(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, các đồn biên phòng đã và đang nỗ lực từng ngày kề vai sát cánh với nhân dân bám làng, bám địa bàn, để chung sức giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội.
Mô hình của tình quân-dân
Đại tá Lê Thuần Huy- Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung nhấn mạnh vào 7 nội dung, phù hợp với địa bàn biên giới, gồm: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung giảm nghèo và an sinh xã hội; tiếp tục triển khai “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; đổi mới và tổ chức sản xuất có hiệu quả; vận động học sinh đến trường và giúp học sinh nghèo vượt khó; đẩy mạnh chương trình quân-dân y kết hợp; xây dựng cơ sở chính trị địa phương. Và trong 7 nội dung trên, có một số nội dung mà trước nay, đơn vị vẫn triển khai thực hiện.
Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tặng quà cho các gia đình chính sách. Ảnh: P.D |
Cụ thể, đơn vị đã triển khai xây dựng 9 mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội trên khu vực biên giới, góp phần giảm nghèo. Trong đó, có một số mô hình góp phần củng cố thực lực chính trị tại địa phương, như: Phong trào tự quản trong đồng bào có đạo ở địa bàn Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), củng cố thực lực chính trị ở Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) và Ia Mơr (huyện Chư Prông), củng cố chi đoàn làng Tung và phối hợp làm kinh tế trồng lúa nước để gây quỹ Đoàn ở Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ).
Đặc biệt, Đồn Biên phòng Ia Pnôn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thành lập 2 nhóm tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo. Hơn nữa, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũng thường xuyên “3 cùng, 4 bám” với nhân dân. Đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả, bằng chứng là tình hình an ninh chính trị tại làng đã dần ổn định. Hay mô hình củng cố chi đoàn làng Tung và phối hợp làm kinh tế trồng lúa nước để gây quỹ Đoàn ở Đoàn Biên phòng Ia Nan đã tập hợp đoàn viên thanh niên tham gia làm lúa nước, tránh tình trạng thanh niên tụ tập ăn chơi, lười lao động. Mô hình này mỗi năm cho thu hoạch 2 tấn thóc/5 sào lúa nước và hiệu quả từ mô hình đã được nhân dân trong làng nhân rộng.
Song song với những mô hình trên, các đồn biên phòng còn xây dựng các mô hình kinh tế giúp người dân trên khu vực biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ biên giới… Trong đó phải kể đến mô hình trồng lúa nước ở Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông), trồng tiêu ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, trồng cao su ở Đồn Biên phòng Pô Cô (huyện Ia Grai)…
Với 0,5 sào lúa nước ban đầu được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch triển khai thí điểm tại gia đình ông Rah Lan Hun (làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông), đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên toàn xã với 20 ha. Hay mô hình trồng tiêu thí điểm ở gia đình ông Rah Lan Khoan (làng Mook Đen II, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, với 340 trụ tiêu ban đầu đến nay đã được nhân rộng trên 10 hộ với 2.000 trụ tiêu.
Cùng với những mô hình giúp dân, trong năm 2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn giúp dân lao động sản xuất được 1.944 ngày công, giúp 74 hộ xóa đói giảm nghèo và giúp dân phát triển kinh tế 16 triệu đồng… Đến nay, hầu hết các mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội của các đồn biên phòng đều mang lại hiệu quả thiết thực và được người dân các xã biên giới hưởng ứng.
“Mái ấm cho người nghèo”
Cũng theo Đại tá Lê Thuần Huy thì trong năm 2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng và bàn giao 10 ngôi nhà “Đại đoàn kết” cho người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới với tổng giá trị 383 triệu đồng, trong đó có 8 nhà cho người dân các xã biên giới trong tỉnh và 2 nhà cho người dân nước bạn Campuchia.
Hai gia đình được Bộ đội Biên phòng tỉnh xây tặng nhà “Đại đoàn kết” ở huyện Oyadav, tỉnh Rattanakiri có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng chết, ba đứa con đều bị tàn tật, một mình chị Rơmah H’Phiet (làng Lâm, xã Pó Nhầy) phải làm lụng để nuôi gia đình, còn hoàn cảnh của chị Rơmah H’Uynh (làng Phí, xã Sê San) cũng tương tự với chồng chết sớm, hai mẹ con không có nhà ở phải dựng lều tạm trên đất của gia đình khác.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh giao cho Đồn Biên phòng Ia Nan chịu trách nhiệm xây dựng căn nhà cho gia đình chị H’Phiet, còn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh xây dựng căn nhà cho gia đình chị H’Uynh. Mỗi căn nhà có diện tích 40 m2, trị giá 50 triệu đồng, ngoài ra Bộ đội Biên phòng còn đóng góp thêm ngày công xây dựng... Việc xây dựng và bàn giao những ngôi nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo trên đất bạn Campuchia đã góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai tỉnh Gia Lai và Ratanakiri nói riêng và hai nước Việt Nam-Campuchia nói chung.
Cùng với việc xây dựng các “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn chỉ đạo các đồn biên phòng nhận đỡ đầu một cháu mồ côi và giúp đỡ 9 cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi, đồng thời hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2012, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với ngành Giáo dục-Đào tạo vận động 765 học sinh bỏ học trở lại trường, tặng quà và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo hiếu học trị giá 14 triệu đồng. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng được 12 làng văn hóa cấp huyện và 1.312 gia đình văn hóa và phối hợp với Trạm Y tế huyện, xã khám-chữa bệnh cho 2.113 lượt người dân ở các xã biên giới.
Đại tá Đoàn Vĩnh Quý- Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, nhấn mạnh: Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) khảo sát làng Mook Trê để xây dựng mô hình điểm về giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
Mục tiêu đề ra là đến năm 2015, 100% hộ gia đình trong thôn tham gia đăng ký thực hiện chấm dứt các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu; không có các đối tượng theo FULRO, “Tin lành Đê-ga” và không có người vượt biên hay vi phạm pháp luật; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tập trung giáo dục số thanh niên hư trở thành người có ích cho xã hội; củng cố an ninh chính trị và an ninh nông thôn.
Nhóm P.V nội chính