(GLO)- Gặp và tiếp xúc với họ mới thấy được sự nghiệt ngã của tạo hóa và số phận. Nhưng trong họ là những tâm hồn đẹp được bồi đắp lên từ chính những mất mát, đau thương khiến nhiều người không khỏi khâm phục.
Nỗ lực vì hạnh phúc gia đình
Ngôi nhà của anh Nguyễn Xuân Đồng (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ) tuy chưa thật sự khang trang nhưng cũng đã đủ đầy và ấm áp. Hai cậu con trai nhỏ đang nô đùa trước sân, bao quanh khu nhà là những luống rau xanh mượt. Anh Đồng thoăn thoắt pha trà mời khách rồi tìm chiếc bật lửa, tự châm cho mình một điếu thuốc, thả làn khói vào không trung, anh trầm ngâm…
Anh Đồng chăm sóc vườn rau. Ảnh: P.L |
…“Tỉnh dậy sau một vụ nổ mìn, tôi những tưởng đời mình “coi như xong” khi thấy đôi tay bị cắt đến tận khuỷu và con mắt bên phải không còn nhìn thấy ánh sáng”-anh tâm sự. “Ngày mới xuất viện, tôi buồn và suy nghĩ nhiều lắm, trách sao lúc đó không chết luôn mà tỉnh dậy làm gì. Cũng đúng thôi, 21 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ, mọi ước mơ, dự định vun đắp cho cuộc sống mới chỉ bắt đầu. Những suy nghĩ quẩn quanh ấy rồi cũng dần qua đi khi gia đình, bạn bè và người thân bên cạnh động viên, chia sẻ. Sau chuỗi ngày u ám, tôi chợt nhận ra, mình cần phải tiếp tục đi trên một con đường sáng…”.
Ngày mỗi ngày, anh Đồng lại tự mày mò, tự tập làm một vài việc đơn giản. Hai cùi tay không còn có thể cầm nắm, anh nghĩ ra cách nhờ người làm cho mỗi vật dụng một ống tròn gắn vừa vặn với ống tay mình, lấy đó làm cầu nối để gắn vào những vật dụng lao động, sinh hoạt. Từ cái dao, cán cuốc đến cả hai tay cầm của xe máy anh đều thiết kế như vậy. Cứ thế, vượt qua những ngượng nghịu ban đầu, đôi tay không còn lành lặn của anh đã dần dần thích nghi trở lại với công việc.
Năm 2002, anh lập gia đình-điều mà trước đó anh không dám mơ đến. Tâm sự về người vợ của mình, anh tiết lộ: “Quyết định lấy tôi, vợ tôi có lẽ là liều số một!”. Bây giờ gia đình anh Đồng đã có hai người con trai, trong nhà cũng đã có ti vi, tủ lạnh, xe máy. Ngoài việc trồng rau, gia đình anh còn nuôi thêm bò và trồng hơn 5 sào mía. Chừng ấy cũng đủ cho cả gia đình chi tiêu không bị thiếu trước hụt sau. Anh hồ hởi chia sẻ về dự định mới của mình: “Năm tới, chắc tôi sẽ bán hết bò, mua bò ốm về vỗ béo. Diện tích trồng rau sẽ sẻ bớt để trồng cỏ sữa cho bò. Làm thế mới mong có được đồng ra đồng vào mà lo cho mấy đứa nhỏ”…
“Không thể giới hạn ước mơ”
“Em ước mơ sau này trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, sáng tạo những chương trình, phần mềm có ích cho xã hội và con người”-cậu bé Phạm Viết Yên (học sinh lớp 11A-Trường THPT Chuyên Hùng Vương) vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về ước mơ của mình trong tương lai.
Phạm Viết Yên và em gái. Ảnh: L.H |
Bị dị tật vận động toàn thân ngay từ nhỏ, mọi đi đứng, sinh hoạt của em đều diễn ra trên chiếc xe lăn và nhất thiết phải có bàn tay giúp đỡ của người khác nhưng Yên lại là một cậu bé vô cùng lạc quan và có chí. Căn bệnh quái ác khiến cơ thể em nhỏ xíu không đầy 35 kg, chân tay rất yếu. Mỗi giờ học là một thử thách khi toàn thân đều rất khó để duy trì một tư thế ngồi lâu. Các cơ không phát huy được tác dụng nâng đỡ cơ thể, chỉ cần một chút mỏi mệt, thậm chí ngay cả chiếc đầu của mình em cũng không thể giữ cho vững…
Đối mặt với sự khắc nghiệt đó, Yên luôn thể hiện em là một cậu bé rất có chí và thông minh. “Cháu không thể tham gia các lớp mẫu giáo hay nhà trẻ nên ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, tôi lại dành một quỹ thời gian nhất định để dạy cháu tập viết, tập đọc. Điều tôi rất bất ngờ là cháu tiếp thu rất nhanh”-bố Yên chia sẻ.
Đủ tuổi, bố mẹ Yên làm hồ sơ xin cho con đi học. Điều kiện sức khỏe quá yếu khiến mọi người cực kỳ lo lắng, rằng liệu Yên có thể chịu đựng được cả nửa ngày trời trên lớp học không? Vậy nhưng, cứ nhìn cảnh Yên say mê học, bố mẹ em lại yên lòng. Ở trên lớp, Yên được sắp xếp một chỗ ngồi vô cùng đặc biệt, đó là chiếc xe lăn. Cứ mỗi giờ ra chơi, thầy cô và các bạn lại giúp Yên nằm đỡ xuống chiếc xe được thiết kế đặc biết ấy để có vài phút nghỉ ngơi, giữ sức cho những tiết học tiếp theo.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Yên rất lạc quan: “Em biết sức khỏe mình không cho phép nên đã hướng cho mình theo con đường liên quan đến công nghệ thông tin. Số phận có thể giới hạn rất nhiều khả năng vận động của em nhưng ước mơ thì không thể. Đó cũng là cách để em đền đáp lại công ơn nuôi dưỡng, chăm sóc của bà, bố mẹ và những người thân yêu đã dành cho em”-Yên tâm sự.
Lê Hòa-Phương Linh