Xông hơi trị cảm lạnh như thế nào để tốt cho sức khỏe?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xông hơi mang lại nhiều lợi ích như giúp tăng tuần hoàn máu, giải tỏa sự tắc nghẽn ở mũi, họng, phế quản, làm vã mồ hôi, tuy nhiên cần thực hiện đúng cách, tránh lạm dụng.

Dược sĩ Phan Trung Nguyên, Đơn vị Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, theo y học cổ truyền, cảm lạnh thường được xếp vào nhóm bệnh "ngoại cảm phong hàn", với các triệu chứng như sốt nhẹ, ớn lạnh, ho, nghẹt mũi, không ra mồ hôi, đau đầu, mỏi cổ gáy, đau mình mẩy. Phép trị chủ yếu là "phát hãn" nghĩa là làm cho ra mồ hôi để đẩy tà khí ra ngoài. Xông hơi còn gọi là “xông giải cảm” là một dạng phát hãn thông qua hơi nước mang theo tinh dầu của các vị thuốc có tính tân ôn (cay ấm), giúp mở lỗ chân lông, làm tăng tuần hoàn máu ngoại vi, điều hòa thân nhiệt và giảm nhẹ các triệu chứng cảm lạnh.

"Xông hơi mang lại nhiều lợi ích như giúp làm giãn mạch ngoại vi, tăng tuần hoàn máu, giải tỏa sự tắc nghẽn ở mũi, họng, phế quản, làm vã mồ hôi, giúp đẩy tà khí ra ngoài, giúp cơ thể nhẹ nhõm, thư giãn, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, xông hơi chỉ nên dùng cho trường hợp cảm nhẹ, không sốt cao, không có bệnh nền nghiêm trọng", dược sĩ Nguyên chia sẻ.

Dược liệu thường dùng để xông hơi

Theo dược sĩ Nguyên, tùy vào điều kiện gia đình, người dân có thể sử dụng nhiều loại lá cây có tinh dầu, tính ấm, vị cay nhẹ, phổ biến ở Việt Nam. Những vị thuốc thường dùng như bạc hà, kinh giới, tía tô, hương nhu, sả, lá chanh, lá bưởi, vỏ quýt. Mỗi loại lấy khoảng một nắm tay, sử dụng lá tươi là tốt nhất, nhưng nếu có sẵn lá khô vẫn có thể dùng.

Ngoài ra, có thể gia giảm dược liệu tùy theo triệu chứng cụ thể như người sợ lạnh, sợ gió thêm gừng tươi, quế chi. Người đau nhức toàn thân thì thêm lá ngũ trảo, lá lốt, ngải cứu. Người có viêm mũi, nghẹt mũi kéo dài có thể thêm cây cứt lợn (cỏ mực hoa tím). Người có sốt nhẹ, cần hạ nhiệt bằng cách thêm lá tre, lá cúc tần.

Người dân có thể sử dụng nhiều loại lá cây có tinh dầu, tính ấm, vị cay nhẹ, phổ biến ở Việt Nam như lá bưởi, chanh....
Người dân có thể sử dụng nhiều loại lá cây có tinh dầu, tính ấm, vị cay nhẹ, phổ biến ở Việt Nam như lá bưởi, chanh....

Hướng dẫn cách xông hơi tại nhà

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

5-7 loại lá kể trên, mỗi loại một nắm (khoảng 100-150 g tổng cộng).
3-5 lít nước.
Một nồi có nắp đậy kín.

Bước 2: Nấu nước xông

Rửa sạch lá, cho vào nồi nước, đậy nắp kín.
Đun sôi khoảng 7-10 phút cho tinh dầu bốc hơi đều.
Nhấc nồi xuống, để nơi kín gió.

Bước 3: Tiến hành xông

Có 2 hình thức xông:

  • Xông toàn thân: Dùng một chiếc mền trùm kín người và nồi nước, giữ khoảng cách an toàn (30-40 cm) để tránh bỏng hơi. Hít thở sâu, thư giãn trong 10-15 phút.
  • Xông bộ phận: Nếu bị lạnh chân, nhức mỏi sau khi đi mưa có thể đặt chân lên ghế, xông hơi từ nồi bên dưới, phủ kín chân bằng khăn/mền. Có thể sử dụng ghế xông chuyên dụng, hoặc thiết kế nắp có lỗ nhỏ để đưa hơi lên.

Lưu ý an toàn khi xông như tránh để mặt hoặc chân quá gần nồi nước sôi. Sau khi xông xong, lau khô người, thay quần áo khô và nghỉ ngơi nơi ấm áp. Không nên tắm hoặc ra gió ngay. Tần suất khuyến nghị, có thể xông từ 1-2 lần khi mới chớm cảm là đủ. Không nên xông liên tục nhiều ngày vì dễ gây mất nước, hao khí.

Người có sốt nhẹ, cần hạ nhiệt bằng cách thêm lá tre, lá cúc tần trong nước xông
Người có sốt nhẹ, cần hạ nhiệt bằng cách thêm lá tre, lá cúc tần trong nước xông

Lưu ý khi sử dụng phương pháp xông hơi

Dược sĩ Nguyên lưu ý xông hơi chỉ nên là biện pháp hỗ trợ, không thay thế hoàn toàn cho thuốc nếu bệnh không thuyên giảm sau 2 ngày. Người có bệnh nền hoặc triệu chứng nặng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng. Không xông ngay sau khi ăn no hoặc đang đói.

Xông hơi bằng dược liệu dân gian là một phương pháp hữu hiệu trong điều trị cảm lạnh thể nhẹ, đặc biệt trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, mưa bão. Tuy nhiên, người dân cần thực hiện đúng cách, đúng đối tượng để phát huy hiệu quả và tránh rủi ro. Trong mọi trường hợp có biểu hiện bất thường như sốt cao kéo dài, khó thở, đau đầu dữ dội, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời

Các trường hợp không nên xông hơi

Theo dược sĩ Nguyên, việc xông hơi tuy đơn giản nhưng không phù hợp với mọi đối tượng. Những người sau không nên xông:

  • Đang sốt cao trên 38,5°C hoặc ra nhiều mồ hôi.
  • Mất nước, mất máu, tiêu chảy cấp.
  • Huyết áp cao hoặc huyết áp dao động, bệnh tim mạch nặng.
  • Người già yếu, thể trạng suy kiệt, mới ốm dậy.
  • Phụ nữ mang thai, đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi (do cơ chế điều nhiệt chưa ổn định).
  • Người có bệnh ngoài da lở loét, viêm nhiễm lan rộng.
  • Người có bệnh tâm thần hoặc không tự kiểm soát hành vi.
  • Người đang cảm do nắng nóng (trúng thử), mệt lả, say nắng.

Việc xông sai đối tượng có thể dẫn đến tụt huyết áp, mất nước, sốc nhiệt hoặc nặng hơn là ngất xỉu.

Theo Lê Cầm (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thảo dược trị cảm cúm

Thảo dược trị cảm cúm

Trong y học cổ truyền, nhiều loại thảo dược có tính ấm, giúp kháng khuẩn, kháng vi rút, và tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị cảm cúm. Dưới đây là một số thảo dược phổ biến và cách sử dụng.

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi lưu giữ nguồn dược liệu vô cùng phong phú. Từ nguồn tài nguyên này, cộng đồng người Bahnar đã cho ra đời những bài thuốc quý, lưu dấu qua bao thế hệ.

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.