(GLO)- Hàng năm riêng tỉnh Gia Lai chi ngân sách rất lớn cho hoạt động của 222 HĐND xã, phường, thị trấn. Thực chất hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã hiện chưa có đánh giá vì Gia Lai không thuộc diện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, phường, thị trấn như một số tỉnh, thành. Song thực tế đang đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ HĐND cấp xã hoặc chỉ bỏ HĐND phường, thị trấn.
Ngân sách chi lớn nhưng hiệu quả thấp
Trước khi thông qua Hiếp pháp 2013, ở một số thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang thí điểm không tổ chức HĐND tại một số quận, huyện, phường. Việc thí điểm chưa có một đánh giá sơ kết hoặc tổng kết những việc được và chưa được sau một thời gian thí điểm nhưng do yêu cầu trong tình hình mới nên Hiến pháp 2013 thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Hiến pháp 2013 vẫn tổ chức HĐND và đồng thời định hướng tổ chức chính quyền địa phương không có HĐND. Một trong những lý do quan trọng đặt ra là nếu không tổ chức HĐND xã thì ai sẽ đại diện cho các cử tri kiến nghị những vấn đề phát sinh trong cuộc sống đến các cấp. Bởi người dân sống ở khu vực này kinh tế khó khăn, dân trí thấp… họ đòi hỏi phải có đại diện cử tri bảo vệ quyền và lợi ích cho mình trên một số lĩnh vực đời sống xã hội.
Nông dân trồng rau màu ở xã Trà Đa-TP.Pleiku. Ảnh: Lê Văn Nhung |
Song, một thực tế đặt ra là hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã rất thấp và hàng năm “ngốn” nguồn ngân sách rất lớn. Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND thì số đại biểu HĐND cấp xã được phân bổ theo quy mô dân số và cụm dân cư. “Xuân thu nhị kỳ” mỗi năm các đại biểu HĐND cấp xã được triệu tập qua 2 kỳ họp. Tại các kỳ họp này, nói cho “oai” là quyết nghị phân bổ ngân sách và các chỉ tiêu khác nhưng thực chất các đại biểu “giơ tay” biểu quyết gần như đã được ấn định theo định hướng từ cấp trên cho các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh… Chức năng giám sát của HĐND cũng rất yếu và các đại biểu chưa chắc đã biết giám sát gì, chất vấn gì.
Theo Chủ tịch UBND phường Hội Thương (TP. Pleiku) Hoàng Minh Nghĩa: “Đối với phường chúng tôi, thực ra những công việc liên quan đến quyền lợi người dân, UBND phường phải có trách nhiệm giải quyết. Nếu không thỏa đáng, người dân phản ánh trực tiếp lên cấp trên chứ cần gì thông qua đại biểu HĐND”. Ông Nghĩa còn đưa ra một số liệu minh chứng, tại phường Hội Thương có 23 đại biểu, mỗi đại biểu mỗi tháng phụ cấp hệ số 0,3 so với lương tối thiểu (0,3 x 1.150.000 đồng), vị chi mỗi tháng ngân sách cấp 7,9 triệu đồng. Tương tự, tại phường Tây Sơn mỗi tháng cấp cho 24 đại biểu HĐND với số tiền là 8,28 triệu đồng. Ngoài số tiền phụ cấp cho đại biểu, hàng năm ngân sách phải chi cho các hoạt động 2 kỳ họp, giám sát, văn phòng phẩm, tiếp xúc cử tri, quần áo đại biểu... Nếu “xài” không hết tiền, nhiều HĐND cấp xã chi dưới hình thức… tham quan học tập kinh nghiệm!
Cũng liên quan đến số lượng người làm công tác cấp xã, hiện nay quy định nếu kiêm nhiệm chỉ nhận thêm 20% mức lương người đó hiện hưởng nên nhiều người không thích kiêm nhiệm mà thay vào đó tuyển dụng thêm người, thêm suất lương. Từ đó không khuyến khích tinh giản biên chế!
Không tổ chức HĐND phường, thị trấn
Đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Văn Nhung |
Theo ý kiến của Chủ tịch UBND phường Hội Thương (TP. Pleiku) Hoàng Minh Nghĩa: “Tuy xã, phường, thị trấn là đồng cấp nhưng tôi ủng hộ quan điểm vẫn giữ lại HĐND xã và không tổ chức HĐND phường, thị trấn. Bởi do đặc thù trình độ dân trí nên người dân khó có khả năng diễn đạt những yêu cầu quyền lợi chính đáng của mình với chính quyền mà đại diện”.
Trong khi đó, ý kiến của Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND phường Tây Sơn (TP. Pleiku) Bùi Kim Sang: “Thực ra chúng tôi không phủ nhận những việc mà các đại biểu HĐND cấp xã đã làm được thời gian qua nhưng với yêu cầu thực tế hiện nay nên không tổ chức HĐND cấp xã nữa. Hơn nữa, đã không tổ chức HĐND phường, thị trấn thì không lý gì lại tổ chức HĐND xã thì càng không cần thiết, bởi nhiều đại biểu HĐND cấp xã rất yếu về chuyên môn; các quyết nghị chỉ tiêu tại các kỳ họp thực ra đã được phân định từ nghị quyết cấp trên; việc triển khai các công trình, dự án ở địa phương thực ra đã có kế hoạch dự kiến của cấp trên. Còn việc giám sát các hoạt động của chính quyền đã có các đoàn thể. Việc không tổ chức HĐND sẽ tăng quyền làm chủ đại diện sang hình thức làm chủ trực tiếp của người dân, đồng thời đề cao trách nhiệm của chính quyền và UBND trước dân”. Cũng theo ông Bùi Kim Sang và ông Hoàng Minh Nghĩa, ngoài một số cơ quan pháp luật, mới đây nhất, ngày 12-12-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quyết định 217 và Quyết định 218-QĐ/TW về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Khi thực hiện tốt hai quyết định này sẽ tạo tính độc lập và góp phần giám sát, phản biện tốt với chính quyền. Những việc này có khác gì chức năng của HĐND xã nhưng lại làm lợi cho ngân sách nhà nước rất lớn.
Lê Văn Nhung