Bài giảng điện tử: Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bài giảng điện tử được xem là phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tại Gia Lai, phương pháp này đã được nhiều giáo viên áp dụng và triển khai một cách linh hoạt.
Chủ động, sáng tạo từ người dạy
Dù đã tiếp cận với việc soạn giáo án và trình bày bài giảng điện tử hơn 10 năm trước, song với cô Lê Thị Trung Anh-giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), phương pháp này lúc nào cũng đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo từ phía giáo viên. Đó là lý do khiến cô không ngừng tìm hiểu, tích cực nghiên cứu tư liệu để nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào soạn giáo án, giúp bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn đối với học sinh.
Cô Anh cho hay: Trước đây, việc soạn giảng điện tử chỉ đơn thuần là thiết kế giáo án bằng powerpoint thay vì viết tay hoặc gõ trên word. Cùng với đó là chèn thêm một số hình ảnh, thay đổi cỡ chữ, kiểu chữ, màu chữ rồi trình chiếu cho học sinh trong tiết dạy. Thế nhưng khi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, bắt buộc giáo viên phải tìm cách thích nghi để đáp ứng yêu cầu. “Việc soạn giảng điện tử cũng được nâng tầm hơn, phụ thuộc vào kỹ năng và sự sáng tạo của từng giáo viên. Chẳng hạn, đối với 2 bộ môn Hóa học và Sinh học mà tôi đảm trách, ngoài phần lý thuyết bằng chữ, tôi còn có những nội dung được thiết kế dưới dạng sơ đồ tư duy để học sinh nhìn vào có thể nhớ ngay nội dung chính của bài. Bên cạnh đó, minh họa thêm cho bài học những hình ảnh động, video clip hoặc các thí nghiệm liên quan. Đồng thời, giúp việc dạy học trực tuyến trở nên thuận lợi hơn khi học sinh phải tạm nghỉ để phòng-chống dịch Covid-19”-cô giáo Anh nói.
1- Cô Lê Thị Trung Anh (giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đang soạn giảng giáo án điện tử cho bài dạy môn Hóa học. Ảnh: Mộc Trà.
Cô Lê Thị Trung Anh (giáo viên Trường THCS Phạm Hồng Thái, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) soạn giảng giáo án điện tử cho bài dạy môn Hóa học. Ảnh: Mộc Trà
Tương tự, cô Trần Thị Thùy Minh-giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku) cũng luôn tìm cách làm mới bài giảng của mình thông qua giáo án điện tử. “Để có được tiết dạy sinh động, hiệu quả, tôi thường mất nhiều thời gian hơn để soạn giảng điện tử. Tất cả nội dung bài học dù thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh hay clip cũng phải được sắp xếp một cách logic, khoa học, đảm bảo dễ hiểu. Hình thức biểu đạt cũng phải bắt mắt và thu hút. Khi dạy bằng giáo án điện tử, tôi cảm thấy tự tin hơn nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, còn học sinh thì thích thú và tiếp thu bài khá nhanh”-cô Minh chia sẻ.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Thầy Đỗ Bách Khoa-Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng-thông tin: Trường hiện có 45 giáo viên. Lợi thế của trường là tất cả thầy-cô giáo đều trẻ tuổi, năng động nên khá nhạy bén trong việc tiếp cận và áp dụng công nghệ vào giảng dạy và soạn giáo án. Những năm qua, nhà trường cũng đã triển khai và khuyến khích giáo viên soạn giảng điện tử sao cho phù hợp với từng bài dạy. Đặc biệt, phương pháp này đã được các thầy cô ứng dụng khá tốt khi nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến trong khoảng thời gian nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19. Từ ngày 1-8 đến nay, chúng tôi cũng đang tổ chức tốt việc ôn tập, củng cố kiến thức trực tuyến cho học sinh trước khi bước vào năm học mới. Gần 600 học sinh toàn trường, trong đó có 300 học sinh khối lớp 10 vừa trúng tuyển đều nghiêm túc tham gia. 
Nỗ lực đổi mới giảng dạy là thế nhưng tại nhiều trường vùng khó, tỷ lệ giáo viên soạn giảng điện tử rất ít. Thầy Trần Văn Chương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) phân trần: “Đứng chân trên địa bàn xã biên giới, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ở trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặt khác, đội ngũ giáo viên không ít người đã lớn tuổi, khả năng ứng dụng CNTT vào soạn giảng khá hạn chế. Năm học 2020-2021, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, nhà trường mua được 4 chiếc ti vi từ nguồn xã hội hóa nên các giáo viên dạy lớp 1 mới có điều kiện để áp dụng bài giảng điện tử. Số còn lại vẫn chủ yếu dạy theo phương pháp truyền thống. Việc soạn giảng điện tử hầu như chỉ được thầy cô áp dụng khi có tiết dự giờ, thao giảng”.
4- Tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krai, huyện Ia Grai), việc ứng dụng CNTT vào dạy học của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mộc Trà.
Tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Ia Krai, huyện Ia Grai), việc ứng dụng CNTT vào dạy học của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mộc Trà
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lê Duy Định, triển khai thực hiện Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngành đã chú trọng ứng dụng CNTT vào đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá. Trong đó có việc xây dựng kho học liệu số, tài liệu điện tử phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, nhất là dạy học trực tuyến. Sở GD-ĐT đã mua sắm, trang bị phần mềm soạn giảng E-Learning cho 50 trường THPT, 235 trường THCS khai thác sử dụng và đang triển khai ở bậc tiểu học. Bước đầu đã có kết quả trong việc hỗ trợ giáo viên soạn giáo án, chuẩn bị các tiết dạy trình chiếu, ứng dụng đa phương tiện; đồng thời, hỗ trợ công tác biên tập, xây dựng bài giảng E-Learning ở các trường học nhằm giúp học sinh tự học, ôn tập, rèn luyện kiến thức. Năm học 2019-2020, từ giáo án điện tử và bài giảng E-Learning của giáo viên với sự hỗ trợ của VNPT Gia Lai, Viettel Gia Lai, công tác dạy học trực tuyến trong các trường THPT đã có bước chuyển biến mạnh mẽ với 14.659 khóa học, 2.900 giáo viên tham gia giảng dạy và 30.402 học sinh học tập, rèn luyện. 
“Năm học 2020-2021, dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng toàn ngành cũng đã chủ động trong công tác giảng dạy và học tập. Việc ứng dụng CNTT để soạn giảng, triển khai dạy học qua mạng internet được đẩy mạnh, đảm bảo nội dung chương trình và an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 của tỉnh tiếp tục tăng bền vững. Có thể nói, đây là kết quả minh chứng cho những nỗ lực trong chuyển đổi số của ngành thời gian qua”-ông Định cho biết.
Việc soạn giảng điện tử đã giúp giáo viên triển khai dạy học trực tuyến thuận lợi hơn trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
Việc soạn giảng điện tử đã giúp giáo viên triển khai dạy học trực tuyến thuận lợi hơn trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học chỉ triển khai thuận lợi ở bậc THPT, hạn chế dần xuống bậc THCS, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là do kỹ năng sử dụng phương tiện CNTT của giáo viên và khả năng tiếp cận của học sinh giảm theo từng cấp học tương ứng. Ngoài ra, một số trường chưa phát huy hết hiệu quả phần mềm được trang bị. Hầu hết các đơn vị chỉ sử dụng nội bộ bài giảng trong trường, không tổ chức cập nhật, chia sẻ lên trang thông tin điện tử và chỉ một số ít triển khai qua hệ thống học tập trực tuyến của ngành. Một bộ phận phụ huynh, học sinh vùng khó khăn chưa có phương tiện để kết nối học trực tuyến. 
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Trường THPT Pleiku nâng cao chất lượng dạy học

Trường THPT Pleiku nâng cao chất lượng dạy học

(GLO)- Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 10 và 11, Trường THPT Pleiku đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như nâng cao chất lượng dạy học.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

(GLO)- Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS toàn tỉnh Gia Lai năm học 2023-2024 đã bế mạc vào sáng 23-4. Không chỉ tạo cơ hội cho giáo viên khẳng định năng lực chuyên môn, hội thi còn là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt-học tốt.