“Bác sĩ kỹ thuật” của Lữ đoàn Pháo binh 40

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với gần 30 năm công tác, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Đình Hình-thợ sửa chữa ô tô của Phòng Kỹ thuật (Lữ đoàn Pháo binh 40, Quân đoàn 3) đã có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Mới đây, sáng kiến “Thiết bị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa bầu phanh tích năng lò xo xe ô tô Kamaz” của anh được Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) tặng bằng khen.

Lữ đoàn Pháo binh 40 là đơn vị cấp chiến dịch, được biên chế nhiều trang bị kỹ thuật, phương tiện xe, pháo lớn phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác. Trong quá trình vận hành, các trang-thiết bị, phương tiện khó tránh khỏi hỏng hóc, trục trặc về kỹ thuật. Do vậy, người thợ sửa chữa có vai trò vô cùng quan trọng.

Hiểu rõ vai trò của mình, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Đình Hình luôn tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đồng chí, đồng đội để có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Khi nhắc đến anh, nhiều đồng đội thường gắn với những tên gọi trìu mến như: “Bác sĩ kỹ thuật”, “Cứu tinh của xe, pháo”, “Chỗ nào khó có anh Hình”.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Đình Hình kiểm tra sáng kiến của mình khi áp dụng trên xe ô tô Kamaz. Ảnh: H.Q

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Đình Hình kiểm tra sáng kiến của mình khi áp dụng trên xe ô tô Kamaz. Ảnh: H.Q

Với những thành tích nổi bật, năm 2021, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Đình Hình được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân”; năm 2023 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen; 7 năm liên tục là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mới đây, tại Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Quân đoàn 3, sáng kiến “Thiết bị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa bầu phanh tích năng lò xo xe ô tô Kamaz” của Thiếu tá Hình được Hội đồng nghiệm thu xếp loại giỏi.

Nói về sáng kiến này, Thiếu tá Hình cho biết: Những năm qua, đơn vị được trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị mới, trong đó có xe ô tô Kamaz. Mỗi lần kiểm tra, sửa chữa loại xe này, người thợ phải nổ máy chạy thử hoặc kê kích xe lên. Trong đó, việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa bầu phanh tích năng lò xo rất khó khăn và dễ mất an toàn. Xuất phát từ đặc điểm đó, anh đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến trên.

Thiết bị được cấu tạo gồm: đầu cấp khí nén, cụm điều chỉnh khí nén vào hệ thống bầu phanh tích năng lò xo theo áp lực tùy chọn, van đóng, mở điều khiển hoạt động, đồng hồ hiển thị áp lực và độ kín khí nén khi phanh, độ kín khí nén khi đóng, mở cụm tích năng lò xo, các ô khí nén để kết nối với bầu phanh, giá đỡ bầu phanh, vam ép giải phóng năng lượng lò xo, cụm định vị bầu phanh và trục trượt định tâm. Khi muốn kiểm tra cụm phanh, người thợ sửa chữa gắn thiết bị này vào cụm phanh, gạt van điều khiển đóng/mở cụm tích năng lò xo về vị trí mở để kiểm tra áp suất bắt đầu phanh và áp suất phanh hoàn toàn.

Bên cạnh đó, người thợ đóng mở van phanh để kiểm tra hoạt động của cụm phanh; điều chỉnh áp suất phanh 7-9 kg/cm2 với thời gian trên 1 phút để kiểm tra độ sụt áp của cụm phanh. Người thợ chỉ cần nhìn các thông số hiển thị trên đồng hồ để biết chất lượng cụm phanh, hỏng ở bộ phận nào sau đó tiến hành sửa chữa.

Hay như sáng kiến “Kiểm tra hệ thống mạch điện bắn trên xe chiến đấu BM 21” của Thiếu tá Hình cũng được cấp trên đánh giá cao. Trước đây, để kiểm tra mạch điện bắn trên xe BM 21, người thợ phải lắp bóng đèn kiểm tra cụm phát hỏa của từng ống phóng. Do phải kiểm tra từng ống và không có dụng cụ chuyên dùng nên độ chính xác không cao và mất nhiều thời gian. Xuất phát từ thực tế đó, Thiếu tá Hình đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến trên.

Cấu tạo của hệ thống khá đơn giản, gồm: bộ nguồn, hệ thống chia tách mạch điện, đèn tín hiệu. Khi muốn kiểm tra hệ thống điện bắn trên xe, người thợ gắn thiết bị này vào và quan sát đèn tín hiệu ở từng cụm phát hỏa của các ống phóng. Ưu điểm của thiết bị này là có thể cùng lúc kiểm tra mạch điện trên nhiều ống phóng và có thể áp dụng để kiểm tra mạch điện trên các xe pháo khác có hệ thống bắn bằng điện.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Cao Xuân Dũng-Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn Pháo binh 40-cho biết: Đồng chí Hoàng Đình Hình là thợ sửa chữa ô tô có trình độ tay nghề cao, được chỉ huy đơn vị giao đảm nhiệm nhiều công việc khó, sửa chữa những sự cố kỹ thuật phức tạp và luôn hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu. Bản thân đồng chí có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào quá trình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Trên cương vị là một người thợ sửa chữa, đồng chí đã tranh thủ mọi lúc, mọi thời điểm, kể cả ngày nghỉ, giờ nghỉ, nhằm kịp thời khắc phục hỏng hóc, bảo đảm hệ số kỹ thuật cao cho hệ thống xe của Lữ đoàn để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.