Bệnh sốt xuất huyết ở Gia Lai diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 1 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng gấp đôi so với các tháng trước. Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời tiết mưa nắng đan xen đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi truyền bệnh SXH.
Cả nhà nhập viện vì SXH
Từ đầu tháng 10 đến nay, số trẻ vào Bệnh viện Nhi điều trị do SXH tăng nhanh. Nếu trong tháng 8, Bệnh viện chỉ tiếp nhận 52 ca mắc SXH thì tháng 9 tăng lên 103 ca. Riêng trong nửa đầu tháng 10 đã ghi nhận trên 50 ca SXH.
Đang chăm con nằm điều trị tại Khoa Nội tạp bệnh (Bệnh viện Nhi), bà Trương Thị Thảo (thôn 3, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người đều bị SXH. Nhiều nhà trong thôn cũng mắc SXH, có gia đình bị mắc cả nhà. Ngành Y tế có tổ chức phun thuốc diệt muỗi, tuyên truyền người dân vệ sinh môi trường phòng-chống SXH nhưng vẫn chưa thể dập được ổ dịch”.
Gia đình chị Cao Thị Hà (tổ 6, thị trấn Chư Sê) cũng có nhiều người mắc SXH. Chị cho hay: “Khu vực nhà tôi ở có nhiều người mắc SXH. Gia đình tôi cả 3 mẹ con đều bị SXH. Mấy ngày gần đây, trong xóm tôi, số người mắc bệnh tăng nhanh. Ngành Y tế đã triển khai 2 đợt phun hóa chất nhưng số người mắc SXH vẫn tăng”.
Bác sĩ Bệnh viện 331 khám, điều trị cho bệnh nhân mắc SXH. Ảnh: Như Ý
Bác sĩ Bệnh viện 331 khám, điều trị cho bệnh nhân mắc SXH. Ảnh: Như Ý
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện 331 đã điều trị trên 150 bệnh nhân mắc SXH. Riêng trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10, số ca nhập viện do SXH tăng nhanh. Bác sĩ Nguyễn Công Huấn-Trưởng khoa Nội nhi nhiễm-cho biết: “Thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gia tăng nguy cơ mắc SXH. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang-thiết bị, thuốc men để thu dung và điều trị người bệnh”.
Tăng cường công tác phòng ngừa SXH
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 10-2020, toàn tỉnh ghi nhận 2.254 ca mắc SXH. Bệnh xảy ra tại 140/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Chỉ tính riêng trong 2 tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận gần 400 ca mắc SXH. Các địa phương trọng điểm về SXH là TP. Pleiku với trên 650 ca mắc, thị xã An Khê trên 200 ca mắc…
Ông Nguyễn Đức Bảy-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê-chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Chư Sê ghi nhận trên 50 ca mắc SXH. Dù Chư Sê không phải là điểm nóng về SXH nhưng đơn vị luôn quan tâm triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh.
“Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát, theo dõi, kịp thời xử lý ngay các ổ bệnh, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy để phòng ngừa SXH”-ông Bảy thông tin thêm.
Người dân cần chung tay vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, để phòng, chống SXH hiệu quả. Ảnh: Như Ý
Người dân cần chung tay vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để phòng-chống SXH hiệu quả. Ảnh: Như Ý
Để phòng-chống bệnh SXH, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương thì sự chung tay của người dân là rất quan trọng. Với phương châm “không có muỗi, lăng quăng/bọ gậy, không có SXH”, mỗi người dân cần chung tay thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, đồng thời tự giác áp dụng các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt, nâng cao ý thức phòng bệnh sẽ góp phần hạn chế các ca mắc và tử vong do SXH.
Bác sĩ Nguyễn Công Huấn khuyến cáo: “Để phòng bệnh SXH, người dân cần đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, phát quang bụi rậm, không để ao tù nước đọng cho lăng quăng/bọ gây sinh trưởng phát triển; nên mặc quần áo dài tay và sáng màu, nằm ngủ trong màn… Khi có dấu hiệu bệnh SXH nên đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm”.
NHƯ Ý

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.