Bài cuối: Tập trung phòng-chống hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với tình trạng mực nước trên các sông suối giảm dần, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục giảm ở mức thấp hơn 30-35% so với trung bình nhiều năm; dung tích trữ nước ở các hồ chứa nước chỉ còn 30-50%, việc đảm bảo nước cho 53.464 ha cây trồng trên địa bàn tỉnh thực sự là vấn đề khó. Biết khó, nhưng từng hộ dân, chính quyền từ tỉnh đến huyện vẫn đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tìm nguồn nước để chống hạn.

Nỗ lực cứu cây trồng


Nhằm đối phó với tình hình khô hạn, giảm thiểu thiệt hại cho cây trồng gia đình anh Lê Văn Phương (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đã bỏ ra 50 triệu đồng cảo giếng sâu đến 35 mét để lấy nước tưới. Ở thôn Thiên An, nhiều hộ dân còn đào 2-3 giếng, sâu hơn 100 mét để lấy nước. Nhiều hộ dân huyện Đak Đoa bỏ tiền thuê thợ đào giếng rộng ở đáy rồi khoan ngang dưới đáy giếng để tìm nguồn nước ít ỏi giải cơn khát cho cây trồng dài ngày. Còn ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa nói: Trước nguy cơ khoảng 110 ha lúa bị cháy do không đủ nước tưới, huyện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề nghị các công ty thủy điện phía thượng nguồn sông Ba và suối Đak Pi Hao chia sẻ nguồn nước cho các trạm bơm trên địa bàn huyện đảm bảo nước phục vụ yêu cầu sản xuất.

 

  Dòng suối cạn kiệt, dân mỏi mòn chờ nước tưới. Ảnh: Minh Triều
Dòng suối cạn kiệt, dân mỏi mòn chờ nước tưới. Ảnh: Minh Triều

Tận dụng tối đa nguồn nước có thể; sử dụng nước tiết kiệm; nạo vét hệ thống kênh mương để khơi thông dòng chảy; chuẩn bị kinh phí hỗ trợ cho nông dân mua dầu bơm tưới; đào ao tích nước phục vụ tưới… là giải pháp chống hạn được hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai với hy vọng giúp cây trồng chống chọi với đại hạn. Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi đã triển khai giải pháp tiếp nước giữa các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, khai thác để duy trì nguồn nước chống hạn. Ông Trương Vân-Giám đốc Công ty cho biết, khi mực nước đầu cống công trình đập dâng Ia Lâu xuống còn 0,5 mét sẽ được tiếp nhận nước từ hồ Plei Pai và khi mực nước xuống còn 0,3 mét sẽ tiếp nhận nguồn nước từ hồ chứa Ia Glai thông qua hệ thống dẫn là suối dài 35 km. Việc tiếp nước cho công trình Plei Thơ Ga, Ia Hlốp và các công trình trên trục suối Ia Hlốp do huyện Chư Pưh quản lý được lấy từ hồ chứa Ia Ring qua hệ thống kênh N12.

Nỗ lực chống hạn đang được nông dân, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã thực hiện quyết liệt. Song theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ông Lê Văn Lịnh thì nguồn nước sẽ tiếp tục cạn kiệt trong thời gian tới nên giải pháp giải quyết nguồn nước tưới là vận động nhân dân không bơm tưới cây trồng ngắn ngày không còn khả năng phục hồi để tập trung nguồn nước cho các cây trồng còn khả năng cứu vãn, cây trồng dài ngày.

Cần giải pháp tránh hạn bền vững

Thực tế, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng để tránh hạn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nhiều năm qua. Điển hình, trong vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, nhiều địa phương khuyến cáo nông dân không gieo sạ lúa trên diện tích không đảm bảo nguồn nước. Theo đó, đã có hơn 300 ha đất trồng lúa, màu không đảm bảo nước tưới tại các huyện: Chư Pah, Đak Pơ, Chư Sê, Chư Pưh... được chuyển sang cây trồng khác. Mức độ cây trồng bị thiệt hại do nắng hạn giảm so với các mùa hạn trước. Tuy nhiên, ông Lịnh nhìn nhận kết quả chuyển đổi đạt được vẫn còn manh mún, chưa có đề án chuyển đổi cụ thể. Vì vậy, để giảm thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra trên lĩnh vực trồng trọt, cần có đề án chuyển đổi cây trồng quy mô lớn phù hợp với điều kiện từng vùng. Hiệu quả của đề án chuyển đổi phải bền vững, từ 15 đến 20 năm. Đặc biệt chú ý sử dụng cơ cấu giống cây trồng ít cần nước, cây trồng chịu hạn; xem xét chuyển quỹ đất thường xuyên bị hạn sang trồng cỏ nuôi bò...

Trong điều kiện khô hạn như hiện nay, sử dụng nước tiết kiệm cũng là giải pháp chống hạn hiệu quả. Giải pháp tiết kiệm nước hữu hiệu hiện nay, theo ông Lịnh, là cần nhân rộng phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới luân phiên... Riêng cây lúa nước cần có kế hoạch điều tiết nước hợp lý. Thời kỳ nào lúa cần nước nhiều thì cung cấp nhiều; thời kỳ lúa cần nước ít thì cấp nước ít. Sớm khắc phục tình trạng sử dụng nước theo kiểu vắt từng hột khi thiếu nước; thả nước đi rông tới nơi không cần nước khi thừa nước.

Đầu tư hệ thống công trình thủy lợi; hệ thống kênh mương để tiếp nước giữa các công trình thủy lợi; điều chỉnh đơn vị chủ quản hệ thống công trình thủy lợi một cách phù hợp cũng là giải pháp chống hạn căn cơ. Ông Trương Vân-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh nêu ý kiến: Sớm triển khai đầu tư xây dựng hồ chứa nước Plei Thơ Ga với dung tích chứa theo thiết kế 5 triệu m3 nước đã được đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2015-2020; xem xét giao lại hệ thống đập dâng trên hệ thống suối Ia Hlốp (hiện do huyện Chư Pưh và Chư Sê quản lý) nằm trước công trình Plei Thơ Ga cho Công ty quản lý để chủ động điều tiết nguồn nước từ hồ chứa Ia Ring đến Plei Thơ Ga. Tiếp đến, công trình thủy lợi Ia Mlah đang thừa nước, trong khi hồ Phú Cần, trạm bơm Chư Gu ở huyện Krông Pa lại thiếu nước. Do vậy, nên xem xét giao hồ Phú Cần và trạm bơm Chư Gu cho Công ty quản lý, đồng thời hỗ trợ vốn để Công ty xây dựng hệ thống kênh chính Ia Mlah kéo dài cân đối nguồn nước giữa các công trình thủy lợi này...

Nhóm phóng viên Kinh Tế

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.