Những ngày qua, thời tiết khá nắng nóng khiến nhiều chị em tìm đủ cách chống nắng mỗi khi ra đường. Nếu đi cùng con, các bà mẹ lại kỹ càng hơn.
Bảo vệ trẻ khi nắng gắt khỏi tác hại của ánh nắng gay gắt là rất cần thiết song nên thực hiện đúng cách |
Chị Ng.T.T.A mỗi khi chở con đi học đều mang theo 2 chiếc áo khoác và một tấm khăn bông. Tuy cậu bé 7 tuổi luôn than phiền khó chịu nhưng chị bắt con phải "che chắn" kỹ. Một lần cậu bé đi học về, cảm thấy nóng quá nên chạy ù ngay vào phòng, ngồi trước quạt và sau đó bị nhiễm lạnh. Lo lắng, chị A. đưa cháu bé đi khám, cho rằng trời nắng quá nên bé bệnh. Thế nhưng, vị bác sĩ (BS) lại khuyên chị hãy hướng dẫn bé cách dùng quạt và đừng nên "trùm" kỹ quá.
BS Nguyễn Minh Tiến-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng việc bảo vệ trẻ khỏi tác hại của ánh nắng gay gắt là rất cần thiết song nên thực hiện đúng cách. Ví dụ, loại áo chống nắng tốt nhất là một chiếc áo trắng, chất liệu cotton thoáng mát và thấm hút mồ hôi. Ngược lại, dùng áo sẫm màu sẽ hấp thụ nhiệt lượng, chất liệu không phù hợp cũng khiến trẻ khó chịu, đổ mồ hôi nhiều. Với thời tiết như hiện nay, đổ mồ hôi nhiều sẽ dẫn đến mất nước, trẻ có thể bị choáng, mệt mỏi. Và cho dù có dùng nón, áo khoác để chống nắng cũng không nên để trẻ ở ngoài đường quá lâu vào những thời điểm nắng gắt.
Ngoài ra, chống nắng không có nghĩa là bất kỳ lúc nào cũng phải trùm kín mít. Ánh nắng, như nhiều người đã biết, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tổng hợp vitamin D cũng như trong nhiều hoạt động sống khác của cơ thể. Vì vậy, nên phân biệt giữa loại "nắng tốt" và nắng ở thời điểm gay gắt, chứa nhiều tia tử ngoại. Theo BS Minh Tiến, thời điểm tốt nhất để trẻ tiếp xúc với nắng là trước 8 giờ sáng, nếu có thể ra ngoài trời trước 7 giờ càng tốt vì cái nắng đầu ngày rất có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, một số trẻ nhỏ sau thời gian "chịu đựng" cái nóng bức ngoài đường, khi về đến nhà là lao ngay về phía máy lạnh hay quạt điện. Phụ huynh nên lưu ý trẻ về điều này, cần đặt chế độ quạt, máy lạnh phù hợp đối với trẻ nhỏ chưa thể sử dụng các phương tiện này. Khi cơ thể đang nóng nực, đổ mồ hôi, các lỗ chân lông nở to mà lại bị gió, hơi lạnh thổi trực tiếp vào, trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh. Tốt nhất, quạt gió nên để ở chế độ chuyển động qua lại và máy lạnh cũng chỉ nên để ở nhiệt độ vừa phải, không quá cách biệt so với nhiệt độ ngoài trời. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nhiệt độ máy lạnh phù hợp với thời tiết TP. Hồ Chí Minh là vào khoảng 25-26 độ C.
Theo nld