(GLO)- Ma túy không đơn giản chỉ là một loại thuốc gây nghiện mà là một thứ ma lực đầy khó hiểu. Đó là lý do vì sao mà tỷ lệ tái nghiện là rất cao ở những người đã từng rất quyết tâm rũ bỏ ma túy. Và có lẽ, chỉ có sự chung tay của cả cộng đồng mới mong xua tan cái bóng ma luẩn quẩn luôn chờ cơ hội gây tội ác.
Đoạn tuyệt với ma túy
Từ những ngày trước giải phóng (1975), ông N.V.C. (SN 1951, trú tại thôn 1, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đã nghiện ma túy. Ngày ấy, ông là một giang hồ khét tiếng ở mảnh đất Pleiku với những phi vụ đâm chém rợn người. Năm 2001, ông quyết định “rửa tay gác kiếm” đi cai nghiện. Sau một năm “hành xác”, cuối cùng ông cũng vứt bỏ được ma túy. Tuy nhiên mọi thử thách dường như chỉ mới bắt đầu từ ngày ông ra khỏi Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động-Xã hội tỉnh.
Khoảng thời gian đầu, nhiều bạn bè tìm đến nhưng ông đã dằn lòng cắt đứt tất cả để tránh xa những gì thuộc về quá khứ, về ma túy. Ông nói: “Nhiều người đến tận nhà để tìm, nhưng mỗi lần như thế tôi chỉ nói với họ tình nghĩa là tình nghĩa, bây giờ tôi đã vứt bỏ hết quá khứ rồi, hôm nay anh đến nhà tôi nhưng về sau anh đừng đến tìm tôi nữa”.
Không chỉ vậy, một trong những thử thách lớn với ông chính là sự kỳ thị của xã hội. “Tôi nộp đơn xin việc rất nhiều nơi, kể cả là bảo vệ, nhưng ở đâu họ cũng nhìn vào lý lịch cũ của tôi rồi từ chối. Họ không tin tưởng vào một người đã từng là giang hồ và còn nghiện ma túy”-ông C. chia sẻ. Những người trong làng, trong xã cũng nhìn ông với một con mắt khác. Họ dè dặt xen lẫn e sợ ông.
Sau lưng, người ta vẫn nói về ông như một cái gì xấu xa lắm. Vợ con ông đã không ít lần phải chịu nỗi xấu hổ. Nhưng có vậy, ông mới nhận ra ông có một tổ ấm tuyệt vời. Ông nói đầy tự hào: “Con trai tôi đi học, người ta vẫn nói thế này thế kia về tôi trước mặt nó, nhưng nó bảo không quan tâm quá khứ của ba trước kia thế nào, chỉ biết bây giờ ba nó là người tốt. Vì thế nên mọi người xung quanh nói gì, đối xử thế nào tôi không quan tâm, tôi cai nghiện là vì vợ con”. Không tìm được việc, ông liền treo tấm bảng xe ôm trước cửa nhà để chở khách. Nghề này giúp ông cùng vợ nuôi 2 con nhỏ đang ăn học.
Khi gia đình là chỗ dựa
Ở cái tuổi ngoài 50 nhưng ông Đỗ Văn Ng. (trú tại huyện Krông Pa) vẫn vạm vỡ và rắn rỏi lắm. Gặp người đàn ông tóc đã phai màu, khuôn mặt hiền lành chất phác này, không ai có thể tin ông từng có “thâm niên” hơn chục năm nghiện ma túy. Mấy ai biết người đàn ông này đã phải trải qua những khoảnh khắc rồ dại bên những chiếc xích trong phòng cắt cơn.
Năm 1988, trong khi lăn lộn trầy trật ở bãi vàng tại Krông Pa, chàng thanh niên 24 tuổi Đỗ Văn Ng. đã nhúng chàm vào ma túy. 14 năm sau, Ng. vào Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động-Xã hội tỉnh với quyết tâm đoạn tuyệt với “cái chết trắng”. Thế nhưng 10 năm sau, bóng ma của ma túy lại đưa anh đến với Trung tâm lần thứ hai cũng với đầy nghị lực và nguồn động viên đến từ gia đình.
Đó chính là lý do mà ông chấp nhận xa vợ, xa con, xa đứa cháu ngoại kháu khỉnh để vùi mình vào những bức tường. Hai lần bị nghiện, là hai lần ông mang nỗi xấu hổ đến cho bản thân và đặc biệt là vợ con. Ông Ng. có 5 người con, con lớn 30 tuổi, con út cũng đã tuổi 22 và không ai là không bị những lời châm chọc, chế giễu. Nhưng không ai trong số đó oán trách ông, đặc biệt là người vợ đã gắn bó với ông nửa cuộc đời.
Chính những lời động viên, vỗ về của người thân đã khiến con người tưởng chừng như là “con ngựa bất kham” phải mềm lòng. Ông chầm chậm nói: “Tuổi tôi đáng ra phải làm giàu, làm rạng danh cho con cháu, vợ con đặt nhiều kỳ vọng lắm nhưng tôi chỉ mang đến nỗi thất vọng, khiến mọi người mất lòng tin quá nhiều. Giờ tôi sợ ma túy lắm rồi. Tôi tự tin lần này sẽ tránh xa mãi mãi với nó, xác định đứng lên làm lại từ đầu để không phụ lòng gia đình”.
Có gia đình ở bên nên chưa bao giờ ông Ng. cảm thấy chán nản và buông xuôi. Bản lĩnh của một trụ cột gia đình được khơi dậy. Ông muốn người thân trong gia đình sẽ tự tin rằng họ có một người chồng, người cha, người ông đầy nghị lực.
Ông muốn ngày đoàn tụ gia đình không chỉ là những buổi thăm nuôi 2 lần/tháng... Ông tin rằng, tình yêu thương của gia đình rồi sẽ là tấm khiên chắc chắn nhất che chở ông trước những cám dỗ của ma túy.
Lê Văn Ngọc
Bà Lê Thị Lượng- Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động- Xã hội tỉnh bày tỏ: “Môi trường là yếu tố quan trọng nhất với những người nghiện ma túy. Các học viên vào Trung tâm với một môi trường “sạch” đã rất nhanh chóng cắt cơn và phục hồi sức khỏe, ăn uống điều độ. Nhưng khi ra ngoài cuộc sống, đã có rất nhiều học viên ngựa quen đường cũ bởi họ sẽ phải đối mặt với những mối quan hệ, va vấp đầy phức tạp. Bởi vậy, muốn đoạn tuyệt với ma túy cần có bản lĩnh, nghị lực tự thân của người nghiện, họ mang bệnh tới cho họ thì chính họ sẽ là người đẩy căn bệnh đó ra khỏi người mình. Nhưng họ có giữ được bản lĩnh của mình hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào gia đình, bạn bè, xã hội và đặc biệt là phải có việc làm. Điều đó đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng”. |