhân và nhanh chóng chuyển vào phòng mổ với hy vọng chiến thắng được “tử thần”. Ngay sau đó, cửa phòng cấp cứu lại mở toang đón liên tiếp các bệnh nhân bị tai nạn giao thông và chấn thương do pháo nổ. Cứ thế, các y, bác sĩ quay chong chóng với những bệnh nhân của mình mà không biết ở ngoài kia, giao thừa đã điểm.
Lần đầu tiên đón giao thừa ở bệnh viện, y tá trẻ Trần Thị Thu Thắm (Khoa Cấp cứu) cảm thấy hồi hộp. Cô nói: “Khi chọn nghề y, tôi đã biết là sẽ có những khoảnh khắc thế này nên chờ đợi lắm. Đón giao thừa với bệnh nhân chắc chắn sẽ không vui bằng ở nhà với gia đình, nhưng tôi lại cảm thấy yêu cái nghề của mình hơn”. Bác sĩ Dương Thái Thuấn (Khoa Cấp cứu) lại mang những nỗi lòng khác. Ông không nhớ đã bao nhiêu lần ở bệnh viện vào đêm cuối năm, khi nhà nhà nô nức xem pháo hoa. “Con gái nhỏ của tôi nó bảo sao bố năm nào cũng “trốn”, vợ tôi nhiều lúc cũng bảo buồn vì Tết nhất gia đình không được ở bên nhau trọn vẹn. Nhưng nghề mà, nhiều lúc ở nhà lại buồn, lại nhớ bệnh nhân nên đêm giao thừa cứ lấy công việc làm niềm vui để nỗi buồn nó đi đâu mất”- ông chia sẻ.
Lê Văn Ngọc