Bất tử lời tiễn biệt người đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xưa nay, Tây Nguyên là vùng đất kỳ thú. Trong rất nhiều giá trị tạo nên diện mạo văn hóa đặc sắc không thể lẫn lộn ấy, lời khấn bỏ mả là một đóng góp.

Tây Nguyên trước kia không bận rộn như ngày nay. Cư dân Tây Nguyên xưa làm 6 tháng 1 vụ mùa. Thời gian nửa năm còn lại, người Tây Nguyên dành để đi thăm anh em họ hàng, lên núi tìm ong, xuống suối bắt cá, vui đùa cùng nhau, mê mải nhiều khi quên cả tháng ngày. Rất có thể, đây là lý do để nhiều cộng đồng cư trú lâu đời trên miền đất đỏ này không tính một năm gồm 12 tháng, mà nhất định phải có 1 tháng mang cái tên rất lạ, dịch ra tiếng Việt là “tháng quên”. Quên tức là không nhớ. Vui quá mà quên cả thời gian trôi, phải chăng chỉ có người Tây Nguyên xưa?

Nhưng quên gì thì quên, người Tây Nguyên luôn nhớ kỳ bỏ mả. Vì sao? Vì đó là ngày tụ họp đông vui, náo nhiệt và ý nghĩa nhất của mỗi cộng đồng. Bỏ mả vốn là việc riêng của từng gia đình, nhưng với người Tây Nguyên, việc nhà lại cũng chính là việc của cả buôn làng. Người Tây Nguyên xưa không cá nhân hóa đời sống của mình. Vì thế, trong câu cửa miệng khi giao tiếp, thay vì hỏi tên khách lần đầu gặp gỡ, ta thường thấy bà con nhẹ nhàng: Anh/chị/ông/bà/em/cháu người làng nào? Cũng bởi, làng vô cùng quan trọng đối với mỗi người Tây Nguyên, ai đó buộc phải bỏ làng mà đi, cuộc đời coi như đã chấm hết. Mối quan hệ mật thiết không thể gì chia cắt ấy, càng được thể hiện rõ hơn khi cộng đồng tổ chức tiễn biệt một người về bên kia thế giới.

Bỏ mả được gia đình có người qua đời chuẩn bị trong một thời gian khá dài, đôi khi qua vài ba mùa mưa, nhưng cũng có trường hợp con số ấy là dăm bảy năm. Lúc mọi sự đã sẵn sàng, họ báo cho anh em bà con và cộng đồng cùng biết. Đến ngày ấn định, tại nghĩa địa của làng, không chỉ người trong gia đình, dòng họ, dân làng đến tham dự đông đủ cùng với những đóng góp vật chất mà còn có sự tham gia của những người từ các cộng đồng khác, nhiều khi ở nơi rất xa.

Bỏ mả luôn được làm vào các khoảng thời gian nông nhàn. Tiếng chiêng thánh thót vang vọng suốt ngày đêm bên một góc rừng phía Tây, hòa quyện cùng hương thơm của rượu và thịt, thực sự quyến rũ bất kỳ ai đã đặt chân đến nơi này. Trong bối cảnh ấy, những lời tâm tình gan ruột của người sống dành cho người đã mất xuất hiện.

Một nghi lễ truyền thống được người Jrai phục dựng. Ảnh: N.Q.T

Một nghi lễ truyền thống được người Jrai phục dựng. Ảnh: N.Q.T

Cần nhắc lại rằng, đa phần các cộng đồng người Tây Nguyên xưa không quan niệm chết là hết. Dân tộc Bahnar, Jrai ở Gia Lai xem lễ bỏ mả là một sự kiện văn hóa đặc sắc nhất mà họ có thể tổ chức để tiễn biệt thành viên của gia đình, cộng đồng mình sang thế giới bên kia tiếp tục cuộc sống mới. Đúng là có tiếng khóc, có sự xót thương, nhưng đó không phải là cảm hứng chủ đạo trong lễ bỏ mả. Trang phục đẹp nhất, nhà mồ và tượng mồ đẹp nhất cùng với tiếng chiêng vang vọng nhất, tâm trạng vui sướng nhất… là những gì người sống muốn làm cho người đã chết vui, thanh thản gia nhập vào một cộng đồng khác.

Người sống nói gì với người đã khuất trong lễ bỏ mả? Thường thì chính người thân trong gia đình hoặc vị thầy cúng sẽ nói nhẹ nhàng, đôi khi pha lẫn đôi câu vần vè, đại ý: Từ nay, người trong gia đình sẽ không còn nuôi mả, dù sự nhớ thương vẫn nhiều như trước. Sớm chiều sẽ không còn người ra nhà mồ để đốt lửa, chuyện trò hay uống chung rượu nữa. Người chết từ đây muốn ăn cá hay thịt, ăn rau hay củ quả gì thì hãy đi tìm những vị thần cai quản sông suối, núi rẫy có những thứ ấy mà xin…

Biết tình thương yêu không bao giờ hết nên sau khi kể ra những việc đã làm trong lễ bỏ mả này cho người chết (nhà mả, tượng mồ, heo gà, rượu…), người sống sẽ đề đạt nguyện vọng, đại ý: Xin (người chết) đừng trở về làng cũ, xin đừng bám theo sau những người thân quen nữa. Hãy để mỗi bên đi một đường, quay lưng lại với nhau. Hoa lá đã rụng không thể chắp nối trở lại cành, chúng ta từ hôm nay cũng vậy.

Quan sát thực tế có thể thấy, sau lời tiễn biệt ấy, gương mặt những người tham dự lễ bỏ mả không còn căng thẳng nữa. Có thể hiểu từ đây, mối liên hệ giữa hai thế giới đã được cắt đứt. Người sống tiếp tục cuộc hành trình của mình và người đã chết cũng an lòng đi vào một cõi khác.

Có một câu hỏi vui, rằng người Tây Nguyên có sợ người chết không? Có. Bằng chứng là ở phần lớn các cộng đồng Tây Nguyên, cho đến trước khi lễ bỏ mả được tiến hành, người chết vẫn được xem là một thành viên của gia đình và cộng đồng. Đó là lý do khiến họ vẫn được người thân mang cho đồ ăn thức uống mỗi ngày, được chuyện trò như chưa từng nằm sâu dưới lòng đất. Đây chính là khoảng thời gian mà người sống sợ người chết. Vì rằng, theo quan niệm của người Tây Nguyên xưa, khi đó người chết chưa “hóa kiếp”. Bóng hình còn tồn tại nên nếu sự ứng xử của người sống không làm người chết hài lòng, họ có thể nổi giận, gây hại đến cá nhân, cộng đồng.

Lễ bỏ mả của người Tây Nguyên từng có thời kỳ được tổ chức hoành tráng. Hàng trăm ảnh tư liệu từ khoảng đầu thế kỷ XX đến trước năm 1945 cho thấy nghi lễ này luôn được các cộng đồng trọng vọng, tôn kính hết mực. Ngày nay, cuộc sống của người Tây Nguyên đã thay đổi. Lễ bỏ mả cũng theo đó mà được rút gọn, thu nhỏ lại. Dù vậy, tình cảm của người ra đi và người ở lại vẫn đằm thắm, thủy chung. Trong nghi lễ ấy, như một khúc ca bất tử truyền đời, lời khấn bỏ mả luôn xuất hiện như một giá trị xuyên suốt, nối liền quá khứ và hiện tại, gần gũi và đầy tính nhân văn của người Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.