(GLO)- Dù công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thường xuyên được chuyển tải đến các học sinh và rồi chuyện đâu lại vào đấy. Để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng này lại không hề dễ, với ngành chức năng họ đang không biết đâu là biện pháp hữu hiệu.
Nói về các vụ tai nạn giao thông chắc hẳn người dân trên địa bàn TP. Pleiku vẫn còn nhớ khá rõ vụ tai nạn xảy ra vào đêm 30-8 trên đường Hùng Vương khiến 2 thanh niên cùng tử nạn do chạy quá tốc độ, vụ việc này khiến không ít người cảm thấy thương xót khi các em đang ở tuổi học trò, nhưng có người cho rằng đó cũng chính là lỗi của người điều khiển phương tiện và một phần trách nhiệm do phụ huynh. Và đó chỉ là một trong số hàng trăm vụ va quẹt, tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn TP. Pleiku trong thời gian vừa qua.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Tưởng chừng vụ việc kể trên sẽ là lời cảnh tỉnh cho các cô, cậu học trò khi năm học mới chính thức bắt đầu, và điều không mong muốn lại tiếp tục diễn ra cảnh học sinh cưỡi “ngựa sắt” phân khối lớn (xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên- NV) đến trường, không chỉ vậy, nhiều nam thanh, nữ tú vốn dĩ được nuông chiều nên lúc đến hay khi tan trường thường tỏ vẻ như mình rất sành điệu và như để thể hiện bản lĩnh họ thường bày các trò chở 3, đôi khi cả 4, 5 người, không đội mũ bảo hiểm rồi chạy nghênh ngang, diễu hành trên phố.
Ngoài những điều nhà trường, các bậc phụ huynh và ngành chức năng đã biết từ rất lâu rằng những học sinh dùng xe máy phân khối lớn đi học là vi phạm và những chiếc xe này được gửi ngoài khu vực trường đa phần là khu vực nhà dân cạnh trường hay các điểm giữ xe là nhà sách, siêu thị… nên không thể xử lý.
Mỗi ngày, sau buổi tan trường, trên các tuyến đường Tô Vĩnh Diện, Lê Lợi, Hùng Vương nơi có các điểm trường THPT, cảnh tượng quen thuộc đối với nhiều người chính là việc học sinh lái xe máy, đùa nghịch, chở 3, 4, lạng lách…
Ảnh: Nguyễn Giác |
Trong khi nhà trường và các lực lượng chức năng tìm đủ mọi cách để hạn chế tình trạng học sinh đi xe máy thì các em học sinh cũng tìm đủ kế và lý do để lách luật. Và để đưa việc cấm học sinh đi xe máy vào nề nếp, các trường học đã tổ chức họp trao đổi với phụ huynh, yêu cầu ký kết không cho con em đi xe gắn máy nhưng chỉ nhận được sự đồng tình ít ỏi, bởi phần lớn phụ huynh đưa ra rất nhiều lý do xe máy thuận tiện, nhà xa phương tiện công cộng không đến; còn với học sinh thì nói ngược lại: bố mẹ nhiều việc không thể đưa đón...
Để kiểm soát học sinh đi xe máy sai quy định đến trường, các trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku đều cho giáo viên phụ trách trực tại cổng vào khi các em đến trường để kiểm tra giấy phép lái xe, phương tiện sai quy định. Ngoài ra, nhà trường phối hợp thường xuyên với cơ quan công an phường kiểm tra; phụ huynh, học sinh tự ký cam kết không cho con em đến trường bằng xe máy phân khối lớn, nhưng làm thế nào các học sinh cũng tìm cách né bằng được.
Cô Trác Thị Thanh Hải- Hiệu trưởng trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) cho biết: Nhà trường thường xuyên có 4 xe ô tô buýt phục vụ đưa đón học sinh đến trường, tuy nhiên phần lớn là những học sinh khối 10 và một số em ở xa như khu vực Hàm Rồng, Biển Hồ mới đăng ký, còn lại phụ huynh đón và các em tự dùng phương tiện cá nhân đến trường. Biết học sinh đi xe máy là nguy hiểm và khó lường trước việc gì khi cá tính các em chưa được chững chạc, cấm rồi cũng xong. Nếu không vướng về luật, nên nghiêm cấm các em điều khiển xe máy đi học dù phân khối lớn hay nhỏ.
Theo ông Thân Hữu Chánh- Phó trưởng Công an TP. Pleiku: Hiện nay trên địa bàn thành phố tình trạng một bộ phân thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật giao thông đường bộ, công an thành phố đã chỉ đạo cho lực lượng các phường cùng với tổ tự quản tại cơ sở tăng cường công tác tuần tra kiểm soát. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động cùng làm nhiệm vụ, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật… nhằm làm thế nào đạt được mục tiêu giảm từ 5 đến 10% số vụ tai nạn giao thông mà ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề ra.
Nói và làm là vậy, tuy nhiên theo thống kê từ Công an TP.Pleiku, đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm 16 người chết, bị thương 13 người, ngoài ra đã ghi nhận 90 vụ va chạm giao thông, làm bị thương nhẹ 127 người, hư hỏng 131 xe mô tô, trong đó các vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm phần lớn số vụ vi phạm.
Mặc dù lực lượng Công an TP. Pleiku đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuy nhiên việc làm này xem như “muối bỏ bể”, bởi lẽ hiện nay cơ chế xử phạt đối với những trường hợp vi phạm mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện trong thời gian ngắn không đủ sức răng đe.
Nguyễn Giác