Bầu Đức: Giấc mơ tỷ phú đôla và đường kinh doanh trượt dài trong nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuy vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào bầu Đức vẫn là hình mẫu khởi nghiệp ấn tượng, mà đến nay nhiều người vẫn dành cho ông sự cảm mến nhất định.

Sau 2 năm vật lộn với khoản nợ khổng lồ, cổ phiếu giảm dưới mệnh giá và luôn trong tình trạng bị cảnh báo đã đẩy tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vào thế bị động. Nếu quá trình kinh doanh của doanh nghiệp này được khái quát như một trận bóng đá thì HAGL đang trong thế bị dẫn bàn, lúc nào cũng phải chiến đấu như trong những “phút bù giờ”.

Và việc phải giữ thăng bằng cho doanh nghiệp của mình trên khoản nợ khổng lồ khiến cho những giấc mơ của bầu Đức trở nên vụn vỡ.


Giấc mơ từ Tây Nguyên

Tình hình của HAGL đã có phần cải thiện khi cổ phiếu lên sát mệnh giá. Nhưng điều này chưa đủ để làm bệ đỡ cho những giấc mơ lớn lao mà ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn HAGL từng chia sẻ trong quá khứ.

Ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn chuyển mình những năm 1990, với xuất phát điểm là một cơ sở đóng bàn ghế nhỏ, HAGL nhanh chóng phát triển thành một thương hiệu nội thất nổi tiếng ở Gia Lai, dần mở rộng sang các lĩnh vực khác như bất động sản (BĐS), khoáng sản, thủy điện và nông nghiệp (cao su, dầu cọ, mía đường, bò...).

 

Nhưng ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bầu Đức cũng nhận được sự cảm mến của nhiều người.
Nhưng ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bầu Đức cũng nhận được sự cảm mến của nhiều người.


Mười năm sau đó, người ta bắt đầu hình dung ra dáng dấp của một tập đoàn đa ngành hùng mạnh.

Những năm 2000 có thể nói là giai đoạn hoàng kim của HAGL, khi một loạt các dự án BĐS lớn lần lượt mang về cho công ty những khoản lợi nhuận khủng. Bầu Đức cũng bắt đầu nổi tiếng với những phát ngôn và hành động gây sốc, thậm chí khác người như cá tính mạnh của mình.

Bầu Đức cũng là doanh nhân Việt Nam đầu tiên sở hữu riêng một chiếc máy bay. Sức ảnh hưởng của đại gia phố núi này lớn đến mức hai quỹ đầu tư danh tiếng Dragon Capital và Jaccar xếp hàng trở thành cổ đông chiến lược của HAGL vào năm 2007.

Năm 2008, HAGL chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Theo định giá của Công ty Kiểm toán KPMG, giá trị tài sản ròng vào thời điểm đó của HAGL lên đến 17.100 tỷ đồng. Là người sở hữu hơn 54% cổ phần, bầu Đức nhanh chóng trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Thời điểm đó ông cũng không ngần ngại thổ lộ ước mơ trở thành tỷ phú USD đầu tiên ở Việt Nam.

 

"Chăn bò hay chăn cừu gì cũng được, miễn là có nhiều tiền, mà không sợ bị thiên hạ chê là dốt"-ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL

Năm 2011, ông Đoàn Nguyên Đức được Wall Street Journal bình chọn là một trong 29 vị doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất Đông Nam Á. Cũng trong năm này, HAGL gây tiếng vang khi phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 90 triệu USD cho định chế tài chính Credit Suisse và 55 triệu USD cho Temasek.

Sụp đổ ở Đông Dương

Nếu như Tây Nguyên là vùng đất ươm mầm cho giấc mơ tỷ phú USD của bầu Đức, thì việc mở rộng đầu tư sang các nước Đông Dương dường như lại là vết trượt dài của tập đoàn này.

HAGL hăng hái làm nên "cuộc cách mạng" lớn trong lĩnh vực nông nghiệp khi tiến quân vào Đông Dương với hàng chục nghìn ha cao su, cọ dầu, mía đường. Thêm vào đó là trang trại bò nghìn tỷ và một loạt nhà máy thủy điện trên đất Lào, để chuyển trục tăng trưởng từ “đại gia BĐS” sang “lão nông tỷ USD”.

Bầu Đức từng cho biết, tổng vốn ông đầu tư vào Lào lên tới một tỷ USD. Ông bắt đầu đầu tư vào nước này từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường.

 

Tham vọng chuyển hướng từ
Tham vọng chuyển hướng từ "đại gia BĐS" sang "Lão nông tỷ USD" khiến bầu Đức rơi vào vòng xoáy nợ nần.


Việc quyết liệt của HAGL đến nỗi mở ra một trào lưu về đầu tư nông nghiệp của các doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Thậm chí, khi được hỏi về chiến lược đầu tư vào cao su, ông Dương Văn Minh, Tổng giám đốc Gemadept, còn cho rằng: “Cứ làm theo bầu Đức là được.”

Nhưng những năm sau đó liên tục đánh dấu sự “gãy đổ” hàng loạt đối với các dự án đầy tham vọng này. Trong khi giấc mơ tỷ phú đôla vẫn chưa trở thành hiện thực thì cuộc phiêu lưu vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang để lại cho bầu Đức các món nợ phải trả lên đến hơn 1,6 tỷ USD.

Khi đặt niềm tin vào cao su, bầu Đức kỳ vọng: “Giá cao su trung bình từ 2.500 - 3.000 USD/tấn, khoảng 5 năm nữa, 25.000 ha cao su ở Lào được khai thác hết. Nhân sản lượng, diện tích, giá cả bình quân sẽ ra con số doanh thu và lợi nhuận khổng lồ trong tương lai. Chưa kể là năm thứ 20, chỉ riêng gỗ cao su khai thác của HAGL cũng được 1 tỷ USD”.

Tuy nhiên, giá lập tức đảo chiều giảm xuống 5 lần khiến cho những toan tính của bầu Đức lại trở thành áp lực. Đây cũng là điều khiến giấc mơ tỷ phú USD của ông chủ HAGL bị tan vỡ lần đầu tiên, đồng thời phải gồng gánh thêm chi phí duy trì đồn điền để chờ thời.

Không riêng cao su, mía đường cũng là một dự án được HAGL tin chắc thắng lơi, vì áp dụng cơ giới hóa lại được tưới nước nên năng suất mía ở đây rất cao, đẩy giá thành phẩm mía đường xuống thấp. Tuy nhiên khi vận hành, với chi phí cao mà lợi nhuận đắp đổi lại không mấy khả quan là lý do chính khiến mía đường trở thành vật “thế thân”, phải bán lại cho Thành Thành Công để trang trải nợ nần.

Năm 2014, bầu Đức tiếp tục đặt niềm tin vào sự nhạy cảm chiến lược của mình khi đầu tư lớn vào vào dự án nuôi bò. Và như thường lệ, trước một dự án đầu tư lớn, bầu Đức lại đưa ra những luận điểm hợp lý để thuyết phục cổ đông.

Đại gia phố núi đắc chí: “Ngày xưa, con cái mỗi khi học hành không được hoặc lười, các cụ thường doạ, học dốt thì sau này chỉ có nước đi chăn bò. Nhưng giờ thì khác, chăn bò hay chăn cừu gì cũng được, miễn là có nhiều tiền, mà không sợ bị thiên hạ chê là dốt”.

Đây có lẽ là dự án thành công nhất của HAGL khi quyết định lấn sân vào nông nghiệp. Minh chứng rõ ràng nhất là 2 năm qua, doanh thu của tập đoàn này chủ yếu đến từ việc kinh doanh bò. Mới đây, khi doanh nghiệp bị bao vây bởi các khoản nợ khổng lồ, bầu Đức đã tỏ ra ngậm ngùi trái hẳn với cá tính của mình: “Không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn”.

Nhưng với chi phí phải trả và áp lực nợ vay trong ngắn hạn thì đàn bò sữa 7.500 con cũng đang đứng trước nguy cơ bị chuyển nhượng, vì tiềm năng không còn.
Những giấc mơ chưa thành vì nợ

Bầu Đức từng chia sẻ nhiều về những giấc mơ từ chuyện trở thành tỷ phú USD bằng nông nghiệp, hay giấc mơ cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch Seagame với lứa cầu thủ từ học viện của mình. Nhưng thực tế đã rất phũ phàng, khi nông nghiệp thay vì hiện thực hóa giấc mơ tỷ phú USD lại đẩy ông thành con nợ tỷ USD. Còn lứa cầu thủ được ươm mầm từ học viện lại khiến ông bẽ mặt, khi trắng tay tại Seagame sau lần đầu chinh chiến.


 

Cơ cấu nợ vay của HAGL trong 5 năm qua. Đồ họa: Lee Nguyễn.
Cơ cấu nợ vay của HAGL trong 5 năm qua. Đồ họa: Lee Nguyễn.



Trong quá khứ, bầu Đức là người rất giỏi trong việc huy động vốn và thu hút được nhiều nhà đầu tư. Có thời điểm HAGL có hơn 10 định chế tài chính lớn đầu tư vào tập đoàn này, như Jaccar, Dragon Capital, Deutsche Bank, Temasek, Vietcombank, Sacombank, BIDV…Bây giờ, phần lớn trong số này là chủ nợ lớn của HAGL.

Có lẽ trong một năm qua, việc HAGL tập trung nhất vẫn là cầm cố hoặc bán bớt tài sản để trả nợ. Để trấn an cổ đông cùng đối tác, bầu Đức tuyên bố: “HAGL không thể chết”.

Hiện các tài sản có giá trị của HAGL đều phải cầm cố ở ngân hàng. Bầu Đức thậm chí phải thế chấp bằng chính lượng cổ phiếu HAG mà mình nắm giữ, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG và tài sản của vợ. Để tiết giảm chi phí hoạt động, người từng được coi là giàu nhất Việt Nam mới đây còn bán luôn cả chuyên cơ Beechcraft King Air350.

Trong năm 2016, chi phí lãi vay mà HAGL phải chịu lên tới 1.579 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất của HAGL năm 2016 cải thiện nhẹ so với năm trước, khi đạt 6.439 tỷ đồng. Nhưng do chi phí tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 1.000 tỷ đồng, giảm đến 45% so với năm trước. Cộng với chi phí lãi vay tăng vọt khiến cho lần đầu tiên trong lịch sử, công ty ghi nhận khoản lỗ lên đến 1.502 tỷ đồng.

Dù doanh thu bán bò có tăng lên 36% (3.465 tỷ đồng) cộng với các khoản chuyển nhượng dự án BĐS và khai thác cao su cũng chỉ như “muối bỏ bể” nếu cân đối khoản nợ mà HAGL đang gánh. Tổng nợ phải trả của HAGL cuối năm 2016 đã tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng lên đến 36.113 tỷ đồng, tương ứng gấp đôi với với vốn chủ sở hữu.

Thậm chí, theo Công ty kiểm toán EY, tỷ lệ nợ ngắn hạn trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao tài sản cố định (EBITDA) và tỷ lệ nợ thuần trên vốn chủ sở hữu của thành viên Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tính đến cuối năm ngoái đã vượt mức cho phép trong hợp đồng mua bán trái phiếu với Temasek.

 

Bán tài sản trả nợ

Năm ngoái, hàng chục ngân hàng có dư nợ tín dụng tại HAGL đã nhóm họp dưới sự chủ trì của Ngân hàng BIDV - chủ nợ lớn nhất.

Tại cuộc họp này, nhóm các nhà đầu tư đã thống nhất giãn tiến độ trả nợ trái phiếu đến năm 2021-2026, giảm lãi suất cho HAGL và không đưa các khoản dư nợ vào mục nợ xấu.

 

HAGL đang chịu sức ép rất lớn từ lãi vay. Đồ họa: Lee Nguyễn.
HAGL đang chịu sức ép rất lớn từ lãi vay. Đồ họa: Lee Nguyễn.



Hiện HAGL đang xin ý kiến cổ đông về việc chấp nhận chủ trương chuyển đổi lượng trái phiếu 1.100 tỷ đồng của Temasek dự kiến sẽ đáo hạn vào tháng 8 tới đây. Giá chuyển đổi dự kiến thấp hơn đáng kể so với mức giá 19.645 đồng/cổ phiếu được hai bên thống nhất vào năm 2015.

Nếu được cổ đông chấp nhận, việc chuyển đổi cho trái chủ Temasek sẽ giảm bớt phần nào áp lực trả nợ, vấn đề thanh khoản sẽ được giải quyết.

Giá cổ phiếu có thể được đẩy lên nếu như HAGL thanh lọc được các mảng kinh doanh không hiệu quả bằng cách bán bớt để trả nợ. Sau khi thanh lý được 2 dự án thủy điện tại Lào vào năm ngoái thì năm nay mảng mía đường cũng được nhượng lại.

 

"Giá đất bình quân chưa đến 1 triệu đồng/m2, cộng thêm chi phí xây dựng 6 triệu đồng/m2, xây xong căn hộ, bán giá nào cũng có lãi"-ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL

Thời điểm này, HAGL bán tài sản không phải để tìm kiếm lợi nhuận, mà chỉ muốn nhanh chóng cơ cấu lại các khoản nợ liên quan đến các lĩnh vực đầu tư này.

Hiện tại, HAGL đang sở hữu 38.428 ha cao su, trong đó 22.177 ha tại Lào, 2.394 ha tại Việt Nam và 13.857 ha tại Campuchia. Dự kiến HAGL sẽ giảm quy mô, bán bớt 20.000 ha ở Lào trong tổng số hơn 38.000 ha để giảm bớt nợ vay.

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của khu phức hợp tại Myanmar, HAGL cũng đang tìm kiếm các đối tác khác để chuyển nhượng. Một số thông tin cho thấy, bầu Đức có thể sẽ chuyển nhượng dự án nếu được giá (có thể là khoảng 10.000 tỷ đồng).


Những cuộc "cách mạng" không thành

Hơn 10 năm lấn sân đa ngành, dễ dàng nhận thấy HAGL đi vào lĩnh vực nào thì đó như một “cuộc cách mạng”.

Với bóng đá là những thương vụ bom tấn trong giai đoạn đầu, và đặt nền móng cho việc đào tạo trẻ.

Với BĐS là cuộc cách mạng về nhà ở, khi phát triển ồ ạt và mức giá tương đối rẻ so với thị trường.

Với nông nghiệp, ông cũng khởi xướng cho một làn sóng làm nông nghiệp quy mô lớn với công nghệ cao. Tuy nhiên những “cuộc cách mạng” này đến nay đã có dấu hiệu thất bại vì tiến hành không đúng với thời điểm.

Rũ bỏ BĐS và quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp với hàng loạt dự án có quy mô lớn cả về vốn lẫn diện tích, nhưng những năm gần đây HAGL lại dành nhiều thời gian hơn cho những cuộc tháo chạy, như đã từng làm với BĐS trước đó.

Năm 2011, bầu Đức quyết định bán phá giá căn hộ cao cấp của mình từ 2.300 USD/m2 xuống còn 1.350 USD/m2.  Đây là cơ sở cho một cuộc tháo chạy lớn khỏi thị trường BĐS đang trong tình trạng đóng băng, và manh nha kế hoạch đầu tư sang ngành khác.

Thời điểm đó, bầu Đức cũng không ngại tuyên bố điều mà các ông chủ địa ốc thường chẳng dám nói với người tiêu dùng, rằng “giá đất bình quân chưa đến 1 triệu đồng/m2, cộng thêm chi phí xây dựng 6 triệu đồng/m2, xây xong căn hộ, bán giá nào cũng có lãi”.

Dư âm BĐS của HAGL hiện chỉ còn dự án phức hợp tại Myanmar, và ông cũng không quên "lên gân" với các cổ đông, rằng: “Một doanh nghiệp lớn như HAGL nếu không vươn ra nước ngoài mà chỉ quanh quẩn đầu tư trong nước, thì khó đảm bảo được mức tăng trưởng bình quân 70% mỗi năm.

Theo zing.vn

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.