ASEAN quan tâm đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 10-8 tại Nay Pyi Taw, Myanmar. Đây là các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác chủ chốt.  

Trước đó, từ ngày 5 đến ngày 7-8, diễn ra các hội nghị trù bị quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM) để chuẩn bị các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Phóng viên phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM Việt Nam về Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị liên quan.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

- P.V: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 47 và các hội nghị liên quan diễn ra ở Nay Pyi Taw, Myanmar sẽ thảo luận những nội dung cơ bản nào?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Theo lịch họp, lần này có khoảng 15 cuộc họp của ASEAN với các đối tác, đồng thời bên lề có khoảng 5 cuộc họp liên quan đến Tiểu vùng Mê Kông với các đối tác. Như vậy, tổng cộng gần 20 cuộc họp.

Trọng tâm các cuộc họp ASEAN lần này nhấn mạnh đến xây dựng được cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và từ đó phát triển ASEAN, trong đó có việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015. Bên cạnh đó sẽ đánh giá và nhìn nhận lại sự phát triển của tình hình khu vực trong một năm qua.

Trong 1 năm qua, có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi các nước lớn đều quan tâm hợp tác với ASEAN, nhưng trong hợp tác với ASEAN, họ đều có những đòi hỏi nước lớn của mình. Trong tương tác giữa họ với nhau cũng có những điều chỉnh chiến lược, có những cọ xát về cạnh tranh chiến lược cho nên có tạo sự phức tạp.

Trong bối cảnh đó, ASEAN duy trì được đoàn kết để thể hiện vai trò chủ động của mình, đồng thời ASEAN lại chủ động thể hiện được vai trò trung tâm của mình trong định hướng hợp tác ở khu vực rất quan trọng. Đây là một trong những nội dung quan trọng của ASEAN.

Hiện nay, trong khu vực có nhiều vấn đề thách thức, chẳng hạn thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và thiên tai hay những tranh chấp về biển đảo.

Từ những thách thức đó, ASEAN phải làm sao có vai trò chủ động thúc đẩy hợp tác ở khu vực, vừa ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, vừa đồng thời phát huy được những nguyên tắc liên quan đến những tranh chấp ở Biển Đông để có thể đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở đây. Đây là điều rất quan trọng, chắc chắn trong lần này, ASEAN sẽ bàn những bước đi sắp tới, làm sao bảo đảm thực hiện được tốt luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển, bảo đảm tốt việc thực hiện hiệu quả và đầy đủ các quy định của DOC, trong đó có quy định thực hiện việc kiềm chế và không làm gì phức tạp thêm tình hình và chắc chắn sẽ đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Đây có lẽ là dịp duy nhất trong năm ASEAN họp bàn với tất cả 10 đối tác của mình, cho nên ASEAN sẽ kiểm điểm những hoạt động và chương trình hợp tác trong năm qua; đề ra những định hướng để tăng cường hợp tác hơn nữa giữa ASEAN với từng đối tác.

- P.V: Vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần này. Vậy đâu là những nội dung cơ bản được thảo luận, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Trước hết, chúng ta đều biết, vấn đề làm sao bảo đảm được hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là quan tâm lớn của ASEAN và là quan tâm chung của khu vực và các nước đối tác của ASEAN. Cho nên các nước sẽ cùng nhau bàn bạc và bản thân ASEAN sẽ có những đề xuất để làm sao bảo đảm được tốt hơn môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực này.

Mặt khác, trong thời gian vừa qua, có những diễn biến phức tạp xảy ra đối với vấn đề hòa bình, ổn định ở Biển Đông tạo ra căng thẳng gia tăng ở khu vực này. Hệ lụy của những chuyện đó là làm sao trong ASEAN phải chủ động đề xuất những biện pháp để cùng chia sẻ với các đối tác liên quan, xây dựng các khuôn khổ chuẩn mực và cơ chế hợp tác không để tái diễn những hành vi vi phạm tương tự.

Chúng tôi cho rằng, một mặt phải nhất trí cùng nhau đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển cũng như những thỏa thuận khu vực, chẳng hạn như DOC và cùng nhau tạo ra các khuôn khổ hợp tác để bảo đảm được những nguyên tắc luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển, DOC được thực hiện trên thực tế.

Giữa ASEAN và Trung Quốc đã có ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và hai bên đã nhất trí là phải làm sao bảo đảm thực hiện được đầy đủ và hiệu quả. Chúng ta hiểu được rằng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả là thực hiện được tất cả các quy định của DOC một cách thực sự trên thực tế. Các bên phải bàn cơ chế và các biện pháp cụ thể để cùng triển khai bảo đảm mục tiêu này thực hiện đầy đủ, hiệu quả và trên thực tế để tình hình phức tạp và gia tăng căng thẳng không xảy ra nữa.

Các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận với nhau sẽ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông để bảo đảm tốt hơn môi trường hòa bình, ổn định; phải đẩy nhanh hơn nỗ lực thực chất để sớm có Bộ Quy tắc. Theo quan điểm của ASEAN thì COC trong tương lai phải là Bộ quy tắc một cách tổng thể liên quan đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đồng thời có giá trị ràng buộc để có thể tạo ra những nghĩa vụ của các bên thực hiện tốt nhất trên thực tế.

- P.V: Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam sẽ có đóng vai trò và có đóng góp như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Vì những mục tiêu ưu tiên của ASEAN gắn kết sát sườn lợi ích của khu vực mà chúng ta chia sẻ, cho nên chắc chắn một trong những trọng tâm của Việt Nam là cùng các nước ASEAN bảo đảm ASEAN đoàn kết và tiếp tục tăng cường hợp tác, tăng cường vai trò của mình để thực hiện các mục tiêu ưu tiên, bao gồm: Xây dựng cộng đồng thành công; phát huy được vai trò trung tâm; phải thể hiện đoàn kết và tiếng nói chung và tăng cường hợp tác với các nước lớn mà vẫn giữ được vai trò chủ động của mình để có thể ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra. Cả trên những vấn đề thuận lợi về hợp tác cũng như vấn đề còn có những thách thức, chẳng hạn như tranh chấp đòi hỏi chủ quyền, chắc chắn ASEAN càng phải tăng cường đoàn kết và có vai trò trách nhiệm của mình.

Việt Nam rất mong muốn ASEAN tập trung cả nỗ lực khu vực và nỗ lực quốc gia để thực hiện đúng lộ trình và tiêu chí xây dựng cộng đồng. Đây là bài toán mà ASEAN đã đi được 2/3 chặng đường nhưng còn gần 1/3 chặng đường còn lại là những biện pháp liên kết cao hơn và khó hơn, cho nên cần có nỗ lực của quốc gia, nỗ lực của cả khu vực để xây dựng thành công Cộng đồng. Nếu xây dựng thành công cộng đồng sẽ là chỗ dựa vững chắc cho ASEAN phát huy tiếng nói khu vực.

Trong các quan hệ với các đối tác, Việt Nam đang được giao điều phối quan hệ ASEAN-EU và vừa qua, chúng ta tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 20 ở Brussels. Việt Nam phải phản ánh được công tác điều phối, những kết quả đạt được trong thời gian qua, cũng như quyết sách vừa đạt được ở Brussels được thể hiện tại hội nghị lần này và chuyển hóa thành chương trình hành động chung của ASEAN và EU, thể hiện được vai trò điều phối của Việt Nam. Chúng tôi cho đây là những vấn đề quan trọng mà Việt Nam sẽ tăng cường đóng góp.

- P.V: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...