Uống nước lá vối chữa bệnh gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lá vối loại lá dân dã, không chỉ giúp giải khát, mà còn được giới Đông y đánh giá cao về tác dụng chữa bệnh.

Ở các làng quê Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ, hình ảnh ấm nước lá vối đặt nơi hiên nhà trở thành nét sinh hoạt truyền thống. Nhiều người chỉ biết tới lá vối như một loại nước uống giải nhiệt, ít ai hiểu rõ hết những công dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó.

Tác dụng của lá vối

Theo Lương y Nguyễn Trung Hái, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung ương Hội Đông y Việt Nam, nước lá vối vị hơi đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan.

Nước vối là thức uống quen thuộc của nhiều người. (Ảnh minh họa)

Nước vối là thức uống quen thuộc của nhiều người. (Ảnh minh họa)

“Trong Đông y, lá vối được xếp vào nhóm dược liệu có tính điều hòa tiêu hóa tốt. Nó giúp kích thích bài tiết dịch tiêu hóa, hỗ trợ nhu động ruột, làm giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu”, ông Hái nói.

Đặc biệt trong những ngày nắng nóng nhiều người dùng lá vối tươi hoặc khô nấu nước uống để giảm cảm giác mệt mỏi. Thói quen này không chỉ giúp giải khát mà còn giúp phòng ngừa một số bệnh về gan, thận do khả năng thanh lọc cơ thể của lá vối rất tốt.

Ngoài ra, nước lá vối còn có tác dụng diệt khuẩn và kháng viêm mạnh. Nhiều nghiên cứu y học hiện đại chỉ ra rằng trong lá vối có chứa tannin, flavonoid và các chất chống oxy hóa tự nhiên, có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại trong đường ruột mà không làm ảnh hưởng đến lợi khuẩn.

“Người dân vùng quê xưa kia thường dùng nước lá vối để rửa các vết thương ngoài da, vì nó có khả năng kháng khuẩn, làm sạch và thúc đẩy quá trình lành sẹo”, lương y Nguyễn Trung Hái chia sẻ. Ngoài ra, nước lá vối còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị viêm loét miệng, viêm lợi, bằng cách súc miệng mỗi ngày.

Một trong những tác dụng đáng chú ý khác của lá vối, là hỗ trợ người mắc bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy chiết xuất từ lá vối có khả năng ức chế men alpha-glucosidase, làm chậm quá trình hấp thu đường trong ruột non, từ đó giúp ổn định đường huyết.

Nước lá vối còn giúp hạn chế quá trình tích mỡ trong gan, hỗ trợ giảm mỡ máu, nhờ vào cơ chế điều hòa chuyển hóa lipid trong cơ thể. Với những người nguy cơ béo phì, việc uống nước lá vối mỗi ngày là một lựa chọn an toàn để hỗ trợ kiểm soát cân nặng.

Lưu ý khi sử dụng nước lá vối

Mặc dù nước lá vối rất tốt, nhưng lương y Nguyễn Trung Hái cũng cảnh báo không nên uống quá nhiều trong một ngày. “Việc lạm dụng có thể gây mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Đặc biệt, người đang bị tiêu chảy, thể trạng hàn lạnh không nên dùng nước lá vối liên tục vì sẽ làm nặng thêm triệu chứng”, ông nhấn mạnh.

Bạn nên dùng lá vối đã phơi khô thay vì lá tươi để hạn chế độc tính và giảm nguy cơ kích ứng dạ dày. Tốt nhất, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 1–2 lít nước lá vối, nấu nhạt và uống rải rác trong ngày. Tuyệt đối không dùng lá vối khô đã bị mốc.

Nước lá vối không chỉ là thức uống dân gian đơn thuần mà còn là dược liệu quý mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Để phát huy tác dụng một cách an toàn và hiệu quả, người sử dụng cần hiểu rõ liều lượng và cách dùng hợp lý.

Theo Thanh Tâm (VTCNews)

Có thể bạn quan tâm

Thảo dược trị cảm cúm

Thảo dược trị cảm cúm

Trong y học cổ truyền, nhiều loại thảo dược có tính ấm, giúp kháng khuẩn, kháng vi rút, và tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị cảm cúm. Dưới đây là một số thảo dược phổ biến và cách sử dụng.

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi lưu giữ nguồn dược liệu vô cùng phong phú. Từ nguồn tài nguyên này, cộng đồng người Bahnar đã cho ra đời những bài thuốc quý, lưu dấu qua bao thế hệ.

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.